Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương

Minh Tú

Thứ sáu, 16/08/2024 - 21:00

(Thanh tra)- Năm học mới 2024 – 2025 đang đến gần, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng (mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp), khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương.

Cả nước vẫn thiếu khoảng 113.000 giáo viên, trung bình mỗi tỉnh, thành phố thiếu gần 2.000 giáo viên. Ảnh minh họa: Internet

Cả nước vẫn thiếu khoảng 113.000 giáo viên

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là chính thức bước vào năm học mới, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương trên cả nước tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra do số học sinh tiếp tục tăng lên.

Tại tỉnh Phú Yên, hiện đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Phú Yên cho biết, việc thiếu giáo viên do theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ học hai buổi/ngày thay vì một buổi/ngày như trước đây.

Bên cạnh đó, ở các môn học mới và mang tính đặc thù như các môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc trung học phổ thông có rất ít nguồn tuyển.

Hay như tỉnh Quảng Ngãi, cũng đang thiếu khoảng 900 giáo viên ở tất cả các cấp học.

Năm học mới 2024 - 2025, tỉnh Điện Biên thiếu khoảng 2.000 cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, đến hết năm học 2023 - 2024, tổng số giáo viên cả nước là 1.251.377 giáo viên. Dù đã tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023, cả nước vẫn thiếu khoảng 113.000 giáo viên, trung bình mỗi tỉnh, thành phố thiếu gần 2.000 giáo viên.

Triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, từ những giải pháp mang tính dài hơi như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả đến các giải pháp ngắn hạn mang tính tình thế.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, địa phương đã và đang triển khai nhiều cách thức khác nhau như ký hợp đồng ngắn hạn, phân công giáo viên dạy liên trường, điều động giáo viên từ trường thừa về trường thiếu…

Tuy nhiên, ông Thái cũng cho rằng giải pháp này chỉ mang tính tình thế ngắn hạn do giáo viên luân chuyển hay hợp đồng ngắn hạn sẽ không thể theo sát được cả quá trình học của học sinh để có cách dạy và học phù hợp. Giáo viên dạy liên trường dẫn đến tình trạng quá tải số tiết dạy, vượt khung quy định.

Dù là giải pháp tình thế và có nhiều hạn chế, đây là vẫn là cách được nhiều địa phương tiếp tục áp dụng trong năm học tới để đảm bảo có giáo viên dạy học sinh, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn, không thu hút được nguồn tuyển.

Còn tại Điện Biên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nguyễn Văn Đoạt cho biết, tỉnh vẫn tiếp tục phải bố trí một giáo viên dạy hai trường, huy động giáo viên trung học cơ sở xuống dạy ở bậc tiểu học.

Từ năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ Điện Biên dạy tiếng Anh tiểu học qua phần mềm trực tuyến.

Địa phương thuận lợi hỗ trợ vùng khó trong dạy tiếng Anh online cũng là giải pháp đã được một số địa phương áp dụng trong thời gian qua.

Thiếu trầm trọng giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, treo thưởng cả trăm triệu cũng không thu hút được nhân sự cho vùng khó, phải biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn để dạy ngoại ngữ cho học sinh nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu, các năm qua, Yên Bái đã phải nhờ tới các giáo viên của các địa phương khác dạy học trực tuyến từ xa.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái gửi thư cảm ơn UBND Thành phố Hà Nội vì trong năm học 2023 - 2024 đã có 204 giáo viên thuộc 122 trường của Thủ đô hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cho 17 trường, 168 lớp thuộc 4 huyện vùng khó của tỉnh này gồm Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên với trên 2.100 tiết học. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái bày tỏ mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hà Nội.

Về giải pháp lâu dài, lãnh đạo các sở GD&ĐT cho biết bên cạnh việc có cơ chế tăng lương cho giáo viên, địa phương cũng đã phối hợp với các trường đại học sư phạm, cử con em địa phương đi học theo diện cử tuyển nhằm tạo nguồn giáo viên chủ động và đảm bảo gắn bó lâu dài với địa phương đồng thời kiến nghị UBND các tỉnh không cắt giảm biên chế của ngành Giáo dục.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm