Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 13/07/2021 - 06:36
(Thanh tra)- Tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng cấp cao, là một rào cản đáng kể đối với nền dân chủ, bảo vệ nhân quyền và phát triển bền vững trên khắp châu Phi.
Ảnh: Shutterstock
Nhận thức được mối đe dọa này, 18 năm trước, Liên minh châu Phi đã thông qua Công ước châu Phi về Phòng ngừa và chống tham nhũng (AUCPCC) tại Maputo, Mozambique. Kể từ năm 2017, các quốc gia trong khu vực đã lấy ngày 11 tháng 7 là Ngày Chống tham nhũng hàng năm của châu Phi.
Chủ đề chống tham nhũng năm 2021
Ngày Chống tham nhũng của châu Phi năm 2021 có chủ đề “Các cộng đồng kinh tế khu vực: Những tác nhân quan trọng trong thực hiện AUCPCC”.
Đây là dịp để tất cả các bên liên quan phản ánh và đối thoại về vai trò của các cộng đồng kinh tế khu vực trong việc thúc đẩy chương trình chống tham nhũng.
Những phản ánh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định và phổ biến các thách thức, thực tiễn tốt và những tiến bộ đạt được trong các cộng đồng kinh tế khu vực trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điều này sẽ đặc biệt tập trung vào việc thực hiện AUCPCC đã được thông qua ngày 11/7/2003 và có hiệu lực vào năm 2006. Đến nay, Công ước đã được 44/55 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi phê chuẩn.
Kể từ khi Công ước được thông qua, các quốc gia châu Phi đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng, bao gồm việc ban hành luật pháp quốc gia và thành lập các cơ quan chống tham nhũng.
Mặc dù trách nhiệm chính của việc giải quyết tham nhũng thuộc về từng quốc gia, nhưng cộng đồng kinh tế khu vực cũng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tai họa tham nhũng. AUCPCC yêu cầu các quốc gia thành viên thúc đẩy hợp tác khu vực, lục địa và quốc tế để ngăn chặn các hành vi tham nhũng.
Vấn đề của châu Phi hôm nay
Ngày Chống tham nhũng của châu Phi năm nay ghi nhận trường hợp của Jacob Zuma, cựu Tổng thống Nam Phi phải ngồi sau song sắt ở tỉnh KwaZulu-Natal, quê hương của ông.
Ông Zuma đã tự nộp mình cho cảnh sát để bắt đầu thụ án 15 tháng tù vì tội khinh thường tòa án. Vụ việc là đỉnh điểm của tranh cãi pháp lý kéo dài, được xem như một bài kiểm tra đối với năng lực thực thi pháp quyền của Nam Phi trong thời kỳ hậu apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc).
Zuma là một trong số ít các nguyên thủ châu Phi phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng tại đất nước của họ. Việc từ chức của ông vào năm 2018 và các cuộc điều tra tiếp theo là chiến thắng của người dân Nam Phi, được hỗ trợ bởi xã hội dân sự, phương tiện truyền thông can đảm và các tòa án. Do đó, sự kiện đang diễn ra ở Nam Phi chứa đựng những bài học kinh nghiệm cho toàn khu vực.
Hầu hết các quốc gia châu Phi hiện nay đều có một cơ quan chính phủ chuyên trách chống tham nhũng. Đáng chú ý, nhiều quốc gia có các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực chống tham nhũng, cụ thể như: Cơ quan tình báo tài chính để giải quyết vấn đề rửa tiền và các dòng chảy bất hợp pháp; các cơ quan liêm chính để giải quyết xung đột lợi ích và làm giàu bất chính...
Tuy nhiên, theo ông Paul Banoba - cố vấn của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại khu vực châu Phi, vấn nạn tham nhũng dường như không có gì thay đổi và châu Phi vẫn là khu vực chịu nhiều gánh nặng nhất. Các quan chức công quyền biến chất trên khắp khu vực đã trở thành mục tiêu dễ dàng của các công ty đa quốc gia - như Glencore, Odebrecht và Semlex - dùng hối lộ để đổi lấy các hợp đồng và giấy phép béo bở của chính phủ.
Không chỉ vậy, khu vực này tiếp tục hứng chịu tình trạng thất thoát nguồn lực thông qua các dòng tài chính bất hợp pháp, làm giảm khả năng của các chính phủ châu Phi trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho công dân của họ.
Với nguồn lực ít ỏi hiện có, việc cung cấp dịch vụ công cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng. Cứ 4 công dân châu Phi thì có hơn 1 người phải hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Những xu hướng này có tác động lâu dài đến sự ổn định của châu Phi và những nỗ lực giảm nghèo trong cộng đồng dân cư. Các dự báo đều cho rằng, châu Phi sẽ tiếp tục tụt hậu so với tất cả các khu vực khác.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về xu hướng đói nghèo toàn cầu đã chỉ ra, nghèo cùng cực sẽ là một vấn đề chủ yếu của châu Phi trong thập kỷ tới.
Các lĩnh vực hành động ưu tiên
Kỷ niệm Ngày Chống tham nhũng lần thứ năm của châu Phi, Liên minh châu Phi đang kêu gọi cộng đồng kinh tế khu vực và các bên liên quan khác, bao gồm cả xã hội dân sự và truyền thông, hỗ trợ việc thực hiện AUCPCC.
Đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh. Một số cộng đồng kinh tế khu vực của châu Phi có các biện pháp chống tham nhũng trong khu vực nhằm bổ sung và củng cố các điều khoản của AUCPCC.
Ngày Chống tham nhũng của châu Phi tạo cơ hội tốt để xem xét về những tiến bộ của khu vực. Điều này cần có sự tham gia của người dân.
Đáng chú ý, AUCPCC yêu cầu các quốc gia đã phê chuẩn Công ước phải báo cáo hàng năm về tiến độ thực hiện các biện pháp chống tham nhũng của họ.
TI gần đây đã tiến hành đánh giá trong sự so sánh việc thực hiện và tuân thủ AUCPCC. Phát hiện của TI chỉ ra rằng, hầu hết quốc gia châu Phi không báo cáo về việc thực hiện của họ theo yêu cầu. Hơn nữa, chỉ một số trường hợp như Ghana và Rwanda đã thiết lập quy trình chuyên biệt để xã hội dân sự tham gia vào các cơ chế báo cáo.
Vai trò quan trọng của công dân
Công dân châu Phi sẵn sàng đóng góp vào cuộc chiến chống tham nhũng, miễn là họ an toàn khi làm việc đó.
Theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu - khu vực châu Phi năm 2019, 53% công dân tin rằng, những người bình thường có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ở các nước như Eswatini, Lesotho và Gambia, từ 65 đến 71% công dân tin rằng tiếng nói của họ có ý nghĩa.
Các nhà hoạt động, nhà báo và người tố giác đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Họ giúp phơi bày những điểm yếu đòi hỏi hành động của chính phủ và phát hiện ra bằng chứng về tham nhũng, buộc các cơ quan chống tham nhũng của nhà nước phải có các hành động tiếp theo.
Bất chấp sự sẵn sàng của người dân trong việc đóng góp vào cuộc chiến chống tham nhũng ở châu Phi, 67% trong số họ đứng trước lo sợ bị trả thù nếu tố cáo tham nhũng. Do đó, các chính phủ châu Phi cần đề cập đến những biện pháp bảo vệ đối với công dân, nhà hoạt động, nhà báo và người tố giác có thiện chí này với tư cách là những đối tác quan trọng trong cuộc chiến chung chống lại thách thức chung.
AUCPCC yêu cầu các quốc gia thành viên “tạo ra một môi trường thuận lợi cho xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông để buộc các chính phủ chịu trách nhiệm giải trình ở mức cao nhất trong việc quản lý các vấn đề công”. Công ước cũng kêu gọi các quốc gia thành viên “đảm bảo và cung cấp cho sự tham gia của dân sự xã hội trong quá trình giám sát của Công ước".
Hơn nữa, Điều 9 của AUCPCC yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng những biện pháp để công dân có quyền tiếp cận thông tin để hỗ trợ cuộc chiến chống tham nhũng. Cho đến nay, một nửa số quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi chưa ban hành luật cụ thể về quyền tiếp cận thông tin. Điều này hạn chế đáng kể sự tham gia của công chúng.
Hoài Phương
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải