Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Các thiết bị hiện đại sẽ khôi phục được điểm gốc ở Sơn La

Thứ tư, 01/08/2018 - 21:17

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho hay, trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, để bảo đảm công bằng, Bộ Công an và các bộ phận chức năng đang quyết tâm làm, mang cả các thiết bị hiện đại đến để khôi phục đúng điểm gốc ở Sơn La…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: HG

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối ngày 1/8, báo chí đặt hàng loạt câu hỏi về những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Việc Bộ GD&ĐT đã nhận trách nhiệm thì tới đây tiếp tục xử lý thế nào? Sơn La rất khó trả điểm gốc để đảm bảo công bằng, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an xử lý ra sao?

Bộ yêu cầu 63 tỉnh, thành rà soát, nhiều tỉnh báo cáo không có gì bất thường nhưng theo kinh nghiệm, dư luận chỗ này chỗ kia không bình thường. Nếu tới đây có bất thường thì Bộ xử lý như thế nào?

Với các Sở GD&ĐT có vi phạm, Bộ xử lý thế nào? Nếu năm tới vẫn tiếp tục hình thức thi này thì Bộ có giải pháp gì khắc phục tình trạng này đảm bảo khách quan?

Có thể hướng tới chấm thi theo cụm

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, về sự việc tại Sơn La, Bộ Công an, từ A71 cho đến các bộ phận chức năng đang rất quyết tâm làm, mang cả các thiết bị hiện đại tới.

“Tôi tin rằng các thiết bị đó sẽ khôi phục được đúng điểm gốc. Bộ sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của Bộ Công an để có phương hướng xử lý cho phù hợp. Hiện nay vẫn chưa có kết quả. Bộ cũng đã chuẩn bị các phương án nhưng  căn cứ vào kết quả cuối cùng của cơ quan điều tra, Bộ sẽ có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh”, ông Độ nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trong văn bản của Bộ trưởng đã yêu cầu tất cả các địa phương rà soát lại toàn bộ quy trình chấm và kết quả chấm kỳ thi này. Nếu phát hiện ra sai phạm thì yêu cầu các địa phương chủ động làm việc với công an ở các địa phương đó để trực tiếp xử lý, bảo đảm đúng người, đúng tội, bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh.

“Chúng tôi thực hiện đúng kết luận của Thủ tướng. Thủ tướng khẳng định là không có vùng cấm, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Về việc xử lý các cán bộ vi phạm, ông Độ cho hay, theo phân cấp quản lý, các Sở trực thuộc UBND các tỉnh, TP. Ngoài trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các cá nhân nào sai phạm, trách nhiệm rất rõ thì UBND các tỉnh, TP trực tiếp có trách nhiệm xử lý theo Luật Công chức, viên chức.

Cũng theo ông Độ, Bộ trưởng GD&ĐT đã phát biểu tại phiên họp Chính phủ, đưa ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập. Đó là, sẽ rà soát lại toàn bộ các quy trình, từ khâu coi thi, chấm thi... để hoàn thiện cho phù hợp. Thứ hai, là nâng cao nghiệp vụ thi, cũng như nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất của nhà giáo.

“Khi con người cố tình làm sai thì thực sự có những khó khăn”, ông Độ nhấn mạnh và cho biết thêm, Bộ sẽ hoàn thiện phần mềm để những đối tượng có ý đồ làm xấu cũng khó có thể làm được.

Phương thức tổ chức chấm thi, hiện chấm trắc nghiệm có thể hướng tới chấm theo cụm thi, tỉnh không tự chấm bài của tỉnh mình.

Xử lý triệt để sai phạm lấy lại lòng tin của người dân

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có dành thời gian nhấn mạnh về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học có phát sinh tiêu cực một số địa phương.

Đầu tiên, Thủ tướng có thái độ cương quyết yêu cầu Bộ Công an phối hợp các đơn vị liên quan điều tra xem xét xử lý đúng người, đúng tội, cương quyết xử lý triệt để, lấy lại lòng tin của người dân.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rà soát lại toàn bộ các phương án, cách thức, cách chỉ đạo của thi THPT quốc gia, ngay cả giao trách nhiệm các trường đại học, cao đẳng vấn đề tự chủ như nào, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng quyết định sau.

“Hôm nay Chính phủ không bàn và không quyết định vấn đề thi hình thức và thi như thế nào. Quan điểm của chúng ta đó là có học có thi, thi thế nào để cho thực chất, đảm bảo yêu cầu là đổi mới giáo dục toàn diện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất lớn, chúng ta tổ chức thi THPT quốc gia từ 2015, đã có giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên báo chí đều nói, dư luận đều biết đề thi THPT quốc gia 2017 cho là dễ, đề thi 2018 lại cho là khó, cái dễ thì cũng thuận và cái khó cũng có vấn đề.

Nói về việc liệu kỳ thi 2 trong 1 có đúng không, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, thực chất kết quả thi quốc gia THPT để xét tốt nghiệp, đồng thời dựa trên cơ sở đó các trường đại học, cao đẳng xét tuyển vào trường mình.

Bộ trưởng cho hay, kết quả thi đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, chỗ này chỗ khác vẫn có tiêu cực, kẽ hở trong phần mềm, trong xử lý, trong vấn đề cập nhật còn sơ hở. Cho nên, hôm nay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân vụ việc thi cử vừa qua.

“Bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên”

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, về vụ việc tiêu cực trong khâu chấm thi xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng.

“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên.

“Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, sẽ tiếp tục hoàn thiện để Kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn.

Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Sơn La) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam: Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng Phòng Khảo thí.

Hai người bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú là ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La và bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng.

Cả 5 bị can cùng bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Ở Hà Giang: Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng Khảo thí Nguyễn Thanh Hoài; ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí đã bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm