Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sau bất thường điểm thi tại Hà Giang: Chấm thi THPT Quốc gia cần quy về 1 mối

Thứ ba, 17/07/2018 - 09:06

(Thanh tra)- Hiện nay, chấm điểm thi THPT Quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì. Theo đó, 63 tỉnh, thành sẽ chấm thi riêng rẽ dưới sự giám sát của thanh tra và PA 83. Tuy nhiên, lực lượng này rất "mỏng".

Tỉ lệ thí sinh khối A1 có điểm thi THPT Quốc gia đạt từ 27 điểm của Hà Giang (xanh) và các tỉnh thành khác (đỏ). Ảnh: vtv.vn

Theo lãnh đạo các trường đại học (ĐH), việc chấm thi như vậy chính là "lỗ hổng" dễ phát sinh tiêu cực. Vì vậy, việc chấm thi cần quy về 1 mối là Bộ GD&ĐT hoặc các trường ĐH...

Hàng loạt bất thường...

Những ngày qua, dư luận "dậy sóng" sau khi tỉnh Hà Giang công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 với hàng loạt bất thường.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 76 thí sinh thi khối A1 (Toán - Văn - Tiếng Anh) đạt 27 điểm trở lên thì Hà Giang có tới 36 em (chiếm 43,37%). Đáng nói là số thí sinh cả nước gấp 170 Hà Giang.

Điều bất thường tiếp diễn ở môn Vật Lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9, 10 và có 28 bài đạt 8, 9 điểm. Tức số thí sinh đạt điểm 9, 10 gấp đôi số thí sinh đạt điểm 8, 9.

Theo các chuyên gia, đây là điều bất thường vì quy luật chung, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỉ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên.

Không chỉ ở Hà Giang, ở địa phương khác là Sơn La, cũng xuất hiện những bất thường trong điểm số của thí sinh khiến dư luận thực sự... "sốc".

Hai thí sinh của Trường THPT Chuyên Sơn La có điểm thi thử chênh lệch rất lớn với thi thật. Một em thi thử môn Tiếng Anh chỉ đạt 1,2 điểm, nhưng thi thật đạt 9,8 điểm. Một em khác, ở kỳ thi thử chỉ đạt điểm trung bình, nhưng thi thật lại đạt 2 điểm 10. Kết quả này khiến dư luận đặt câu hỏi bởi đề thi năm nay được đánh giá là khó hơn rất nhiều.

Điều đáng nói, đây đều là các môn thi trắc nghiệm mà Bộ GD&ĐT trước đó nhiều lần khẳng định: Bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy. Quy trình khép kín, có sự giám sát của thanh tra và PA 83, đảm bảo kết quả chấm thi khách quan.

Khó kết luận gian lận hay không?

Trái với khẳng định của Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chấm thi trắc nghiệm dễ gian trá hơn thi tự luận, dù kiểm tra lại cũng khó phát hiện ra gian lận.

Lý giải trên là có căn cứ bởi nếu như thi tự luận, với các bút tích trên bài thi có thể dễ dàng nhận ra người gian lận, nhưng thi trắc nghiệm chỉ cần dùng tẩy xoá vết bút chì đi và tô đè đáp án khác lên thì khó phát hiện ra ai là người tô lại đáp án?

Khẳng định có bất thường trong điểm thi tại Hà Giang và Sơn La, ông Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Giao thông Vận tải thẳng thắn: Tất cả bất thường đều xác định được bằng thống kê. Chúng ta có lý thuyết thống kê, lý thuyết xác suất đây là cơ sở toán học để phát hiện ra điểm bất thường. Vì vậy, dư luận xã hội cho rằng có bất thường đối với điểm thi ở Hà Giang hay ở tỉnh khác là có cơ sở.

Có kinh nghiệm nhiều năm trong chấm thi trắc nghiệm, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ: Ở kỳ thi THPT Quốc gia, quy trình chấm thi của Bộ GD&ĐT rất chặt chẽ, nhưng vẫn có yếu tố liên quan đến con người. Một khi có sự đồng thuận tham gia của nhiều người thì tiêu cực có khả năng xảy ra.

Nhiều năm làm công tác GD&ĐT, lãnh đạo của 1 trường ĐH ở Hà Nội cho biết: Chấm thi có PA 83 và thanh tra giám sát nhưng chỉ là giám sát vòng ngoài, không thể quan sát được bên trong phòng chấm thi.

"Bài thi trắc nghiệm làm bằng bút chì, nếu có chỉnh sửa cũng không thể phát hiện ra. Có thể sửa trước khi đưa vào máy quét. Thậm chí, nếu thí sinh để trống không tích thì cũng có thể tô hộ thí sinh trong 1 thời gian rất nhanh" - vị này nói.

Chung quan điểm, ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: Để kết luận được có gian lận hay không là rất khó. Theo quy trình chấm thi mà Bộ mới công bố, nếu chấm lại bằng máy cũng không thể phát hiện ra mà chấm lại bằng tay cũng khó vì không kiểm tra được thí sinh tẩy xóa hay ai tẩy.

Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: HH

Chấm thi đưa về Bộ GD&ĐT hoặc các trường ĐH

Bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020. Như vậy, ít nhất trong 2 năm tới, cách thi "2 trong 1" này vẫn được duy trì. Trước khi Bộ GD&ĐT có tổng kết và đưa ra phương thức mới, dư luận xã hội lo lắng, với cách chấm thi, coi thi giao cho địa phương chủ trì như hiện nay chính là "lỗ hổng" cho tiêu cực xảy ra.

Để giải bài toán trên, lãnh đạo các trường cho rằng, cần đưa về Bộ GD&ĐT chấm, hoặc giao cho các trường ĐH.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội khẳng định: Nhìn phổ điểm là biết điểm thi ở Hà Giang có bất thường, chắc chắn đây là lỗi ở khâu chấm thi. Tỉnh Hà Giang có điểm 9 trở lên chiếm 1% cả nước, cao hơn các tỉnh có truyền thống hiếu học như Hà Nội 0,5%; Nam Định 0,4%...

Bất thường như vậy bất công lớn nhất với các em thí sinh, có người gian lận đỗ, có người thi thật lại trượt.

Để khắc phục tình trạng này, khâu chấm thi cần quy về 1 mối là Bộ GD&ĐT hoặc tập trung thành 1 - 2 điểm chấm. Điều này không ảnh hưởng vì chấm bằng máy rất nhanh.

Đại diện lãnh đạo 1 trường ĐH ở Hà Nội cũng cho rằng: Nên đưa về cho Bộ GD&ĐT hoặc các trường ĐH chấm chứ nếu giao tỉnh nào chấm tỉnh ấy rất dễ có "lỗ hổng".

Nói về hướng giải quyết, vị này cho biết: Bây giờ kiểm tra chỉ có cách, gọi các em thí sinh lên làm 1 đề thi tương tự, nếu thí sinh làm được điểm tương đương thì chấp nhận, còn thấp thì có vấn đề. Khi đã chắc chắn có vấn đề thì phải hủy kết quả thi. Và có phương án nào đó cho thí sinh.

Mong muốn các trường ĐH được tham gia sâu hơn vào khâu chấm thi cũng là nguyện vọng của Trưởng phòng Đào tạo ĐH Giao thông Vận tải. "Nếu có thể, Bộ nên giao cho các trường ĐH chủ trì các điểm thi như năm 2016, thay vì để các Sở GD&ĐT chủ trì và các trường ĐH phối hợp như hiện nay.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm