Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe nhưng xử phạt cần "mềm dẻo hơn”

Hương Giang

Thứ tư, 27/03/2024 - 19:20

(Thanh tra) - Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe không, tiếp tục được quan tâm, cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ngày 27/3.

Ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, nhưng đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt cần “mềm dẻo hơn”. Ảnh: P.Thắng

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 6, và dự kiến bấm nút thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới đây.

Liên quan đến nồng độ cồn, dự thảo luật trình ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thiết kế hai phương án:

Phương án 1, cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, áp dụng với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ.

Phương án 2, quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Chỉ cấm với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ có ngưỡng, nồng độ cồn không được vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở. Nếu áp dụng thì Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia phải sửa đổi.

Cấm tuyệt đối hay quy định ngưỡng?

Bảo lưu quan điểm lựa chọn phương án 2, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nói: Lượng người lao động nông thôn nhiều gấp đôi người ở thành thị. Những người ở thành thị hay những người có điều kiện có lái xe, nhưng đồng bào ở những vùng khó khăn như Tây Bắc hay Đồng bằng sông Cửu Long không có điều kiện đi xe dịch vụ sau khi sử dụng rượu bia.

Vì thế, nếu quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe sẽ không khả thi. “Uống 1 cốc bia hoặc 1 chén rượu nhỏ, không biết người khác thế nào, chứ với tôi tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn tốt”, ông Hòa nói.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp ủng hộ “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, nhưng theo ông, uống từ hôm trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn mà bị phạt thì “vô lý”.

Ở quan điểm khác, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) ủng hộ phương án 1, cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, vì “tính mạng, sức khỏe con người là trên hết, trước hết”.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên). Ảnh: P.Thắng

“Quy định ngưỡng và vượt ngưỡng mới bị xử lý, nhưng khi đã ngồi vào bàn rồi làm sao xác định được uống thế nào là trong ngưỡng, thế nào là vượt ngưỡng”, ông Nguyễn Đại Thắng đề nghị, cấm tuyệt đối để hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Đại biểu đoàn Hưng Yên nói thêm, nếu quy định ngưỡng cho phép uống rượu bia, cảnh sát giao thông có tăng cường đến đâu cũng không kiểm soát được, như thế tai nạn giao thông do rượu bia sẽ lại tăng.

Uống rượu bia rồi dắt xe có bị xử phạt không?

Cũng ủng hộ phương án này, nhưng đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình từng bước theo thời gian, để tạo ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.

Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng tránh lạm dụng quy định của luật để xử phạt, kiểm tra, gây sự phản cảm của người dân với lực lượng chức năng.

Bà Lan dẫn lại việc vừa qua trên mạng xã hội có đưa nhiều hình ảnh dịp Tết, lực lượng chức năng đi vào các vùng nông thôn, nơi rất khó khăn để kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt người dân. “Như vậy gây sự phản cảm, do đó, cần xem xét xử phạt, kiểm tra và nên có sự mềm dẻo hơn”, bà Lan nói.

Các đại biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đồng tình cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe và ghi nhận việc xử phạt vừa qua đã nâng cao ý thức người dân khi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

“Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ có ảnh hưởng một phần đến phát triển kinh tế nhưng cần áp dụng quy định này ít nhất 5 năm nữa để thay đổi thói quen sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, sau đó tổng kết, đánh giá có nên tiếp tục cấm nồng độ cồn không”, bà Chung góp ý.

Để thực hiện thuận lợi, bà đề nghị trong dự luật cần bổ sung giải thích từ ngữ thế nào là điều khiển phương tiện, bởi thực tế trên một số diễn đàn nhiều ý kiến băn khoăn hành vi dắt xe có phải điều khiển hay không?

“Rất nhiều cử tri băn khoăn khi uống rượu bia hoặc khi đã uống rượu bia say mà dắt xe có bị cảnh sát giao thông xử phạt hay không? Do vậy, trong luật cần có giải thích rõ điều khiển phương tiện là thế nào?”, đại biểu Thái Thị An Chung góp ý.

Đề xuất sát hạch lái xe cho học sinh Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng lo ngại việc tuyên truyền về nhận thức tham gia giao thông của học sinh hiện nay còn rất thiếu và hạn chế. “Học sinh đi hàng ngang 2, 3 trên đường và không đội mũ bảo hiểm”, ông Thắng lo ngại và dẫn số liệu tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông với học sinh gia tăng. Năm 2023, xảy ra 900 vụ tai nạn liên quan đến học sinh làm chết gần 500 người, bị thương gần 800 người. Trước con số “rất đau xót” này, ông Thắng đề nghị quy định rõ trong luật về trách nhiệm cơ quan chức năng trong giáo dục và tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định). Ảnh: P.Thắng  Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng học sinh cần được đào tạo lý thuyết và thực hành lái xe, nhà trường phối hợp với công an để sát hạch. “Trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi muốn lái xe máy, xe điện phải có văn bản chấp nhận của cha mẹ, người giám hộ và được đào tạo, sát hạch như đối với người trưởng thành”, ông Cảnh góp ý. Đại biểu lo ngại tình trạng học sinh đi xe máy điện nhưng can thiệp vào bộ phận điều khiển để tăng tốc độ tối đa từ 25 lên tới 40-50km/h. Vì vậy, ông đề nghị ban soạn thảo bổ sung điều khoản cấm tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm, bộ phận điều khiển xe máy điện các loại.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm