Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bắc Ninh phấn đấu 50% hoạt động kiểm tra thực hiện qua môi trường số

Hải Hà

Thứ năm, 10/10/2024 - 11:40

(Thanh tra) - Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025, có 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Ảnh: HH

Đó là một trong những chỉ tiêu đáng chú ý được nêu ra tại Hội nghị Phát động Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tỉnh Bắc Ninh, diễn ra sáng 10/10.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bắc Ninh cho biết, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Ninh đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được những kết quả nổi bật. Người dân từng bước thụ hưởng các thành quả, lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số.

Một trong những tiện ích xã hội đang phát huy hiệu quả cao trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay được ông Hiền chia sẻ đó là ứng dụng “phản ánh kiến nghị” tỉnh Bắc Ninh.

Hiện nay, ứng dụng được triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, với 1.500 tài khoản; tiếp nhận vượt mốc 10.000 phản ánh, kiến nghị ở 30 lĩnh vực; tỷ lệ xử lý đạt trên 95%.

Công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm đẩy mạnh, đã cung cấp 1.385 dịch vụ công trực tuyến/1.817 TTHC, đạt tỷ lệ 76,2% và đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình.

Đến thời điểm này, tỷ lệ số hoá thủ tục, thành phần hồ sơ trên toàn tỉnh đạt trung bình hơn 98%, tăng hơn 85% so với trước khi có Chỉ thị 10/CTUBND ngày 1/6/2023 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh khai trương cấp lý lịch tư pháp và sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Ảnh: HH

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được triển khai chức năng ký số từ xa và phát hành biên lai điện tử. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng biên lai điện tử trong thu phí/lệ phí trong giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Chia sẻ kinh nghiệm để có được kết quả trên, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, trước tiên là sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Trong đó, sự nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là yếu tố quyết định triển khai chuyển đổi số thành công.

"Thực tế cho thấy, ở cơ quan, đơn vị, địa phương nào người đứng đầu chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt thì ở đó chuyển đổi số đạt hiệu quả cao", ông Hiền nhấn mạnh.

Ngoài ra, 1 yếu tố quan trọng nữa là quá trình triển khai, Bắc Ninh luôn lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số, coi doanh nghiệp và người dân là khách hàng, cơ quan Nhà nước là đơn vị phục vụ; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.

Khai trương Trang Thông tin đối ngoại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: HH

Đặc biệt, luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu đến công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, vì đây là yếu tố then chốt, được coi là “bức tường chắn" vững chắc loại bỏ các cuộc tấn công mạng, bảo vệ an toàn các hoạt động trên môi trường số.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, đến nay, có thể khẳng định rằng Bắc Ninh đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi bật.

Một số chỉ tiêu chuyển đổi số quan trọng Bắc Ninh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước: Tỷ trọng kinh tế số xếp thứ Nhất, đạt 56,83% trên GRDP; chỉ số an toàn thông tin mạng và chỉ số ICT index xếp thứ tư; chỉ số chuyển đổi số xếp thứ bảy.

Bên cạnh đó, Đề án 06 của Chính phủ cũng đã được triển khai sâu rộng tại Bắc Ninh, với nhiều kết quả nổi bật như: Tài khoản định danh VNeID cho người dân trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu giao là 102,2%; thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 99,85%; chi trả lương hưu không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 93%...

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số. Ảnh: HH

Năm nay, cũng là năm đầu tiên tỉnh triển khai cuộc thi sáng kiến cải cách hành chính để thu hút các ý tưởng sáng tạo, đã được ứng dụng đạt hiệu quả trong thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh. "Đây cũng là ý tưởng hay và hiệu quả của tỉnh góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới", Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, tỉnh Bắc Ninh đã phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 - 2025”.

Phong trào thi đua được tổ chức trong phạm vi toàn tỉnh, đối tượng là cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp trên địa bàn tỉnh và các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Phong trào thi đua tập trung vào 10 nội dung, trong đó, chú trọng tới bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh ưu tiên, đẩy mạnh thi đua chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin; y tế; giáo dục; an ninh; an toàn thực phẩm; tài nguyên và môi trường; văn hoá, thể thao và du lịch; xây dựng; đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số; cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư, trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Bắc Ninh đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

Đáng chú ý, có 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm