Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trẻ mầm non nghỉ học 1 tuần để phòng chống dịch, chống rét

Trọng Tài

Chủ nhật, 20/02/2022 - 20:36

(Thanh tra) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ninh vừa có văn bản chỉ đạo, tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học từ ngày 21 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Quảng Ninh cho trẻ mầm non nghỉ học từ ngày 21 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại. Ảnh: TTTT

Trong tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, số ca lây nhiễm trong cộng đồng và trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có chiều hướng gia tăng.

Cùng với đó, tình hình thời tiết mưa, rét kéo dài đã tác động không nhỏ đến việc duy trì tổ chức dạy học trực tiếp trong các cơ sở giáo dục, nhiều lớp học đã phải chuyển sang học trực tuyến do có các ca F0, F1.

Đối với cấp học mầm non, tỷ lệ trẻ em đến trường sau tết đạt tỷ lệ thấp (trung bình hàng ngày chỉ đạt 30 - 40%, có trường còn đạt dưới 30%). Có lớp chỉ có vài em đến lớp do tâm lý phụ huynh lo ngại dịch bệnh và ảnh hưởng của thời tiết mưa, rét kéo dài.

Trước tình hình trên, để chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả công tác phòng chống dịch và ứng phó với điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại trong những ngày cuối tháng 2/2022, Sở GD&ĐT Quảng Ninh yêu cầu, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác....

Các đơn vị cần siết chặt biện pháp thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian từ nhà đến trường, tại trường và từ trường về nhà; hạn chế tối đa việc di chuyển, tiếp xúc, tổ chức tập trung đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các lớp học.

Thực hiện sàng lọc, tăng tỉ lệ tầm soát theo hình thức test nhanh COVID-19 đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trẻ em, học sinh; đồng thời, khuyến khích cha mẹ trẻ em, học sinh chủ động duy trì thực hiện test nhanh cho con em mình để chủ động phòng dịch từ sớm, phát hiện kịp thời và bóc tách F0 ra khỏi trường học, lớp học; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong trường học.

Phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của các nhóm “Zalo quản lý F0” để kịp thời hỗ trợ, động viên học sinh trong quá trình theo dõi điều trị, nhất là đối với những học sinh đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà và có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ.

Tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

"Tuy nhiên, khi thông báo chủ trương này, các cơ sở giáo dục mầm non cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cha mẹ, phụ huynh trẻ; nếu gia đình trẻ nào do không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng vẫn đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục phải bố trí đón trẻ đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ đảm bảo an toàn" - Sở GD&ĐT Quảng Ninh lưu ý.

Đối với cấp tiểu học, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Khuyến khích các trường, các lớp học nếu chưa có ca F0 và vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh thì tiếp tục duy trì học trực tiếp để đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng giáo dục. Trong quá trình tổ chức học trực tiếp cho học sinh cần thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Đối với cấp THCS và THPT, tiếp tục duy trì tổ chức học trực tiếp tại trường cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức học trực tiếp cần tăng cường và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát hiệu quả và đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Đối với các lớp học khi xuất hiện ca F0, cần phối hợp với ngành y tế đánh giá đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét tạm thời chuyển sang học trực tuyến cho học sinh...

Tuyệt đối không tổ chức các hoạt động ngoài trời hoặc cho học sinh ra chơi ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp với cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét.

Căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm hoặc về quá muộn.

Ngoài ra, các hoạt động bán trú cần được tổ chức đảm bảo chất lượng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở giáo dục. Tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận, yên tâm, sự tham gia phối hợp tích cực của phụ huynh và toàn xã hội về chủ trương “mở cửa trường học” để học sinh được đến trường học tập trực tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm