Hình như, tính đến thời điểm này thì chưa có một trường đại học, trung học chuyên nghiệp nào đào tạo về chuyên ngành "thanh tra". Thế nhưng tuổi đời của ngành đã được 79 năm kể từ ngày Bác Hồ ban hành Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Mười một năm tuổi nghề của tôi cũng là một hành trình vô cùng ý nghĩa. Đó là công việc, là sự nghiệp, là trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội.

Luận về nghề nghiệp một chút. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng không có nghề nào là nghề cao quý nhất. Người đời vốn thường hay xếp hạng cho tất cả mọi điều, mọi việc, mọi người. Điều đó sẽ khích lệ sự vươn lên để thăng hạng, để được đứng ở vị trí hàng đầu. Nhưng sự thật thì không phải lúc nào việc xếp hạng cũng cần thiết. Ví dụ trong trường hợp nói về nghề nghiệp như trên.

Bởi nếu đã xếp hạng nghề nghiệp theo tiêu chí "cao quý" thì sẽ có nghề ít cao quý, nghề không cao quý mà điều đó thì thật không đúng. Mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều có một vị trí, đều xứng đáng được trân trọng và tôn vinh. Vì thế, nếu để xét về sự cao quý thì chỉ nên xét xem những người làm trong nghề có cao quý không mà thôi. Nghề giáo viên cũng có nhiều thầy cô chưa tốt, hay nghề thợ xây cũng luôn có những tấm gương bàn tay vàng đóng góp tâm sức, trí tuệ để xây dựng lên những công trình to đẹp phục vụ cho cuộc đời.

Trước khi vào nghề thanh tra, tôi cũng đã từng có 5 năm làm một số ngành nghề khác. Nhưng những ngày đầu tiên vào ngành, tôi không khỏi bỡ ngỡ và có rất nhiều băn khoăn về công việc sẽ gắn bó với tôi sau này. Tôi sẽ làm tốt chứ? Sẽ được công nhận chứ? Có thể có rủi ro, sự cố gì xảy đến với tôi không? Công việc sẽ va chạm với khá nhiều người và tôi sẽ được mọi người trân trọng chứ? Công việc này liệu có hợp với tính tình và phong cách sống của tôi không? Tôi đã bắt đầu với ngành với nhiều nỗi băn khoăn, trăn trở như thế.

Đó là một cách gọi ví von của anh em, đồng nghiệp trong ngành gọi vui với nhau. Cách gọi vui này cũng là để tự tạo thêm niềm vui, sự hài hước trong công việc.

Thực chất là việc tiếp nhận, giải quyết những “đơn” thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước và quyền lợi của họ. Và đó là một phần lớn nội dung công việc của nghề Thanh tra ở cấp huyện chúng tôi. Nên gọi là “ăn đơn", và ghép với “ăn kép” cho nó ví von vần điệu.

Mỗi lá đơn là một câu chuyện về cuộc sống, về các mối quan hệ xã hội khác nhau, nó sinh động và rất rất đời. Có những câu chuyện đơn giản là đấu tranh vì lợi ích của bản thân mình; có những câu chuyện vì lợi ích của cộng đồng. Lại có những câu chuyện liên quan đến sinh kế, đến sinh mạng chính trị của một con người.

Câu chuyện nào cũng đòi hỏi được nhìn nhận, quan sát, đánh giá không chỉ là trên những quy định, những khung pháp lý cụ thể rõ ràng để tham mưu, giải quyết. Có những câu chuyện của ngày hôm nay, lại có cả những câu chuyện của lịch sử. Là con, là em, là những người đồng chí, đồng đội với những lá đơn đề nghị xem xét công lao, thành tích cho cha, anh và những người đồng chí của mình. Tôi đã tiếp nhận, đọc, nghiên cứu và lập những hồ sơ giải quyết biết bao nhiêu những câu chuyện như thế...

Đó là cách gọi vui vẻ, thuận miệng cho chức vụ trong công việc của tôi. Họ gọi là "cụ chánh". Tôi thường có thói quen đi tìm gốc rễ của vấn đề, có thể cũng là một đặc điểm tính cách mà nghề nghiệp tạo ra. Tôi đã tìm hiểu tại sao có cách gọi đó và nó mang ý nghĩa là gì.

Cách gọi "cụ chánh" khi nhắc đến Chánh Thanh tra bắt nguồn từ văn hóa và truyền thống tôn trọng trong ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt là khi đề cập đến những người giữ chức vụ có uy tín và quyền lực trong xã hội. Danh xưng “cụ” mang sắc thái kính trọng, thường dành cho những người lớn tuổi hoặc những người có vị trí đáng nể. Việc gọi Chánh Thanh tra là “cụ chánh” không chỉ tôn lên tầm quan trọng của chức vụ này mà còn thể hiện sự trân trọng đối với phẩm hạnh và thẩm quyền mà người đó đại diện.

Cụm từ này có thể được gắn liền với văn học, chẳng hạn trong tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, trong đó “cụ chánh” là một nhân vật điển hình, thể hiện quyền uy và những đặc trưng của giai cấp có vị thế vào thời kỳ đó. Vì thế, cách gọi này vừa mang ý nghĩa kính trọng vừa gợi nhắc bối cảnh văn hóa - xã hội trong lịch sử.

Vậy thì xét theo ý nghĩa này thì cách mọi người gọi tôi như vậy cũng là sự tôn trọng. Dần dà tôi cũng quen và chấp nhận danh xưng ấy. Dù có những lúc nó gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười.

Đó là lần tôi về quê ăn giỗ các cụ. Về đến nơi thì các cụ, các ông bà đã đều khoanh chân lên sập, dưới chiếu đang ăn uống. Bác tôi vừa nhìn thấy liền đứng dậy giữa nhà mà nói lớn ra sân: "Mời "cụ chánh" về để uống rượu đi con". Tôi vừa ngại ngùng, vừa tức ông bác lại vừa buồn cười. Lúc ngồi uống rượu, tôi thì thầm vào tai bác: "lần sau bác đừng kêu con là "cụ" nữa nhá". "Uh, bác biết rồi, bác xin lỗi "cụ"".

Có lần tình cờ tôi đọc được một câu chuyện hài hước dịch từ tiếng nước ngoài nhưng có liên quan đến thanh tra. Câu chuyện thế này:

Có một thanh tra viên đến kiểm tra một trang trại chăn nuôi. Ông chủ trang trại ra đón và hỏi: "Ông cần kiểm tra khu vực nào trước?"

Thanh tra viên nghiêm mặt, giơ giấy phép ra và nói: "Tôi là thanh tra, tôi có quyền kiểm tra bất cứ nơi nào tôi muốn".

Ông chủ trang trại gật đầu, không nói thêm gì. Sau đó, khi thanh tra viên tiến đến một cánh đồng, bất ngờ ông bị một con bò đực hung hãn đuổi theo. Thanh tra viên hoảng loạn chạy vòng quanh cánh đồng, vừa chạy vừa la thất thanh cầu cứu.

Ông chủ trang trại nhìn cảnh đó từ xa, bình thản hét lên: "Giơ giấy phép ra mà cho nó xem đi!".

Câu chuyện dừng lại ở đó mà không có bất cứ một bình luận nào, nhưng nó gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ: Quyền lực không được sử dụng đúng chỗ, đúng cách, đúng đối tượng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đâu đó, một số anh em đồng nghiệp trong ngành Thanh tra chúng tôi của cả nước cũng đã bị hoảng loạn như thế đấy.

Ngẫm lại những câu chuyện, những tiếng cười và cả những lần bị gọi đùa là “cụ chánh”, tôi biết rằng nghề đã để lại trong tôi những dấu ấn không thể phai mờ. Sự kính trọng không chỉ đến từ chức vụ hay quyền hạn, mà là từ những nỗ lực chân thành, từ việc giữ vững lòng liêm chính giữa muôn vàn thử thách. Trong những khoảnh khắc lặng lẽ nhất, tôi nhận ra rằng điều cao quý nhất chính là khi ta có thể ngẩng cao đầu trước trách nhiệm, sống trọn vẹn với điều mình đã chọn và cảm thấy thật tự hào khi nhìn lại hành trình đã qua.

Xuất bản 21/11/2024 - 08:00 Phạm Quang Thắng - Chánh Thanh tra thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Người cán bộ thanh tra luôn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo

Người cán bộ thanh tra luôn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo

(Thanh tra) - Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Lào Cai Nguyễn Thế Bình tâm niệm luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy, những cán bộ làm công tác văn phòng, luôn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nam Dũng

09:00 21/11/2024
Buồn vui nghề thanh tra

Buồn vui nghề thanh tra

(Thanh tra) - Cầm trong tay chiếc Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp thanh tra" với bao nhiêu bâng khuâng chuyện đời, chuyện nghề, tôi cũng không nghĩ rằng, đời lại cho mình gắn bó với nghề lâu đến thế. Tưởng rằng chừng ấy năm, công việc đã quen như hơi thở thì chẳng có gì để nói, vậy mà lúc này trong tôi lại đang trào dâng thật nhiều cảm xúc vui buồn với nghề.

Phạm Quang Thắng - Chánh Thanh tra thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

08:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm