Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng thống Pakistan đối mặt với vụ án tham nhũng

Thứ tư, 10/10/2012 - 16:18

(Thanh tra)- Hôm 5/10/2012, Tòa án Tối cao Pakistan đã cho Chính phủ thêm thời gian để chuẩn bị văn thư yêu cầu giới hữu trách Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra liên quan tới Tổng thống Asif Ali Zardari.

Thủ tướng Raja Pervez Ashraf khẳng định Chính phủ sẽ đề nghị nhà cầm quyền Thụy Sĩ mở lại vụ án chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari. Ảnh: Reuters

Trung tuần tháng trước, Thủ tướng Pakistan Raja Pervez Ashraf đã lên tiếng khẳng định Chính phủ của ông sẽ tuân thủ yêu cầu lâu nay của Tòa án Tối cao đề nghị nhà cầm quyền Thụy Sĩ mở lại vụ án tham nhũng chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari.

Trong gần 3 năm, Tòa án Tối cao Pakistan đã yêu cầu Chính phủ gửi văn bản cho nhà cầm quyền Thụy Sĩ đề nghị mở lại vụ án hối lộ chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari. Tuy nhiên, Chính phủ liên hiệp do Đảng Nhân dân Pakistan của ông Asif Ali Zardari lãnh đạo đã từ chối làm việc này vì cho rằng Tổng thống được quyền miễn trừ, không bị truy tố khi còn tại chức.

Có điều, hành động không tuân thủ lệnh tòa dẫn tới hậu quả là: Ngày 26/4/2012, Chánh án Tòa án Tối cao Mohammed Chaudhry đưa ra phán quyết cho rằng, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã không còn đủ tư cách để tiếp tục giữ chức vụ với tội danh khinh mạn tòa án. Luật pháp Pakistan quy định, một người đã bị tòa án kết tội không thể phục vụ trong Quốc hội, do đó Thủ tướng Yousuf Raza Gilani bị buộc phải từ chức. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Pakistan bị cơ quan tư pháp bãi chức. (Tháng 7 vừa qua, Quốc hội Pakistan đã thông qua một đạo luật cho phép giới chức cấp cao, như ông Raja Pervez Ashraf, sẽ được miễn truy tố về tội khinh mạn tòa án. Tuy nhiên, ngay lập tức đạo luật đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ vì lý do vi hiến).

Người kế vị ông Yousuf Raza Gilani là Thủ tướng Raja Pervez Ashraf cũng được yêu cầu tương tự khi lên nắm quyền hồi tháng 6 năm nay.
Trong cuộc điều trần trước Tòa án Tối cao hôm 18/9/2012, Thủ tướng Raja Pervez Ashraf khẳng định rằng Chính phủ của ông đã quyết định viết thư cho nhà cầm quyền Thụy Sĩ để rút lại lá thư trước đây đề nghị ngừng điều tra Tổng thống về tội tham nhũng.

Trước đó, ngày 27/8/2012, Thủ tướng Raja Pervez Ashraf đã xuất hiện trước tòa để trả lời câu hỏi vì sao Tòa án Tối cao không nên tiến hành các thủ tục để truy tố ông về tội khinh mạn vì không tuân theo lệnh tòa.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Qamar Zaman Kaira cho báo chí biết rằng, ông Raja Pervez Ashraf sẽ tiếp tục ra trước tòa vào ngày 18/9. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Pakistan có quyết tâm thực thi án lệnh và cần có thêm thời gian.

 Theo nhà phân tích luật pháp, luật sư Babar Sattar của Tòa án Tối cao, việc Chính phủ Pakistan thay đổi lập trường là một bước đi đúng hướng. “Chính phủ trước đây nhất định không viết hay liên lạc với Chính phủ Thụy Sĩ. Dường như họ đã thay đổi vị thế và đang cố gắng đưa ra một thế cân bằng giữa tuân thủ lệnh của tòa trong khi không làm gì có thể phương hại đến cá nhân ông Asif Ali Zardari. Do đó, tôi nghĩ đây là một giải pháp trung dung để giải quyết vụ này. Đây có thể là một phương cách hữu hiệu để hóa giải căng thẳng và tránh một cuộc tranh chấp có thể xảy ra nay mai giữa tư pháp và hành pháp”.

Binh sĩ bán quân sự Pakistan bên ngoài Tòa án Tối cao ở Islamabad. Ảnh: Reuters


Những cáo trạng về tội tham nhũng chống Tổng thống Zardari đã khởi phát từ những năm 1990, khi vợ ông - bà Benazir Bhutto, nay đã qua đời, còn là Thủ tướng Pakistan.  Vợ chồng bà Benazir Bhutto bị cáo buộc về tội rửa tiền và chuyển nhiều triệu USD qua các tài khoản mở tại các ngân hàng Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, theo một đạo luật gây tranh cãi được thông qua hồi năm 2007, Tổng thống Pervez Musharraf đã rút lại các trường hợp truy tố bà Bhutto, chồng bà và hàng ngàn người khác liên quan tới các ngân hàng Thụy Sĩ và các vụ hối lộ khác đồng thời ra lệnh ân xá cho họ. Động thái này nhằm cổ vũ cho hòa giải chính trị bằng cách cho phép ông Zardari và bà Bhutto chấm dứt thời gian tự nguyện lưu vong nhiều năm, trở về Pakistan.

Không lâu sau khi trở về, bà Benazir Bhutto bị ám sát trong một cuộc tập hợp vận động tranh cử. Tuy nhiên, những phiếu cảm tình đã giúp Đảng của bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2008, mở đường cho chồng bà trở thành Tổng thống Pakistan.

Nhưng, đến năm 2009, Tòa án Tối cao Pakistan đã bác bỏ lệnh ân xá gây nhiều tranh cãi. Một ủy ban gồm 17 thẩm phán dưới sự lãnh đạo của Chánh án Iftikhar Mohammed Chaudhry khi bãi bỏ đạo luật đã phán quyết rằng: Việc ban lệnh ân xá theo Điều luật Hòa giải Dân tộc (NRO) là vi phạm Hiến pháp.

Ủy ban này cũng ra lệnh mở lại tất cả các vụ án tham nhũng và hình sự khác, kể cả những vụ còn chưa kết thúc chống lại Tổng thống Zardari.

Hệ thống tư pháp Pakistan lâu nay vẫn bị chỉ trích là đứng về phía tầng lớp được ưu đãi và có thế lực chính trị trong nước. Vì thế, phán quyết của Tòa án Tối cao được nhiều người cho rằng có tính chất lịch sử khi chuyển đi một thông điệp vững chắc là: Không ai có thể đứng trên luật pháp ở Pakistan. “Phán quyết này có lợi cho quần chúng, cho những người nghèo và bị chà đạp ở Pakistan, nơi mà tài sản quốc gia bị cưỡng đoạt bởi một số cá nhân” - nhà hoạt động vì quyền lợi của những người bị thiệt thòi Hafiz Pirzada nói.

Khi đó, cơ quan chống tham nhũng của Pakistan đã đưa tên khoảng 250 giới chức vào danh sách những người bị cấm xuất cảnh để ngăn các nghi can trốn ra nước ngoài. Danh sách này bao gồm 4 thành viên Nội các, trong đó 2 người thuộc Đảng cầm quyền, 2 người còn lại thuộc một đảng nhỏ.

Cũng đã có ít nhất 52 chính khách nhận được trát để trình diện trước các tòa án chống tham nhũng.

Tổng thống tai tiếng   Sinh ngày 26/7/1955, ông Asif Ali Zardari là Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Pakistan từ tháng 9/2008, đồng Chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan. Ông Asif Ali Zardari từng là Bộ trưởng Môi trường trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai của vợ (1993 - 1996) - bà Benazir Bhutto. Ông Asif Ali Zardari là Thượng Nghị sỹ cho đến cuộc đảo chính tháng 10/1999 do Tướng Pervez Musharraf chỉ huy. Ông Zardari bị cho là có liên can đến vụ mưu sát ông Murtaza Bhutto, anh trai bà Benazir Bhutto vào năm 1996. Vụ này đã bị bỏ qua nhiều năm. Ông Zardari từng ngồi tù nhiều năm vì cáo trạng tham nhũng và được đặt biệt danh là “ông 10%” bởi tai tiếng nhận tiền hoa hồng sau khi trao các hợp đồng của Chính phủ.   Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari. Ảnh: Reuters Hồi tháng 3/2008, một tòa án ở Pakistan đã hủy bỏ cáo trạng có liên quan tới một chiếc xe hơi đắt tiền do Đức sản xuất mà ông Zardari bị cho là đã nhập vào mà không đóng thuế. Trước đó không lâu, một phiên tòa cũng đã hủy bỏ 5 cáo trạng tham nhũng đối với ông Zardari trong khuôn khổ một lệnh ân xá của Tổng thống Pervez Musharraf. Tòa án cũng ra lệnh giải tỏa số tài sản của ông Zardari đã bị phong tỏa trước đây.

Thất thoát hàng chục tỷ USD

Tham nhũng, trốn thuế và thiếu điện đang dẫn đất nước Pakistan đến bờ vực thảm họa, đẩy người dân rơi vào tình trạng khốn khổ.

Dẫn lại số liệu từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Báo Libération cho biết, tham nhũng, trốn thuế và cách điều hành tồi tệ có lẽ đã làm ngân sách Pakistan bị thất thoát đến 94 tỉ USD chỉ trong vòng 4 năm. Khoản nợ công khổng lồ hầu như tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn.

Cách đó ít lâu, Pakistan vẫn sở hữu trong tay nhiều con chủ bài quan trọng của một đất quốc đang trỗi dậy. Giờ đây, tương lai đất nước trở nên xám xịt hơn do thiếu điện và khí đốt, lạm phát mạnh, tăng trưởng ì ạch, giao thông đình trệ do khan hiếm năng lượng, thất nghiệp tăng và bất công xã hội ngày càng đào sâu.

Theo Libération, chính việc thất thu thuế mới là căn bệnh trầm kha, đang gặm nhấm nền kinh tế Pakistan. Chỉ có khoảng 1,7 triệu người trong tổng số 179 triệu người là có đóng góp thuế (tức chưa đến 1%). Người dân tự hỏi tại sao họ phải đóng thuế trong khi mà quân đội, các chính khách của Đảng Nhân dân Pakistan - đảng cầm quyền hay phe đối lập không phải đóng thuế. Chưa kể, vẫn theo bài phóng sự, hầu hết các nghị sĩ ở Nghị viện đều là các chủ đất đai giàu có, nhưng không một người nào trả thuế thu nhập về đất nông nghiệp theo quy định của một đạo luật được ban hành từ hơn 10 năm nay.

Được biết, trước khi trở thành Thủ tướng (với 211 phiếu trong Quốc hội gồm 342 thành viên), ông Raja Pervez Ashraf là Bộ trưởng Nước và Năng lượng. Ông từng phải đối mặt với những cáo buộc về tham nhũng và bị qui trách nhiệm một phần đối với cuộc khủng hoảng điện ở nước này.

Trước đó, Ðảng Nhân dân Pakistan đã đề cử Bộ trưởng Dệt may Makhdoom Shahabuddin vào chức Thủ tướng. Tuy nhiên, một thẩm phán đặc trách vấn đề chống buôn lậu ma túy của Pakistan đã ra một trát bắt đối với ông Shahabuddin vì liên quan đến bê bối nhập khẩu bất hợp pháp thuốc ephedrine từ hồi còn giữ chức Bộ trưởng Y tế.


Trung Anh - Tiến Mạnh
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm