Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phổ cập giáo dục mầm non vào 2015: "Phải có phép mầu"

Thứ ba, 16/09/2014 - 21:00

(Thanh tra) - Từ nay đến năm 2015, chỉ có 1 phép mầu mới có thể giúp 51 tỉnh, TP chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi đạt được chuẩn trong thời gian đó.

Hội nghị "Tham vấn chuyên gia về chính sách pháp luật GDMN" ngày 16/9. Ảnh: Hải Hà

Đó là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) tại Hội nghị "Tham vấn chuyên gia về chính sách pháp luật GDMN" do Ủy ban này tổ chức ngày 16/9.

Tiến độ... "rùa bò"


Theo Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về GDMN của Bộ GD&ĐT gửi Ủy ban VHGDTN&NĐ, tiến độ thực hiện Quyết định (QĐ) số 239/2010/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 rất chậm. Theo QĐ 239, đến cuối năm 2012 phải có 85% số tỉnh, TP trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập. Tuy nhiên, đến nay (tháng 9/2014, tức là sau thời hạn nêu trong QĐ 239 gần 2 năm) mới có 13 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương  được công nhận đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 20,63%. Ở 1 số vùng, tỷ lệ các xã và huyện được công nhận đạt chuẩn còn rất thấp như: Vùng Đồng bằng sông Cửu long chỉ đạt 40,9% số xã và 4,1% số huyện; vùng Đông Nam bộ (trừ TP Hồ Chí Minh đạt 55,3%) đạt 19,4%; Nam Trung bộ 15,6%.

Từ những con số trên, GS Thuyết khẳng định: Từ nay đến 2015, còn 15 tháng, chỉ có 1 phép mầu mới có thể giúp 51 tỉnh, TP chưa đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đạt được chuẩn trong thời gian đó.

Phổ cập GDMN vào 2015: "Phải có phép mầu". Ảnh: Hải Hà

Chung quan điểm, PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng: Theo kế hoạch năm 2012 phải có 85% số tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và năm 2015 hoàn thành phổ cập trong phạm vi cả nước là điều rất khó khăn trên thực tế, bởi hiện nay, GDMN ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nói chung còn nhiều khó khăn, thiếu giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp.

Không chỉ các chuyên gia giáo dục mà chính Bộ GD&ĐT trong dự thảo báo cáo cũng thừa nhận: Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, khó đạt được vào năm 2015....

Một số nguyên nhân được Bộ GD&ĐT giải thích là: Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ phòng học mới chỉ đạt 55,15%, vẫn còn 11.081 phòng học tạm (7,4%), 12.530 phòng học  nhờ, mượn (7,8%); cả nước còn thiếu hơn 25.000 giáo viên mầm non; hàng nghìn lớp tư thục chưa được cấp phép do cơ sở vật chất không bảo đảm an toàn cho trẻ; một số khu công nghiêp, khu đô thị không có cơ sở GDMN buộc người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát (chưa được cấp phép)...

Xã hội hóa GDMN

Đến năm 2015, phổ cập GDMN khó về đích đúng tiến độ, nhưng chắc chắn nó phải được hoàn thành trong tương lai gần. Để đạt mục tiêu đó, đa số các đại biểu tham dự đều chung quan điểm là cần phải xã hội hóa GDMN.

GS Thuyết cho rằng, trong hoàn cảnh nguồn lực có hạn, xã hội hóa là giải pháp rất quan trọng để phát triển GDMN. Để đẩy mạnh xã hội hóa, thì Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

"Trước thực trạng chỉ có 21,2% trẻ em dưới 3 tuổi được đến nhà trẻ và GDMN cũng không phải lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư, nên lúc này cần coi việc phát triển các nhóm trẻ gia đình, xem đây là một giải pháp quan trọng để toàn bộ trẻ em được đến lớp. Đây cũng là cách giải quyết công ăn việc làm cho người dân", GS Thuyết cho hay.

Bà Trần Thị Tâm Đan khẳng định: Để tạo điều kiện cho các cơ sở GDMN vươn lên giải quyết vấn đề chất lượng, yếu tố cốt lõi vẫn là đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hóa và học phí. Ảnh: Hải Hà

Đồng quan điểm với GS Thuyết cần phải xã hội hóa GDMN, bà Trần Thị Tâm Đan đưa ra 2 hướng xã hội hóa. Cụ thể:

Thứ nhất, cần phải có chính sách mạnh tay hơn để khuyến khích tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở GDMN bằng các chính sách như giao đất sạch; miễn, giảm thuế đối với các trường mầm non ngoài công lập; cơ quan Nhà nước tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên của các trường mầm non tư thục. Trên thực tế, việc tạo quỹ đất cho phát triển cơ sở vật chất cho GDMN chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, cần đổi mới cơ chế tài chính đối với các trường mầm non công lập trên cơ sở tính đủ chi phí của nhà trường và xác định cụ thể tỷ lệ ngân sách Nhà nước cấp và tỷ lệ nguồn thu từ học phí trên cơ sở bảo đảm cho nhà trường đủ tài chính để hoạt động. Nhà nước cần tập trung hỗ trợ học phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Trần Thị Tâm Đan khẳng định: Để tạo điều kiện cho các cơ sở GDMN vươn lên giải quyết vấn đề chất lượng, yếu tố cốt lõi vẫn là đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hóa và học phí.


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm