Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Vé" vào trường công "khốc liệt", thí sinh nên đặt nguyện vọng ra sao?

Hải Hà

Thứ năm, 06/04/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Trung bình gần 2 học sinh ở Hà Nội thì chỉ có 1 em giành được "tấm vé" vào lớp 10 THPT công lập. Cuộc đua vào lớp 10 THPT công lập ở Thủ đô từ lâu đã "nóng", năm nay lại càng trở nên "nóng" hơn. Trước sức “nóng” của kỳ thi, thí sinh nên đặt nguyện vọng thế nào để chắc “vé” vào trường công?

Học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: HH

“Cân não” chọn trường

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, dự kiến đầu tháng 4 sẽ phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho từng trường. Để có cơ sở giao chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến các trường để kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên...

Sở GD&ĐT khẳng định, kiên quyết không giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho trường chưa bảo đảm các điều kiện. Năm học 2021-2022, có 8 trường học trên địa bàn Hà Nội không được giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo đại diện một số trường THCS - THPT tại Hà Nội, căn cứ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nhà trường đã có kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Tuy nhiên, phải chờ Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt, khi đó mới công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm học tới.

Việc công bố chính xác số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của từng trường THPT có ý nghĩa rất quan trọng để học sinh lựa chọn nguyện vọng.

Năm học 2022-2023, Hà Nội có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Thực hiện phân luồng sau tốt nghiệp THCS, chỉ có 55,7% học sinh được vào trường công. Số còn lại sẽ vào học các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

So với những năm học gần đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp kỷ lục (năm học 2021-2022 khoảng 64,7%, năm học 2020 - 2021 khoảng 60% và năm học 2019-2020 là 60%).

Số liệu trên cho thấy, cuộc đua để giành “vé” vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội khốc liệt như thế nào. Tính trung bình gần 2 học sinh ở Hà Nội thì chỉ có 1 em giành được "vé". Ở khu vực nội thành - nơi đông dân nhưng ít trường, cuộc đua lại càng trở nên khốc liệt hơn.

Thời điểm hiện tại, nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 đang “cân não” chọn trường. Trên các diễn đàn, nhóm phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay luôn “nóng”. Các phụ huynh chia sẻ, con học giỏi thì áp lực chọn trường chuyên, con học kém thì chấp nhận học trường nghề. Căng thẳng nhất là các phụ huynh có con học chấp chới, vừa phải “cân não” chọn trường đăng ký 3 nguyện vọng, vừa chạy đôn đáo tìm trường tư thục để “sơ cua” nhỡ may con trượt trường công.

Chị Nguyễn Thị Hiển (huyện Thanh Trì) chia sẻ, gia đình dự định đăng ký cho con vào 2 trường THPT trên địa bàn huyện là THPT Ngô Thì Nhậm và THPT Đông Mỹ. Các năm trước, 2 trường này có điểm chuẩn ở nhóm giữa. Con có học lực chưa tốt, lại thêm tính cạnh tranh năm nay rất khốc liệt nên gia đình rất căng thẳng.

Chung tâm trạng lo lắng, chị Nguyễn Hải Vân (quận Hà Đông) chia sẻ, con chị có lực học trung bình khá. Năm nay, số lượng thí sinh tăng vọt, cơ hội vào trường công thấp, khiến cả gia đình chị lo lắng, không biết chọn trường nào.

Chị dự định đăng ký nguyện vọng 1 cho con vào Trường THPT Quang Trung, nguyện vọng 2 vào THPT Trần Hưng Đạo. Chị hiểu rõ, xét lực học của con, lại ở quận Hà Đông quá đông học sinh, con chị gần như không có "cửa" vào trường công, còn đi các trường ở huyện Chương Mỹ, Thanh Oai cùng khu vực tuyển sinh thì lại quá xa nhà…

Để có phương án dự phòng, chị phải chạy đôn chạy đáo đến các trường tư thục để tìm hiểu và nộp hồ sơ cho con. Trường Marie Curie phù hợp với con, nhưng nếu xét điểm thi từ kỳ thi vào 10, chị lo con không đỗ; Trường THPT FPT, Trường THPT Phenika, Lê Lợi… chị đang nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin…

Cuộc đua nguyện vọng

Mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Hà Nội tiếp tục tuyển sinh theo khu vực. TP chia 30 quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 bắt buộc đăng ký tại trường thuộc khu vực mà thí sinh đăng ký thường trú, nguyện vọng 3 được đặt ở bất kỳ trường nào.

Điều đáng lưu ý, học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu trượt, các em được xét nguyện vọng 2, 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Các nguyện vọng đã đăng ký không được thay đổi.

Bài toán đặt ra là các em phải phân chia nguyện vọng như thế nào để có thể giành được “tấm vé” vào trường công. Với những em không muốn vào học trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định thì phải đặt nguyện vọng ra sao?

Chị Phạm Thu Hà có hộ khẩu thường trú ở quận Hoàng Mai. Khu vực tuyển sinh của con chị là các trường THPT thuộc quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, nhưng con lại muốn học Trường THPT Kim Liên thuộc quận Đống Đa, vì thế, phải tính toán để con có thể học ở trường mơ ước. Gia đình dự định chỉ đặt nguyện vọng 3 vào Trường THPT Kim Liên, con buộc phải nỗ lực hơn vì điểm đầu vào phải cao hơn nguyện vọng 1 ít nhất 2 điểm. Ngoài ra, chị dự định đăng ký thêm 1 trường tư thục để “sơ cua”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự tính, gia đình cũng sẽ nghe ngóng thêm và nhờ cô giáo chủ nhiệm tư vấn.

Chia sẻ với tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh có con thi vào lớp 10, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cho rằng, cuộc đua vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nào cũng “nóng”, nhưng năm nay thì lại “nóng” hơn bao giờ hết.

Mỗi năm, ở Hà Nội, không biết bao nhiêu chung cư mọc lên, trong khi không có trường nào được xây dựng tương xứng. Chỉ tiêu của các trường dù cố gắng nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh.

Lưu ý đến việc đặt nguyện vọng, thầy Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh, chính cha mẹ và học sinh phải đánh giá đúng được năng lực, trình độ của con em mình. Bên cạnh đó, cần lấy thêm ý kiến của thầy cô giáo, nhà trường để đặt nguyện vọng cho đúng, chứ không chủ quan, ảo tưởng dẫn đến việc chọn sai trường.

Theo thầy Bình, cha mẹ và học sinh cần cân nhắc giữa chuyện đi lại là khoảng cách đi học giữa nhà và trường học, cũng như định hướng nghề nghiệp sau này sao cho phù hợp. Nếu học sinh không có khả năng vào một trường công lập, cũng có thể lựa chọn trường tư thục hay trường quốc tế, nhưng phải phụ thuộc vào tài chính của gia đình.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc lựa chọn trường THPT cho con không chỉ đơn thuần là chuyển cấp, chuyển trường, mà đây là giai đoạn quan trọng mang tính chất chuẩn bị để bước vào giai đoạn học sau phổ thông. Do vậy, để chọn được trường học phù hợp với khả năng của con, phụ huynh có thể tham khảo điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT những năm trước; tham khảo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm… Trước khi đặt bút đăng ký các nguyện vọng, phải tính toán rất kỹ để phù hợp với năng lực, tránh trượt oan…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm