Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Nội vụ nói gì về thẩm quyền xử lý kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã?

Phương Anh

Thứ hai, 26/08/2024 - 16:54

(Thanh tra)- Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã thuộc trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp huyện.

"Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã thuộc trách nhiệm của thường trực HĐND cấp huyện", Bộ Nội vụ nhấn mạnh. Ảnh minh hoạ: PV

Cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 1, Điều 20, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 trong việc xác định thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với chức danh dhủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã.

Ngày 26/8, trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Giang, Bộ Nội vụ cho biết, tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.

Ngoài ra, khoản 6 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định, kết quả bầu chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND cấp xã phải được thường trực HĐND cấp huyện phê chuẩn.

"Theo các quy định nêu trên thì thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã thuộc trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp huyện", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Căn cứ quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND các cấp, trong thời gian vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thường trực HĐND các cấp đã ban hành các nghị quyết về xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Đảng về kịp thời xử lý kỷ luật trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật Đảng.

Đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ xem xét sửa đổi Điều 13, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo hướng bỏ quy định đối tượng công chức cấp xã khi được tiếp nhận vào làm viên chức, công chức cấp huyện phải có đủ 5 năm công tác và phải qua thi sát hạch.

Về nội dung này, theo Bộ Nội vụ, thực hiện sát hạch khi thực hiện tiếp nhận vào công chức cấp huyện trở lên, hiện nay, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Dự thảo nghị định đã sửa đổi quy định theo hướng đối với các trường hợp tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã vào làm công chức cấp huyện trở lên không phải thành lập hội đồng kiểm tra sát hạch.

Về tiếp nhận công chức cấp xã vào làm viên chức, theo Bộ Nội vụ, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP), khi tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã vào viên chức phải thành lập hội đồng kiểm tra sát hạch.

Theo Bộ Nội vụ, quy định thành lập hội đồng kiểm tra sát hạch nêu trên nhằm mục đích đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm được tiếp nhận do yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức cấp xã và viên chức là khác nhau, theo đó, hoạt động nghề nghiệp của viên chức gắn với chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành cần phải thực hiện sát hạch để bảo đảm chất lượng đội ngũ.

Về thời gian công tác để thực hiện việc tiếp nhận, Bộ Nội vụ cho biết, tại khoản 4 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức (khoản 5 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức) quy định điều kiện về thời gian công tác 5 năm trở lên để thực hiện việc tiếp nhận từ cán bộ, công chức cấp xã làm công chức cấp huyện trở lên.

Thực hiện nhiệm vụ giao, hiện nay Bộ Nội vụ đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Viên chức (sửa đổi).

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định để bảo đảm liên thông trong công tác cán bộ trong quá trình sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mở rộng quyền tiếp cận thuốc cho người bệnh tại tất cả các cơ sở y tế

Mở rộng quyền tiếp cận thuốc cho người bệnh tại tất cả các cơ sở y tế

(Thanh tra) - Theo Bộ Y tế, với các quy định mới, Thông tư 37/2024/TT-BYT sẽ không phân biệt thuốc bảo hiểm y tế theo tuyến bệnh viện mà sẽ mở rộng quyền tiếp cận thuốc cho người bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và tăng cường hiệu quả điều trị tại các tuyến dưới.

20:36 05/12/2024
Thái Bình: Giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Sở Tài chính

Thái Bình: Giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Sở Tài chính

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình Đặng Thanh Giang yêu cầu, Sở Tài chính tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và có giải pháp quyết liệt chỉ đạo thực hiện triệt để các nội dung kiến nghị còn tồn đọng…

Trọng Tài

22:56 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm