Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng (9)

Thứ năm, 02/12/2021 - 18:04

(Thanh tra) - Quan điểm của UBND TP Hà Nội khi thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân, gây mất đoàn kết, làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, đơn vị và không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức…

Ảnh minh họa: Internet

Phần III

MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

a) Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; góp phần chủ động trong phòng ngừa tham nhũng.

b) Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, khắc phục tâm lý chủ quan, thỏa mãn, trì trệ khi công tác ở một vị trí, một địa bàn; tạo môi trường cho đội ngũ công chức, viên chức có điều kiện tiếp xúc nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau, có kiến thức toàn diện đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài.

2. Chỉ tiêu

Đảm bảo "100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ phải được thực hiện nghiêm túc quy định".

II. QUAN ĐIỂM

1. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ thuộc danh mục vị trí công tác theo quy định và phải được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; có sự giám sát của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác và điều kiện thực tế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và không gây tăng giảm, biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân, gây mất đoàn kết, làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, đơn vị và không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

3. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra; vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, không cầu toàn.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền

a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm; bảo đảm tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và hiểu rõ, đầy đủ các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó có nội dung về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu của việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác để thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và từng cán bộ, công chức, viên chức.

b) Việc tuyên truyền cần được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền thông qua tập huấn nghiệp vụ, quán triệt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tổ chức trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có nhiều điểm mới, một số quy định chưa cụ thể dẫn đến vướng mắc trong triển khai thực hiện. Để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả chuyển đổi vị trí công tác, đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hơn một số nội dung sau:

a) Các cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá lại toàn bộ chính sách chuyển đổi vị trí công tác (chi phí bỏ ra, hiệu quả của việc thực hiện, thời gian đào tạo lại cán bộ, nguồn lực khác,...) với tác dụng của việc thực hiện giải pháp này nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương. Đề xuất bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí về đo lường mức độ hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, trong đó xác định cụ thể, rõ ràng các tiêu chí liên quan đến hiệu quả chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; quy định rõ các tiêu chí để có thể phân tích, đánh giá, phân loại được kết quả thực hiện so với kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác.

c) Cần có quy định nhấn mạnh chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng thông qua tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức thể hiện năng lực, chuyên môn, duy trì và nâng cao đạo đức, tính liêm chính. Đặc biệt phải coi đây là một nguồn nhân lực tích cực để lựa chọn, đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai. Nghiên cứu bổ sung quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho công chức đang được quy hoạch bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng phải chuyển đổi vị trí công tác.

d) Xem xét, ban hành quy định chi tiết hơn nhằm cụ thể hóa nội dung quy định về xử lý vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định chuyển đổi vị trí công tác nhằm ngăn ngừa, hạn chế việc lợi dụng thẩm quyền vì mục đích vụ lợi, tiêu cực liên quan đến chuyển đổi vị trí công tác.

đ) Nghiên cứu quy định mang tính nguyên tắc giúp định hướng nhận diện các hành vi tiêu cực liên quan đến tham nhũng để tạo thuận lợi cho việc tham chiếu, áp dụng các văn bản chuyên biệt của Đảng, Nhà nước trong xử lý và có thể sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời qua đó thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

3. Nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác

a) Đổi mới phương thức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác

- Thực hiện đồng bộ các phương thức chuyển đổi vị trí công tác (cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định phân cấp quản lý cán bộ);

- Gắn việc chuyển đổi vị trí công tác với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác ngoài việc có cơ hội tiếp xúc với công việc mới, địa bàn mới cũng là điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng trưởng thành hơn; có như vậy mới tạo sự yên tâm công tác cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị để việc thực hiện không bị lợi dụng, gây xáo trộn nội bộ, gây tâm lý hoang mang trong cán bộ.

b) Đối với những nhóm đối tượng việc chuyển đổi vị trí công tác có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống (công tác xa nhà, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn...). Ngoài chính sách hỗ trợ về vật chất, cần có chính sách về công tác cán bộ, như cam kết nhận lại đơn vị cũ khi hết thời hạn chuyển đổi khi đáp ứng các yêu cầu cụ thể về vị trí việc làm; được ưu tiên cử đi học tập nâng cao trình độ; có kế hoạch bồi dưỡng phát triển những cán bộ có triển vọng sau khi thực hiện chuyển đổi...

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị

Căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm của UBND Thành phố, Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2021 của UBND Thành phố về thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Hà Nội và Chuyên đề này; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai thực hiện Chuyên đề lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ Chương trình 10-CTr/TU của Thành ủy theo lĩnh vực quản lý, chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình; cụ thể:

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt các quy định về chuyển đổi vị trí công tác, thời hạn định kỳ phải chuyển đổi và các nội dung của Chuyên đề này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Định kỳ trong quý I hàng năm, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý và nghiêm túc tổ chức thực hiện. Yêu cầu trong nội dung Kế hoạch phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền và nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện; đồng thời, thực hiện công khai Kế hoạch trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đảm bảo "100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ phải được thực hiện nghiêm túc quy định".

c) Chủ động bám sát hướng dẫn của Bộ quản lý theo ngành, lĩnh vực về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương để kịp thời xây dựng, điều chỉnh phù hợp;

d) Thực hiện báo cáo định kỳ (quý, 06 tháng, năm) kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác về Sở Nội vụ để tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố. Thời gian gửi báo cáo quý chậm nhất vào ngày 05 tháng cuối quý, báo cáo 06 tháng gửi chậm nhất vào ngày 05 tháng 6 hàng năm, báo cáo năm gửi chậm nhất vào ngày 05 tháng 12 hàng năm.

2. Sở Nội vụ

a) Bám sát các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu theo các nội dung của Chuyên đề.

b) Tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

c) Hàng năm, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác và các nội dung của Chuyên đề này lồng ghép vào các cuộc thanh tra chuyên ngành Nội vụ, kiểm tra về công tác cán bộ.

II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lộ trình triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2021 của UBND Thành phố về thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Hà Nội để bổ sung, lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chuyên đề này vào Kế hoạch tổ chức thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. Hàng năm, đánh giá kết quả triển khai thực hiện, tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chuyên đề lồng ghép với việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Chuyên đề xây dựng trong dự toán nghiệp vụ chuyên môn hàng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trên đây là Chuyên đề số 9 "Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ" triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025".

UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) để được hướng dẫn thực hiện.

Hoàng Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm