Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 20/04/2021 - 06:37
(Thanh tra)- Khi còn đương chức Thủ tướng Anh, ông David Cameron từng cảnh báo, vận động hành lang là “vụ bê bối lớn tiếp theo” của đất nước. Để rồi, một sự mỉa mai cay đắng đang diễn ra, khi chính ông hiện là trung tâm của một bê bối vận động hành lang lớn, tại đó phơi bày rõ những bất cập trong các cải cách của ông lúc tại vị.
Góc phố Downing và Whitehall ở Westminster, London. Ảnh: Alexandre Rotenberg/ Shutterstock
Bê bối Greensill
Hơn một thập kỷ trước, Thủ tướng đầy tham vọng của Vương quốc Anh lúc bấy giờ là David Cameron đã tuyên bố, “hoạt động vận động hành lang ở đất nước này đang vượt quá tầm kiểm soát”. Nhiều tháng sau đó, ông và các đối tác liên minh của mình tuyên bố sẽ làm trong sạch chính trị.
Mới đây, Chính phủ Anh đã mở một cuộc điều tra độc lập về những nỗ lực của ông David Cameron nhằm gây ảnh hưởng đến các bộ trưởng Anh mà đằng sau ông là một công ty tài chính hiện đã sụp đổ có tên là Greensill.
Bê bối Greensill làm lộ ra những lỗ hổng hệ thống được coi là minh bạch của Chính phủ mà chính cựu Thủ tướng David Cameron đã giúp thiết lập.
Theo thông tin điều tra ban đầu, khi ông Cameron còn nắm quyền trong Chính phủ Anh, người sáng lập công ty Greensill là Lex Greensill đã tiếp cận ông với mục đích tư vấn về tài chính chuỗi cung ứng. Sau khi ông Cameron rời văn phòng Thủ tướng vào năm 2016, bản thân ông đã có những nỗ lực gây chú ý để vận động hành lang cho Greensill. Và vào năm 2018, ông trở thành cố vấn được trả lương của công ty này.
Năm 2020, ông Cameron đã sử dụng các kênh tư nhân để vận động các quan chức Chính phủ cấp cao đảm bảo những khoản vay khẩn cấp COVID-19 cho Greensill. Không chỉ là cố vấn cho công ty cung cấp tài chính chuỗi cung ứng này, cựu Thủ tướng Cameron còn nắm giữ cổ phần của Greensill. Điều này có nghĩa là ông có lợi ích tài chính cá nhân đối với kết quả từ quyết định của Bộ Tài chính.
Đề xuất nêu trên đã bị từ chối. Nhưng điều đáng nói là các văn bản được công bố giữa ông và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã cho thấy những động thái của ông Cameron để “thúc đẩy” đồng sự trong Bộ nhằm trợ giúp cho Greensill.
Cụ thể, ông Cameron đã liên tục nhắn tin cho Bộ trưởng Rishi Sunak, yêu cầu cấp cho Greensill Capital quyền truy cập vào Quỹ Tài trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 (CCFF). Hai bên cũng đã có cuộc điện thoại trao đổi trực tiếp.
Đảng đối lập tuyên bố rằng Bộ trưởng Tài chính có thể đã phá vỡ quy tắc cấp bộ khi làm như vậy. Trong khi đó, tối 11/4 vừa qua, ông Cameron đã phá vỡ sự im lặng khi thừa nhận rằng, đã học được “những bài học quan trọng” từ vụ bê bối, trong đó có việc thuyết phục các quan chức “chỉ thông qua những kênh chính thống” để đảm bảo “không có chỗ cho sự hiểu sai”. Tuy nhiên, ông Cameron vẫn khẳng định “không vi phạm quy tắc ứng xử" của Chính phủ.
Ông Cameron cho rằng, bất chấp những nỗ lực của ông, Chính phủ đã không tiếp nhận các đề xuất. “Các cuộc thảo luận mà tôi khuyến khích các đề xuất của Greensill vào sáng kiến CCFF không có kết quả... Vì vậy, tôi đã tuân thủ các quy tắc và những can thiệp của tôi không dẫn đến sự thay đổi trong cách tiếp cận của Chính phủ đối với CCFF”, ông Cameron nói.
Mặc dù kết quả cuối cùng, quyền truy cập vào CCFF của Greensill bị từ chối, nhưng, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia đang xem xét yêu cầu điều tra về việc làm thế nào Greensill được công nhận cho Chương trình Cho vay gián đoạn kinh doanh lớn (CLBILS). Greensill nhờ đó tiếp cận các khoản vay do Chính phủ hỗ trợ lên đến 50 triệu bảng Anh.
Lỗ hổng của các kênh minh bạch
Trước khi xảy ra bê bối Greensill, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown từng cảnh báo rằng, các quy tắc vận động hành lang nên được thắt chặt. Ông Brown cho biết, việc các cựu thủ tướng vận động hành lang cho công ty tư nhân vì lợi ích cá nhân “khiến cho dịch vụ công trở nên tồi tệ”.
Những thông tin từ bê bối cũng cho thấy, Lex Greensill - người sáng lập Công ty Greensill, đã được đưa vào làm cố vấn Chính phủ không được trả lương trong thời gian ông Cameron tại vị. Thậm chí, Lex Greensill còn cầm danh thiếp tự xưng là cố vấn cho Thủ tướng.
Cùng thời điểm đó, ít nhất một công chức cấp cao và một cố vấn Chính phủ khác đã nhận việc với Greensill khi vẫn giữ các vị trí trong Crown Commercial Service - cơ quan mua sắm của Chính phủ. Từ đó đặt ra câu hỏi về những xung đột lợi ích tiềm ẩn nghiêm trọng.
Đáng nói, không có điều nào ở trên được tiết lộ thông qua các kênh minh bạch thông thường, Ủy ban Cố vấn về bổ nhiệm kinh doanh (ACOBA) hay Sổ đăng ký vận động hành lang theo luật định của Anh (do Chính phủ của ông David Cameron thiết lập vào năm 2014).
Theo quy định do ACOBA đặt ra, các cựu bộ trưởng và quan chức cấp cao chỉ được nhận công việc mới sau 2 năm rời Chính phủ. Thực tế, công việc của ông Cameron ở Greensill bắt đầu vào năm 2018, có nghĩa là vị cựu lãnh đạo này có thể tự do theo đuổi bất kỳ cơ hội nào mà không chịu sự giám sát của ACOBA.
Còn Sổ đăng ký vận động hành lang cũng không cung cấp hồ sơ về hoạt động vận động hành lang của cựu Thủ tướng. Trong khi, các nhà vận động hành lang khác như các hiệp hội thương mại, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn… phải tiết lộ hoạt động của họ với cơ quan quản lý hoặc đối mặt với viễn cảnh bị phạt tiền. Đó là một lỗ hổng trong Sổ đăng ký mà từ lâu đã dẫn đến cảnh báo từ các bộ phận của chính ngành vận động hành lang.
Ông Cameron dường như không xuất hiện trên nhật ký minh bạch của Chính phủ liên quan đến công việc ở Greensill. Bởi vậy, thật khó tìm ra bằng chứng về nỗ lực vận động hành lang của ông thông qua dữ liệu mở của Anh.
Thế nên, sự việc lần này là cơ hội lớn để nước Anh xem xét thay đổi quy định trong vận động hành lang, thực hiện “cuộc cách mạng” về minh bạch như nhiều người đã chỉ ra.
Lời nhắc nhở về tính liêm chính
Tuần trước, Chính phủ Anh đã công bố một cuộc điều tra do chuyên gia pháp lý Nigel Boardman phụ trách dưới sự ủy quyền của Thủ tướng Boris Johnson. Ông Boardman là thành viên ban điều hành của Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh.
Cuộc điều tra nhằm xem xét sự phát triển tài chính chuỗi cung ứng cho Whitehall, bao gồm cả vai trò của Greensill. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng, các điều khoản của sự xem xét không đủ rộng.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson: "Thủ tướng cho rằng đây là một vấn đề đáng được quan tâm. Thủ tướng kêu gọi xem xét lại vụ việc để đảm bảo Chính phủ hoàn toàn minh bạch và công chúng có thể đánh giá được các dịch vụ công có xứng đáng với mức thuế phải nộp hay không".
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) Vương quốc Anh đã cảnh báo từ lâu rằng, công chúng trong nước phần lớn bị bỏ mặc trong bóng tối thông tin liên quan đến việc ai đang cố gắng gây ảnh hưởng đến Chính phủ, khi nào, như thế nào và vì mục đích gì.
Theo TI, Vương quốc Anh bị tụt lại phía sau so với các đồng minh của mình, như Canada, Ireland và Mỹ, nơi hoạt động vận động hành lang minh bạch hơn và có nhiều kiểm soát hơn đối với việc bổ nhiệm xoay vòng giữa khu vực công và tư nhân.
Vụ Greensill là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng, mặc dù đạt vị trí cao trong Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của TI, nhưng việc đảm bảo tính liêm chính chính trị vẫn là một thách thức lớn trong các nền dân chủ phương Tây.
Nếu không có sự minh bạch hơn, các quy định cứng rắn hơn và sự giám sát tốt hơn, những vụ bê bối như thế này sẽ không phải là hiếm trong nền chính trị của Anh, gây ra thiệt hại khôn lường cho niềm tin của công chúng.
Theo đánh giá của TI, năm 2020, Anh đạt 77 điểm CPI (thang điểm 100), xếp thứ 11/180 quốc gia.
TI Vương quốc Anh kêu gọi: "Để tránh một Greensill khác, cần phải hành động ngay bây giờ".
Hoài Phương
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương