Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 11/08/2020 - 06:36
(Thanh tra)- Cộng đồng quốc tế đã cam kết gửi hàng triệu USD cho Lebanon để hỗ trợ khắc phục thảm họa sau vụ nổ ở Beirut. Tuy nhiên, lo ngại về nạn tham nhũng là vấn đề khiến một số nước e ngại.
Hậu quả của vụ nổ ngày 4/8 tại cảng Beirut, Thủ đô của Lebanon. Ảnh: Anwar Amro/AFP
Lửa cháy rực thành phố
Sự tức giận đã dâng lên thành bạo lực ở trung tâm Beirut vào ngày 8/8. Các cuộc biểu tình được đánh giá là lớn nhất kể từ tháng 10/2019 khi hàng nghìn người kéo xuống đường để đòi chấm dứt tình trạng tham nhũng, quản lý yếu kém.
Sau khi cố tấn công Quốc hội trong đêm 8/8, người biểu tình đã trở lại đường phố vào ngày 9/8 và ném nhiều vật thể đang bốc cháy về phía các nhân viên an ninh được triển khai để bảo vệ toà nhà Chính phủ.
Những thước phim được phát trên truyền hình cho thấy, người biểu tình đã xông vào văn phòng của Bộ Giao thông và Nhà cửa. Hiện, 2 bộ trưởng của Lebanon đã từ chức giữa bất ổn chính trị do vụ nổ và khủng hoảng kinh tế kéo dài gây ra. Các quan chức này cho hay, Chính phủ đã thất bại trong việc cải tổ.
Nhiều quốc gia e ngại giúp đỡ vì tham nhũng
Cảng Beirut, trung tâm của vụ nổ hôm 4/8 được cho là nguồn thu tài chính béo bở của Lebanon, nơi các phe phái chính trị tranh giành quản lý để trục lợi.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), 37% người ở Lebanon cho biết từng phải đưa hối lộ cho các quan chức.
Julien Courson - chuyên gia của TI - cho rằng, Lebanon mất 2 tỷ USD vì tham nhũng mỗi năm. Các tổ chức phi lợi nhuận ở Lebanon đang thành lập liên minh giám sát chi tiêu tiền viện trợ, cảnh báo quốc tế tránh “sa bẫy” tham nhũng.
“Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ thay đổi nào cho tình trạng tham nhũng. Tôi cho rằng, Lebanon nên tìm ra giải pháp phù hợp trước khi quá muộn”, ông Julien Courson nói.
Cộng đồng quốc tế đã cam kết sẽ gửi hàng triệu USD cho Lebanon để hỗ trợ khắc phục thảm họa. Tuy nhiên, lo ngại về nạn tham nhũng là vấn đề khiến một số nước dè chừng.
Theo Hãng tin AP, một hội nghị trực tuyến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Liên hợp quốc đồng chủ trì hôm 7/8 với sự tham gia của 15 nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi đoàn kết với người dân Lebanon và cam kết viện trợ cho Lebanon gần 300 triệu USD.
Trước đó, khi ông Macron tới hiện trường xảy ra vụ nổ ở Beirut, nhiều người dân đã nói với Tổng thống Pháp rằng đừng nên để tiền hỗ trợ rơi vào tay các quan chức tham nhũng.
“Xây dựng cơ sở hạ tầng ở Lebanon có liên quan trực tiếp đến tỷ lệ tham nhũng. Lebanon cần thêm USD nhưng tôi không còn nhiều niềm tin cho chính quyền”, Neemat Frem - một doanh nhân nổi tiếng ở Lebanon nói.
Cả Pháp và Đức đều đưa ra yêu cầu minh bạch khi cung cấp tiền hỗ trợ cho Lebanon. Ông Macron cũng cam kết với người dân Lebanon rằng, “tiền sẽ không rơi vào tay những kẻ tham nhũng”.
Mỹ, Anh, Canada, Úc cùng một số quốc gia khác cho biết, sẽ chuyển hỗ trợ đến những tổ chức đáng tin cậy như Hội Chữ thập đỏ hoặc các cơ quan của Liên hợp quốc để hỗ trợ Lebanon, không thông qua chính quyền sở tại.
“Tiền của chúng tôi hoàn toàn không thông qua Chính phủ Lebanon. Viện trợ sẽ dành cho người dân nước này”, đại diện Mỹ cho biết.
Lời kêu gọi từ quốc tế
Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông Judd Deere hôm 10/8 thông báo, Tổng thống Mỹ đã kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về vụ nổ vốn đã khiến một phần Thủ đô Beirut bị đổ nát và làm hơn 300.000 người mất nhà cửa.
Ông Deere nói thêm Tổng thống Trump cũng “thúc giục Chính phủ Lebanon nhanh chóng tiến hành điều tra vụ nổ toàn diện, minh bạch và Mỹ sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ trong cuộc điều tra này”.
Tại hội nghị trực tuyến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Liên hợp quốc đồng chủ trì hôm 7/8 cũng đã đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh mối quan ngại về tham nhũng của Chính phủ Lebanon: “Các bên tham gia nhất trí rằng sự hỗ trợ của họ phải kịp thời, đầy đủ và phù hợp với nhu cầu của người dân Lebanon, được phối hợp nhịp nhàng dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc và chuyển trực tiếp đến người dân Lebanon, với hiệu quả và tính minh bạch cao nhất”.
Các quốc gia tài trợ kêu gọi các nhà chức trách của Lebanon “hoàn toàn cam kết thực hiện các biện pháp và cải cách kịp thời” để hỗ trợ cho sự phục hồi nền kinh tế và tài chính của đất nước. Và họ cũng cho biết "một cuộc điều tra khách quan, đáng tin cậy và độc lập" về vụ nổ "là cần thiết và sẽ sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức, nếu phía Lebanon yêu cầu."
Sau vụ nổ kinh hoàng ở Thủ đô Beirut, Lebanon, Hiệp hội Minh bạch Lebanon, hoạt động dưới sự hỗ trợ của TI đã bày tỏ sự bàng hoàng và nỗi buồn sâu sắc trước sự tàn phá và mất mát về con người tại đây.
Theo TI, điều quan trọng là, các nguyên nhân dẫn tới thảm họa này được xác định một cách độc lập và minh bạch càng sớm càng tốt. Một khi sự thật được xác định, những người bị phát hiện phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tối đa của pháp luật quy định.
Nhiều dấu hiệu cho thấy sự sơ xuất và lỗi hệ thống dẫn tới hàng nghìn tấn ammonium nitrate - loại hóa chất mà các nhà chức trách tin rằng đã gây ra vụ nổ - được lưu trữ mà không có biện pháp an toàn trong một nhà kho của cảng Beirut trong 6 năm trời.
TI cho biết, rất ủng hộ việc thành lập một ủy ban điều tra có thời hạn như thông báo của Chính phủ Lebanon, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc trong điều tra:
1. Việc thẩm vấn phải được tiến hành công khai, minh bạch;
2. Cuộc điều tra phải bao gồm các quan sát viên độc lập bên ngoài và các chuyên gia kỹ thuật;
3. Cuộc điều tra cần có quyền hạn đủ mạnh để điều tra cả nguyên nhân của vụ nổ và xác lập trách nhiệm pháp lý, hành chính cũng như hình sự, trách nhiệm giải trình.
Vụ nổ ở Beirut đã khiến hơn 150 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương. Các nhà chức trách ước tính rằng vụ nổ gây thiệt hại lên tới 15 tỉ USD.
Hoài Phương
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Hương Giang
Trần Trung
Thái Hải
Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA