Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bí quyết đưa luật vào đời sống nhanh nhất

Thứ sáu, 15/08/2014 - 06:37

(Thanh tra) - Hôm nay (15/8), Nghị định 64/2014/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân (TCD) chính thức có hiệu lực. Trò chuyện với ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban TCD Trung ương, chúng tôi ghi nhận được nhiều bí quyết đưa luật vào cuộc sống...

Ông Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: Nguyễn Dung

+ Xin ông cho biết việc triển khai Luật TCD đã diễn ra thế nào?

- Luật TCD có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 và Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật có hiệu lực thực hiện từ 15/8/2014. Đến nay, nhiều địa phương đã triển khai quán triệt và tổ chức tập huấn, đưa luật vào cuộc sống.

Tại cấp Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ban TCD Trung ương. Ngay sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã TCD tại Trụ sở Ban TCD Trung ương. Đây là buổi tiếp dân thu hút sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận và thể hiện sự công khai, dân chủ, ấm cúng, gần gũi giữa thủ trưởng 2 cơ quan ngang bộ với công dân.

Việc tiếp dân của 2 bộ trưởng thể hiện trách nhiệm và tính dân chủ trực tiếp. Qua đó, lắng nghe được rất nhiều phản biện của công dân về các văn bản pháp luật, các hướng dẫn không đi được vào đời sống nhân dân, không được xã hội đồng thuận. Đồng thời, việc tiếp dân trực tiếp cũng cho thấy việc thực hiện kiên định thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về mở rộng dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp trong định hướng phát triển đất nước. Đó là sự thể hiện cụ thể trách nhiệm của một cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và một cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về giải quyết KN,TC, phòng, chống tham nhũng.

+ Sao không bố trí để 2 bộ trưởng TCD vào 2 ngày riêng biệt, thưa ông?

- Việc bố trí, sắp xếp cho 2 bộ trưởng tiếp cùng một ngày rất hiệu quả. Luật và nghị định không qui định chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những Bộ trưởng không nhất thiết phải trực tiếp tiếp dân, nhưng có những đơn vị thì thủ trưởng đơn vị cần phải làm thường xuyên, liên tục. Đó là Chủ tịch cấp ban hành quyết định giải quyết hay Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là các cơ quan trực tiếp giải quyết KN của công dân, theo qui định của luật, phải tiến hành đối thoại với công dân.

+ Nhiều người gọi buổi tiếp dân của 2 Bộ trưởng mang tính chất “mẫu”, hướng dẫn nhưng cũng tạo sức ép lớn khi công dân yêu cầu được Bộ trưởng tiếp. Ban TCD Trung ương giải quyết như thế nào ?

Từ ngày thành lập đến nay, Trụ sở Ban TCD Trung ương đã tổ chức tiếp 7.167 lượt người với 1.445 vụ việc và 154 đoàn đông người. So với thời điểm cùng kỳ năm 2013, thì số lượt người tăng 176,9%, số vụ việc tăng 93,1%, số đoàn đông người tăng 85,5%. Trụ sở luôn rơi vào tình trạng quá tải, nhiều trường hợp công dân đến KN, TC phải chờ ngày hôm sau mới được tiếp, hướng dẫn.

- Theo luật quy định, Ban TCD Trung ương không chỉ bố trí, sắp xếp để Tổng Thanh tra và Bộ trưởng tiếp dân mà còn chuẩn bị cho tất cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành khi có yêu cầu tiếp dân.

Chúng tôi cũng cố gắng lựa chọn các vụ việc điển hình trong việc tiếp dân của các đồng chí lãnh đạo để nâng cao hiệu quả TCD dưới sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền, tránh việc là cánh chim đưa thư hay văn thư cao cấp như lời dặn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

+ Những vụ việc nào sẽ được Tổng Thanh tra và Bộ trưởng tiếp, thưa ông?

- Đó là những vụ việc mang tính bức xúc cao đã được các cấp chính quyền địa phương giải quyết, rà soát nhiều lần; những việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; những nội dung, vụ việc KN,TC của địa phương có nhiều nội dung liên quan đến các bộ, ban, ngành khác nhau mà công dân vẫn chưa đồng ý. Kể cả những vụ việc chưa có quyết định giải quyết cuối cùng của địa phương nhưng tính bức xúc cao thì Ban TCD Trung ương vẫn đề xuất để Tổng Thanh tra hay Bộ trưởng tiếp.

+ Việc lựa chọn này liệu có tiêu cực hay không?

- Việc này đòi hỏi sự nghiêm chỉnh của cán bộ TCD, lãnh đạo Ban TCD Trung ương dưới sự giám sát của Tổng Thanh tra, Bộ trưởng và các cơ quan. Danh sách công dân được tiếp do lãnh đạo lựa chọn từ danh sách báo cáo vụ việc, báo cáo phải thể hiện sự trong sáng và hiểu biết. Đồng thời, những nội dung vụ việc này cũng được nhân dân đánh giá và giám sát của cơ quan báo chí.

Trở lại với buổi tiếp dân đầu tiên, hẳn mọi người còn nhớ, đại diện 2 địa phương tham gia đã thống nhất, chủ động đề nghị với Tổng Thanh tra và Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành đối với 2 vụ việc vô cùng phức tạp, bức xúc. Điều đó cho thấy việc lựa chọn vụ việc của Ban TCD Trung ương là đúng việc. Ban TCD Trung ương cũng đề nghị các cơ quan báo chí giám sát kết quả này trong các kỳ tiếp dân tiếp theo.

+ Nói như ông nghĩa là buổi tiếp dân nào cũng có đại diện chính quyền địa phương?

- Không hẳn như vậy. Chỉ ở một số vụ việc mà công dân đang khiếu kiện gay gắt tại Trụ sở hoặc có ý kiến đề xuất; các vụ việc mà Trụ sở đã đề xuất đúng, trùng và phù hợp với sự cầu thị của địa phương mong muốn cùng các cơ quan Trung ương kiểm tra, rà soát để đối thoại. Tổng Thanh tra và Bộ trưởng có quyền đề nghị địa phương tham gia cùng TCD tại Trụ sở, thậm chí mời cả luật sư, các cơ quan mặt trận cùng tham gia. Trước đề nghị của một số địa phương, Ban TCD Trung ương cũng đang đề xuất với Tổng Thanh tra việc TCD tại địa phương trong thời gian tới.

+ Theo ông, để công tác TCD đạt hiệu quả cao, cần phải chú trọng vấn đề gì?

- Tôi cho rằng, các qui định của Luật TCD, của Nghị định 64 đã tương đối đầy đủ để nâng cao chất lượng công tác này. Ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt các qui định này, tôi cho rằng cần chú trọng đến chất lượng cán bộ TCD. Cán bộ làm công tác tiếp dân không chỉ vững về chuyên môn nghiệp vụ mà phải có kiến thức, vốn sống xã hội, biết làm tốt công tác dân vận, có sự chia sẻ, cảm thông, chịu đựng, ân cần, lắng nghe, kiên trì, luôn đặt mình trong hoàn cảnh người đi KN. Cần có đủ các yếu tố tâm, tầm, trí, lực.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Dung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm