Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Áp dụng biện pháp ngăn chặn khi hành vi bị tố cáo gây thiệt hại

Thứ ba, 12/08/2014 - 07:31

(Thanh tra)- Bà Võ Thị Niêm, trú tại ấp An Thạnh, xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đề nghị cho biết các qui định về việc thực hiện quyền tố cáo (TC) của công dân, thời hạn giải quyết TC và trách nhiệm của người thụ lý TC.

Trả lời: Điều 19 Luật Tố cáo quy định, việc TC được thực hiện bằng đơn TC hoặc TC trực tiếp. Trường hợp TC được thực hiện bằng đơn thì trong đơn TC phải ghi rõ ngày, tháng, năm TC; họ, tên, địa chỉ của người TC; nội dung TC. Đơn TC phải do người TC ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng TC bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người TC, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người TC; họ, tên người đại diện cho những người TC để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết TC.

Trường hợp người TC đến TC trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người TC viết đơn TC hoặc người tiếp nhận ghi lại việc TC bằng văn bản và yêu cầu người TC ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp nhiều người đến TC trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người TC cử đại diện để trình bày nội dung TC.

Khi nhận được TC, người giải quyết TC có trách nhiệm phân loại và xử lý. Nếu TC thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn TC, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người TC và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết TC, đồng thời thông báo cho người TC biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày. Nội dung này được quy định tại Điều 20.

Nếu TC không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn TC, người tiếp nhận phải chuyển đơn TC cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người TC, nếu có yêu cầu. Trường hợp người TC đến TC trực tiếp thì người tiếp nhận TC hướng dẫn người TC đến TC với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết TC trong các trường hợp TC về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người TC không cung cấp thông tin, tình tiết mới; TC về vụ việc mà nội dung và những thông tin người TC cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật; TC về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết TC không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.

Trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin TC, nếu xét thấy hành vi bị TC có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, tổ chức nhận được TC có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu và những thông tin về vụ việc TC đó cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi bị TC gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan, tổ chức nhận được TC phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Luật TC cũng quy định cụ thể về thời hạn giải quyết TC. Theo đó, thời hạn giải quyết TC là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết TC. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết TC. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết TC có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

B.B.Đ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm