Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Triển khai Chương trình GDPT mới: Giáo viên không lo mất việc!

Thứ năm, 10/01/2019 - 09:21

(Thanh tra) - Chiều 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. 2 nội dung được đặc biệt quan tâm là tình trạng thừa thiếu giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị khi triển khai chương trình giáo dục mới.

Chương trình GDPT mới sẽ giảng dạy bắt đầu từ năm học 2020-2021. Ảnh: HH

Thiếu gần 76.000 giáo viên

Ngay bắt đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Chương trình GDPT mới dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế thành bại của Chương trình GDPT mới phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo - những người sẽ thực hiện chương trình mới này.

Theo ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0%, THPT 99,6%). 

Tính đến tháng 10/2018, toàn quốc có hơn 1,1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông và hơn 100 nghìn cán bộ quản lý.

Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng lên tới 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3161 người). 

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc vẫn còn thiếu hơn 10 nghìn giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa tới hơn 12 nghìn giáo viên THCS môn khác.

Giáo viên có thất nghiệp?

Vấn đề được đặc biệt quan tâm là khi áp dụng chương trình mới với việc tích hợp hàng loạt môn và xuất hiện nhiều môn học mới, thì việc điều tiết giáo viên sẽ như thế nào? 

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng đặt câu hỏi: Những môn học không được học sinh lựa chọn thì giáo viên bộ môn đó sẽ làm gì? Việc tích hợp một số môn ở cấp THCS liệu có khiến nhiều thầy cô có nguy cơ thất nghiệp?

Chung lo lắng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang nêu: Dạy học tích hợp liên môn, việc bố trí thời khóa biểu cho giáo viên sẽ như thế nào, đặc biệt là ở khối THCS đang thừa giáo viên không biết bố trí ra sao? 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình GDPT mới. Ảnh: HH

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học lý giải: Dạy học tích hợp trong chương trình mới 2 môn quan tâm nhiều nhất là Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, mạch kiến thức của 2 môn này vẫn như cũ, chỉ có các chuyên đề là chung (từ 6-10 tiết). Vì vậy, cơ cấu giáo viên không có gì thay đổi. Giáo viên của môn nào sẽ phụ trách môn đấy. Với chủ đề có tính liên môn, hiện nay đã có rồi, nên không khó khăn.

Với các môn Khoa học tự nhiên, tính toán so với hiện nay, tỷ lệ các bộ môn tương đồng nên số lượng giáo viên hiện tại cơ bản đáp ứng được.

Về điều này, ông Hoàng Đức Minh giải thích thêm, toàn bộ chương trình mới không có môn nào bỏ, chỉ có những môn tích hợp lại, đối với môn mới thì dung lượng thực hiện cơ bản giống dung lượng môn cũ nên không có giáo viên nào không có việc làm.

Ông Minh cũng cho rằng, giáo viên không nên quá lo lắng. Các thầy cô sẽ được bồi dưỡng để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Cơ sở vật chất tương đối yên tâm!

Chương trình GDPT mới sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ năm 2020, như vậy chỉ còn 1 năm nữa là chương trình được triển khai. Vì vậy, vấn đề được dư luận quan tâm đó là cơ sở vật chất của các trường có đảm bảo cho việc triển khai?

Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất cho biết: Cả nước hiện có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng (đạt 74,9%). Trong đó, mầm non là 64,9%; tiểu học 72,2%; THCS 83,4%; THPT 93,9%. 

Một số vùng như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa còn thấp hơn nữa. Cá biệt, Tây Nguyên, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bậc mầm non chỉ đạt dưới 45%.

Trước thực trạng cơ sở vật chất như vậy, nhưng ông Hùng Anh khẳng định, cấp THCS và THPT có thể tương đối yên tâm có thể đáp ứng được, riêng cấp tiểu học để học 2 buổi/ngày từ năm 2020 nhưng chỉ áp dụng với học sinh lớp 1 nên cũng sẽ đáp ứng được.

Đối với các địa phương còn khó khăn như vùng sâu, vùng xa còn nhiều phòng học tạm, điểm trường nhỏ lẻ, ông Hùng Anh cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình dồn dịch lại thành các điểm trường chính để đầu tư đạt chuẩn.

Trả lời câu hỏi của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm thế nào để việc mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy học chương trình mới đầy đủ nhưng không lãng phí? 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Khi áp dụng chương trình mới từ 2020, lớp 1 sẽ dùng thiết bị mới, lớp 2,3 vẫn dùng thiết bị cũ. Thiết bị cơ bản định hướng vẫn là sử dụng thiết bị cũ, bản chất của thiết bị không thay đổi, thay đổi là cách sắp xếp ở các trường. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị ở tất cả các lớp và có hướng dẫn cho các địa phương mua, tránh lãng phí.

Dự kiến quý I/2019, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để chuẩn bị cho triển khai chương trình đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm