Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quan chức và các công ty “sân sau” cùng “ăn”

Thứ ba, 26/06/2012 - 16:16

Trong lúc Euro 2012 vẫn đang diễn ra, nhiều chính trị gia đối lập đã cáo buộc Chính phủ Ukraine tham nhũng hàng tỉ USD từ ngân sách xây dựng các cơ sở hạ tầng cho ngày hội bóng đá châu Âu này.

Các cầu thủ Đan Mạch luyện tập trong sân vận động Lviv, một công trình có nhiều điểm mờ ám - Ảnh: Reuters

Ngày 14-6, nhật báo Kyiv Post đăng bài viết gây chấn động với tựa đề “Trò lừa đảo vĩ đại Euro 2012” của nghị sĩ đối lập Ostap Semerak. “Các nhà lãnh đạo đất nước đã móc túi người đóng thuế Ukraine - nghị sĩ Semerak cáo buộc - Một nhóm quan chức đã cướp phá đất nước”.

Phe đối lập Ukraine cũng khẳng định chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych đã ăn chặn ít nhất 4 tỉ USD bằng việc trao toàn bộ các dự án xây dựng sân vận động, làm cầu đường... cho một số công ty “sân sau” của các quan chức.

Các chính trị gia đối lập Ukraine, như báo Guardian cho biết, đã lên tiếng đề nghị Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) mở cuộc điều tra nghi án tham nhũng quy mô lớn này. Một số thành viên Nghị viện châu Âu như bà Rebecca Harms, chính trị gia Đức, cũng khẳng định UEFA cần phải điều tra việc chính quyền Yanukovych không đấu thầu các dự án xây dựng hạ tầng Euro 2012.

“Tôi sẽ đặt câu hỏi đó với UEFA và đưa vấn đề này ra Nghị viện châu Âu - một thành viên khác của Nghị viện châu Âu cho biết - UEFA phải nhận trách nhiệm và phải làm rõ tiền biến đi đâu”.

Không đấu thầu, chi ngân sách lớn

Kyiv Post cho biết Ukraine đã đầu tư lớn vào hạ tầng trước Euro 2012. Chính phủ xây dựng và sửa chữa bốn sân vận động, nâng cấp bốn sân bay ở bốn thành phố tổ chức các trận cầu là Kiev, Lviv, Donetsk và Kharkov, xây và sửa chữa 1.600km đường sá. Ukraine còn mua một số tàu cao tốc từ Hàn Quốc để chuyên chở cổ động viên tới các địa điểm thi đấu.

Phó thủ tướng Borys Kolesnikov, người phụ trách các dự án hạ tầng này, cho biết chính quyền Kiev đã đầu tư tổng cộng 5 tỉ USD, trong đó có 800 triệu USD vào các sân vận động. Tuy nhiên, các nguồn tin khác từ quốc hội và chính phủ lại tiết lộ tổng đầu tư thực tế lên tới 10 tỉ USD, cao hơn 2,25 tỉ USD so với dự tính ban đầu.

Nghị sĩ đối lập Semerak cho biết ban đầu chính phủ cũ của Thủ tướng Yulia Tymoshenko muốn các công ty tư nhân chịu trách nhiệm đầu tư chính và chính phủ chỉ chi khoảng 2,25 tỉ USD. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền năm 2010, ông Yanukovych đã loại bỏ khối tư nhân ra khỏi cuộc chơi. Khoảng 80% tổng đầu tư cho Euro 2012 là từ ngân sách nhà nước, có nghĩa là tiền thuế của dân.

Quốc hội Ukraine với đảng cầm quyền chiếm đa số cũng toa rập với chính phủ khi bác bỏ việc đấu thầu công khai. Một cơ quan nhà nước do phó thủ tướng Kolesnikov điều hành được trao quyền phân bổ các dự án cho các công ty.

Chi phí xây dựng SVĐ Olympic ở thủ đô Kiev lên tới 585 triệu USD, cao hơn nhiều so với các SVĐ quy mô tương tự ở các nước khác. Ảnh:Reuters


Giải thích về quyết định của chính phủ và sự đồng tình của quốc hội, ông Kolesnikov cho biết vào tháng 4-2010 UEFA đã định tước quyền đồng tổ chức Euro 2012 của Ukraine do nước này chuẩn bị kém. Do đó chính phủ phải hành động quyết liệt để đảm bảo tiến độ các dự án.

Phe đối lập Ukraine khẳng định chính quyền Kiev lại đã giao các dự án hạ tầng cho một số công ty có quan hệ thân cận với các quan chức chính phủ và Đảng Các khu vực của ông Yanukovych.

Trên báo Kyiv Post, ông Semerak mô tả: “Thủ đoạn rất đơn giản. Quan chức và nhà thầu được lựa chọn cùng ăn chia vốn đầu tư. Họ kê khống lên tổng vốn đầu tư và khi nhà thầu nhận được tiền mặt thì chia lại một phần cho quan chức. Nguồn tin từ các công ty này tiết lộ các quan chức ăn chặn 30-40% ngân sách xây dựng hạ tầng Euro, tương đương 4 tỉ USD”.

Các công ty mờ ám

Phóng viên Mark Rachkevych của báo Kyiv Post, người điều tra tham nhũng ở Euro 2012, cho biết chi phí nâng cấp sân vận động Olympic ở thủ đô Kiev lên tới 585 triệu USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức đầu tư sân vận động quy mô tương tự ở các nước khác. Ví dụ sân vận động ở Warsaw (Ba Lan) rẻ hơn 35 triệu USD và hiện đại hơn, còn sân vận động hiện đại Allianz Arena của câu lạc bộ Đức Bayern Munich cũng ít tốn kém hơn, dù chi phí lao động ở Đức cao hơn nhiều so với Ukraine.

Tuần trước, ông Volodymyr Artiukh - giám đốc Công ty AK Engineering, nhà thầu sân Olympic - thừa nhận đã biển thủ 3 triệu USD từ nguồn ngân hàng nhà nước. Đích thân phó thủ tướng Kolesnikov đã chọn AK Engineering hồi tháng 6-2010. Theo tài liệu do báo Ukrayinska Pravda thu thập được, ông Artiukh có quan hệ thân cận với ông Kolesnikov từ nhiều năm qua và hợp tác làm ăn với luật sư của ông Kolesnikov là Ivan Shakurov.

Báo chí Ukraine cũng đặt câu hỏi về Tập đoàn công nghiệp Altkom, có trụ sở ở Donetsk, quê nhà của Tổng thống Yanukovych.

Tập đoàn này được giao thực hiện dự án xây dựng đường băng sân bay ở Donetsk, sân vận động Lviv và một số con đường với tổng giá trị lên đến 800 triệu USD. Nhưng chẳng ai biết rõ Tập đoàn Altkom này là như thế nào. Trên giấy tờ, nó là công ty con của Công ty Eurobalt có trụ sở ở Birmingham (Anh). Eurobalt lại là công ty con của một công ty bí ẩn tên Trinitron Investments, có trụ sở ở Belize. Năm 2011, truyền thông Ukraine phát hiện giám đốc Công ty Eurobalt là Lana Zamba, một giáo viên dạy yoga, người gốc Ukraine, sống ở Cyprus. Bà này còn là “giám đốc” của 23 công ty khác ở Anh và một số công ty Nga. Trên báo Kyiv Post, chồng bà Zamba thừa nhận bà ta chẳng biết gì về các công ty này và chỉ nhận “bồi dưỡng” gần 540 USD/tháng.

Khi được hỏi về Tập đoàn Altkom, thư ký báo chí của phó thủ tướng Kolesnikov là Yuri Gromnytsky thản nhiên đáp: “Tôi không biết. Chẳng ai biết ai sở hữu Altkom”. Thế nhưng, Trung tâm Nghiên cứu phương Đông của Ba Lan mới đây cho biết Altkom không chỉ có quan hệ với ông Kolesnikov mà còn gắn bó chặt chẽ với một nhóm các quan chức cấp cao và doanh nhân Ukraine thân cận với Đảng Các khu vực của Tổng thống Yanukovych.

Theo báo Guardian, một số nhân vật trong Chính phủ Ukraine thừa nhận có chuyện thất thoát tiền đầu tư, nhưng ở quy mô nhỏ hơn so với cáo buộc của phe đối lập. Phóng viên điều tra Serhiy Shcherbina của báo Ukrayinska Pravda khẳng định có quá đủ bằng chứng cho thấy các công trình Euro 2012 đã bị ăn chặn.

“Các sân vận động và sân bay đều đã được xây lên. Vấn đề là chúng được xây như thế nào?” - nhà báo này đặt câu hỏi.

(Tuổi trẻ)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm