Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 09/04/2018 - 22:36
(Thanh tra)- Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với Bộ Y tế về việc sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ y tế, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018 - 2020, công tác tổ chức đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu thiết bị y tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: PA
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37 quy định mức giá khám chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc, với mức viện phí được điều chỉnh tăng so với trước đó.
Theo Bộ Y tế, đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù Thông tư ban hành năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-TC được xây dựng từ năm 2011, từ đó đến nay giá đầu vào tăng, điện từ 1.310 đồng/KWh lên 1.713 đồng/KWh, nước 6.270 đồng/m3 lên 11.148 đồng/m3, xử lý nước thải y tế 2011 mới tính 3.135 đồng/m3, hiện nay chi phí thực tế và thuê bình quân 15.000 đồng; công suất sử dụng, lương cơ sở tại thời điểm 2015 là 1.150.000 đồng, nay 1.300.000 đồng, từ 1/7/2018 là 1.390.000 đồng. Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về dự toán 2018 đề nghị các đơn vị có thu phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm khi tăng lương tối thiểu.
Do chưa điều chỉnh mức đóng BHYT nên để quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, Bộ Y tế cũng đồng thuận điều chỉnh một số mức giá, ví dụ như giá khám bệnh và một số dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi do công suất tăng, một số xét nghiệm có chi phí vật tư giảm do đấu thầu.
Bộ Y tế và Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có nhiều cuộc họp để bàn và triển khai việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh giá tại Thông tư 37.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc sửa đổi Nghị định 105 sẽ góp phần thúc đẩy lộ trình xã hội hóa dịch vụ y tế. Ảnh: PA
Mới đây, tại cuộc họp giữa tháng 3/2018, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất đến 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 (giai đoạn 1). Theo đó, sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ y tế có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm…
Giai đoạn 2, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ.
Liên quan đến kịch bản điều hành giá năm 2018, lộ trình giai đoạn 2018 - 2020, Bộ Y tế cho biết, từ 1/7/2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ y tế. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp, tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng), và chi phí quản lý.
Dự kiến, mức giá dịch vụ y tế mới sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5 - 8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đồng là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%).
Bộ Y tế cũng đưa ra kịch bản, nếu CPI chung năm 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh viện phí vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Theo tính toán của Bộ Y tế, với mức tăng viện phí như vậy, dự kiến sẽ làm tăng chi Quỹ BHYT khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm, song với số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng thì Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối đến 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong ban hành quy định về BHYT, phối hợp chặt chẽ với các bộ trong quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng Nghị định số 105 liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, cơ cấu Quỹ BHYT, điều chỉnh mệnh giá BHYT, thực hiện các quy định của Luật BHYT còn chưa được sửa đổi kịp thời theo yêu cầu của Chính phủ.
“Đến tháng 7 này là 2 năm mà Bộ Y tế chưa trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định này là chưa được khi mà lộ trình thực hiện xã hội hoá dịch vụ công phụ thuộc rất nhiều vào việc sửa đổi Nghị định này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, vào đầu tháng 4/2018, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã nhóm họp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để thống nhất việc sửa đổi Nghị định số 105 và đi tới thống nhất 7 nội dung, trong đó có các nội dung như: Không quy định người lao động là người nước ngoài phải bắt buộc tham gia BHYT, thống nhất ngân sách chi trả khám chữa bệnh BHYT cho trẻ từ khi sinh ra tới đủ 72 tháng.
Tuy nhiên, vẫn còn 4 nội dung mà các bộ chưa thống nhất trong việc sửa đổi Nghị định 105 về hợp đồng khám, chữa bệnh giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH, về thanh toán trong một số trường hợp cụ thể, mức hưởng BHYT và điều kiện của giám định viên BHYT.
Đồng tình với các ý kiến thống nhất và một số kiến nghị của các bộ, ngành trong hoàn thiện, khắc phục các khác biệt khi sửa đổi Nghị định 105, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ vào giữa tháng 4/2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.
Phương Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/1/2025, theo Thông tư số 59/2024 ngày 7/11/2024 của Bộ Công an, sẽ tiến hành thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
PV
15:40 13/12/2024(Thanh tra) - Sáng nay (13/12), tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 với cộng đồng doanh nghiệp phía Nam.
Trần Quý
15:21 13/12/2024Cảnh Nhật
12:51 13/12/2024Thái Hải
12:16 12/12/2024Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà