Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thầy, cô giáo ở Lai Châu vượt đồi, núi, vận động học sinh trở lại lớp

Thứ hai, 04/05/2020 - 18:35

(Thanh tra)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu, từ ngày 4/5, các trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động dạy và học trở lại sau thời gian nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. Các thầy, cô giáo vùng sâu vùng xa, biên giới đã phải vượt đồi, núi đi vận động học sinh quay lại trường tiếp tục chương trình học.

Giáo viên Trường Tiểu học xã Tá Pạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) hướng dẫn học sinh rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Ảnh: Việt Hoàng

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lai Châu Đinh Trung Tuấn cho biết, từ ngày 4/5, có gần 107 nghìn em học sinh từ bậc tiểu học đến giáo dục thường xuyên trên địa bàn sẽ đi học trở lại, riêng bậc mầm non sẽ đi học từ 6/5. Do thời gian nghỉ phòng, chống dịch COVID-19 kéo dài nên các thầy, cô giáo tổ chức dọn dẹp trường, lớp và phối hợp với chính quyền địa phương về tận bản, gặp phụ huynh để vận động học sinh ra lớp đầy đủ.    

Sở GD&ĐT Lai Châu, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trường khi cho học sinh đi học trở lại phải bảo đảm các điều kiện tuyệt đối an toàn, tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm. Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, giờ ăn, sinh hoạt tập thể, bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học. Các trường học triển khai các biện pháp phòng bệnh cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối với những nơi không đảm bảo an toàn sẽ không cho học sinh đi học trở lại.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Lai Châu, hiện toàn tỉnh có trên 2.000 trường học, trong đó đã trang bị được khoảng 400 máy đo thân nhiệt, 1.300 nhiệt kế, hơn 12.000 bánh/lọ xà phòng và nước rửa tay khô để sát khuẩn.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) Lý Mỹ Ly cho hay, học sinh trên địa bàn chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Dân cư ở rải rác, giao thông đi lại cách trở nên khi được nghỉ dài ngày, học sinh sẽ không quay lại trường học đầy đủ. Thầy, cô giáo phải phối hợp với chính quyền địa phương, các chiến sĩ biên phòng vất vả đi từng bản, gặp từng nhà để vận động học sinh ra lớp. Học sinh về trường, thầy và cô giáo yêu thương như con, nuôi dạy chu đáo để các em không bỏ học về nhà.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, đơn vị đã quán triệt các trường học khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất trường, lớp học, phòng y tế… đồng thời thực hiện nghiêm các giải pháp an toàn cho cả học sinh và giáo viên.

Ghi nhận của phóng viên tại Trường THCS xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, nhà trường đã hoàn thiện vệ sinh các phòng lớp học, đồng thời sắp xếp lại phòng thiết bị để bố trí giường cách ly trong trường hợp có học sinh bị ho, sốt… Thầy, cô giáo đã tu sửa lại khu vực nhỏ để làm phòng y tế, các đồ dùng cần thiết trong mùa dịch như khẩu trang, xà phòng sát khuẩn, nước rửa tay khô, thiết bị kiểm tra thân nhiệt, nước muối sinh lý cũng được chuẩn bị sẵn cho học sinh.

Hiện cán bộ, giáo viên nhà trường đang khẩn trương để vệ sinh, lắp ghép lại hệ thống giường tầng mới được huy động bổ sung, phơi lại chăn màn cho bán trú, sẵn sàng cho các em đi học trở lại. Thầy, cô giáo đưa học sinh về trường thực hiện đo thân nhiệt, hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và tắm rửa sạch sẽ cho các em.

Trường THCS xã Sùng Phài có 161 học sinh, trong đó có 53 em ở bán trú, vào thời điểm không có dịch, nhà trường bố trí 2 em nằm chung 1 giường và 4 em sử dụng một giường 2 tầng. Trong giai đoạn này phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m, do vậy phương án được phòng Giáo dục thành phố và nhà trường lựa chọn là làm mái tôn ra ngoài sân để làm nơi ăn bán trú, phòng ăn cũ sẽ được bố trí, sửa sang để lắp thêm 12 giường tầng, đảm bảo khoảng cách cho các em.

Cô Trần Lệ Quyên - Hiệu trưởng Trường THCS xã Sùng Phải, thành phố Lai Châu cho biết: Nhà trường chia hai ca học tập, số học sinh đảm bảo dưới 30 em/lớp. Với đặc thù xã khó khăn, số lượng học sinh không nhiều, có khối chỉ có 1 lớp, do vậy nhà trường chia khối 8 - 9 học buổi sáng, khối 6 - 7 học buổi chiều. Dụng cụ ăn bán trú của các em sẽ được chia vào từng khay riêng và khuyến cáo các em về giữ khoảng cách. Tuy nhiên, trường thuộc xã khó khăn, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên đây cũng là thách thức.

Không chỉ riêng ở Trường THCS xã Sùng Phài, tại các trường có học sinh bán trú, nội trú cũng khắc phục khó khăn chung để triển khai các giải pháp giãn cách bảo đảm an toàn cho các em học sinh khi tới trường. Để công tác đảm bảo môi trường học tập tốt, an toàn trong mùa dịch COVID-19, không chỉ nhà trường mà cần có sự chung tay, quyết tâm của các em học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Việt Hoàng 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm