Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thi trắc nghiệm, lo ngân hàng câu hỏi

Thứ bảy, 17/09/2016 - 08:14

(Thanh tra) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận về Dự thảo Phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: HH

Theo Dự thảo có nhiều thay đổi căn bản như xuất hiện 5 bài thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội); gần như thi trắc nghiệm (trừ Ngữ văn)... Với nhiều điểm mới như vậy, nên ngay sau khi được công bố, Dự thảo đã thu hút sự chú ý của toàn xã hội.

Môn Toán nên có tự luận

Xung quynh Dự thảo này, tranh cãi "nảy lửa" vẫn là có nên thi trắc nghiệm với môn Toán không? GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trắc nghiệm và tự luận đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Thi trắc nghiệm diễn ra trong thời gian ngắn, kiến thức bao phủ toàn môn học, chấm nhanh, khách quan. Thi tự luận đánh giá được khả năng diễn đạt, tư duy của người học. Nếu 2 phương pháp này dùng cho các kỳ thi tiêu chuẩn hóa có quy mô lớn như kỳ thi THPT Quốc gia thì trắc nghiệm áp đảo tự luận.

Lý giải nguyên nhân GS Thiệp cho biết, với phương pháp thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng đề thi, trong khi đó, với phương pháp thi tự luận thì chất lượng phụ thuộc nhiều vào năng lực của người chấm. "Chất lượng của đề thi có thể khắc phục được bằng việc xây dựng ngân hàng đề thi với nhiều người tham gia trong thời gian dài. Còn với phương án tự luận, việc chấm thi cho hàng triệu thí sinh không thể làm tốt do trình độ người chấm khác nhau" - GS Thiệp nhấn mạnh.

GS Thiệp cũng đề xuất, hình thức đề thi thi trắc nghiệm môn Toán cũng nên có nhiều lựa chọn chứ không chỉ là dạng đề thí sinh lựa chọn 1 trong 4 câu trả lời. Ví dụ như trong đề thi SAT của Mỹ, thí sinh tự viết đáp án bằng cách tô vào câu trả lời. "Nếu môn Toán có thêm câu hỏi trắc nghiệm như vậy thì tôi tin rằng có thể giảm bớt được việc thí sinh đoán mò" - GS Thiệp nói.

Ngoài ra, cũng nên có bài thi tự luận với thời gian làm bài khoảng 30 phút để thí sinh có thể thể hiện tư duy sáng tạo và phân loại được thí sinh giỏi.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nhận định, không có phương thức nào ưu điểm hẳn cũng không có phương thức nào nhược điểm hẳn. Vì vậy, trên thế giới vẫn tồn tại song song 2 kiểu thi trắc nghiệm và tự luận chứ không riêng Việt Nam. Điều cần thiết là khi lựa chọn phương thức nào cũng cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng về nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả, tâm lý của thí sinh và xã hội.

Ngân hàng câu hỏi có đủ tốt?

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) lại cho rằng, điều đáng lo nhất lúc này là Bộ GD&ĐT có đủ khả năng về thời gian và nhân lực để chuẩn bị ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đủ tốt hay không?

Bà Nga ủng hộ việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, vì đơn vị này đã xây dựng và thử nghiệm ngân hàng câu hỏi của mình ở nhiều vùng miền, phân tích đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, Bộ cũng nên chọn lọc những câu hỏi phù hợp với mục tiêu thi THPT Quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ cần phải xây dựng thêm nhiều câu hỏi nữa mới đủ để đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi. "Nếu tính mỗi phòng thi trung bình 30 - 35 thí sinh, như với môn Toán có 50 câu trắc nghiệm thì để đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi thì tối thiểu phải có 1.750 câu hỏi cho mỗi phòng" - bà Nga phân tích.

Bà Nga cũng cho rằng, từ Dự thảo phương án thi THPT 2017 mà Bộ công bố với thông tin chi tiết về số câu hỏi của mỗi đề thi cũng như thời gian làm bài thì Bộ chắc chắn đã phải có Dự thảo cấu trúc đề thi. “Bộ nên công bố sớm mẫu đề thi để học sinh, giáo viên và các trường đại học biết được cấu trúc đề thi”.

Còn theo GS Thiệp, vấn đề Bộ GD&ĐT có khả năng soạn thảo đủ ngân hàng đề thi chuẩn hóa để có thể áp dụng hình thức thi trắc nghiệm cho môn Toán hay không rất khó trả lời vì còn tùy vào việc Bộ GD&ĐT tổ chức như thế nào, có thu hút được chuyên gia giỏi tham gia vào kỳ thi không?

Cần hạn chế chương trình ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Việc có tới 5 bài thi và gần như là thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ Văn), học sinh lớp 12 vẫn có thể làm quen, giáo viên cũng sẽ "xoay sở" được. Tuy nhiên, hiện nay chương trình phổ thông quá nặng, Bộ cần phải hạn chế lại chương trình chỉ học những kiến thức cần thiết vì thực tế sách giáo khoa phổ thông đã quá cũ, nhiều chương trình quá lạc hậu. Đề thi cũng nên ra theo hướng câu hỏi vận dụng và phải công bố sớm cấu trúc đề thi để học sinh làm quen.

Học sinh không nên quá lo lắng

Thứ Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ: Học sinh không nên quá lo lắng, vì đề thi sẽ nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12; nên những năm trước các em ôn thế nào, thì năm nay tiếp tục ôn như vậy. Phương thức thi tự luận hay trắc nghiệm chỉ là phương thức đánh giá, còn quan trọng là mục tiêu và kết quả các em học tập được, các kiến thức và kỹ năng các em thu nhận được. Đối với những em học giỏi, dù các em thi bất cứ phương thức nào các em cũng đạt được kết quả tốt.

Việc đổi mới thi trắc nghiệm sẽ làm cho các em nhẹ nhàng hơn, thời gian thu rút ngắn, bao quát tất cả chương trình, các em sẽ không sợ học lệch, học tủ, các em cũng không cần phải luyện thi. Trong tháng 10, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa, như thế các em có thể hình dung được đề thi, định hướng được việc ôn tập.

 

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm