Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Non cao có những người thầy

Bài và ảnh: Đơn Thương

Thứ năm, 18/11/2021 - 17:42

(Thanh tra) - Ở đâu đó giáo dục còn có tiêu cực, còn phải nêu khẩu hiệu để bàn, để chống các mặt trái, làm hình ảnh thầy cô giáo nhạt nhòa thì tôi tin rằng những ngàn non tôi đã đi qua hình ảnh giáo viên vẫn rực rỡ và vẫn được người dân coi trọng nhất.

Bằng sự vượt khó của thầy cô giáo, Trường Dân tộc Nội trú Bố Trạch đã được dựng lên giữa đại ngàn. Ảnh: ĐT

Ở những nơi này, vị thế thầy cô giáo được các em đưa lên vị trí thứ hai sau bố mẹ mình. Vì sao vậy, vì họ đóng góp, đến với học sinh bằng sự yêu thương và bằng sự kính trọng đối với nghề của mình.

Đạo thầy nơi địa đầu tổ quốc

Trong 52 đơn vị trường học, được coi như “con mắt tiền tiêu về giáo dục” cho 19 xã hiện có của cao nguyên đá Đồng Văn, thì trường Lũng Cú được coi là trường "cao niên" nhất.

Năm 1958, trường này đã có giáo viên lên dạy chữ cho học trò người Mông. Những người này một số đã trở thành thiên cổ, một số đã thuyên chuyển công tác và nghỉ hưu.

Hơn 60 năm thành lập, từ thế hệ những người thầy đầu tiên có mặt ở đất này, đến nay giáo viên trên địa bàn xã Lũng Cú vẫn giữ một nguyên tắc 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng dạy) với người dân.

Ngày trước do cuộc sống khốn khó, trẻ em ở Lũng Cú bỏ học nhiều lắm. Không quản khó ngại, những người thầy, người cô ở đây đã vượt đá đến từng nhà động viên các em. 63 năm, tất cả các thế hệ giáo viên ở Lũng Cú đều đến, làm việc đó, chấp nhận khó khăn và khí hậu nghiệt ngã để gọi các em đến trường.

Từ ngày có chủ trương xoá mù, các lớp học bán trú dân nuôi dần được hình thành, Lũng Cú đã đông học sinh hơn. Các em học sinh  ở các xóm xa nhất trong xã như Lô Lô Chải, Cẳng Tằng, Tả Gia Khâu... đã được đến lớp, có cái ăn no bụng để ở lại trường.

Tình thầy trò là một thứ tình nghĩa thiêng liêng, nhưng ở miền cao nguyên ngút ngàn đá này, tình thầy trò đằm thắm hơn bao giờ hết. Thầy ở đây không chỉ có nghĩa là người truyền dạy chữ mà họ đã trở thành người anh, người bạn của học sinh người Mông. Ngoài việc lên lớp dạy chữ, thầy cô giáo ở Lũng Cú còn đi nương, đi rẫy, cắt tóc, gội đầu... giúp học sinh.

Trên cao nguyên đá Đồng Văn, thầy giáo, cô giáo chiếm một vị trí quan trọng trong tinh thần người dân. Thế nhưng để có được một vị trí đó, họ đã phải chấp nhận khó khăn đến khó lý giải. Lên cao nguyên đá, đầu tiên là sự khó khăn, sau đó là tình người, tình thầy trò đã cho họ một nghị lực thích nghi để ở lại và dạy chữ. Bất chấp mọi khó khăn khắc nghiệt, vì đạo làm thầy, hiện tại đã có hàng nghìn giáo viên xung phong lên đây để dạy học.

Đời sống sinh hoạt của giáo viên vùng cao khốn khó đủ đường! Hàng nghìn giáo viên, họ phải toả đi 224 xóm, bản để dạy học. Người may mắn thì ở điểm trường gần, người kém may mắn thì phải vào điểm trường xa, có nơi cách trung tâm huyện tới gần 50 km đường đá núi như xã Sủng Chái chẳng hạn. Giáo viên ở đây, muốn ra huyện để mua một cái gì đó đi bộ cũng mất hơn 1 ngày. Năm đôi lần ra huyện mua sắm những thứ cần dùng, tíu tít tìm bạn cũ, vừa khóc, vừa cười, ăn với nhau được bữa cơm lại quẩy quả vào trường.

“Gieo chữ” trên đỉnh Trường Sơn

Con đường 20 huyền thoại một thời đến nay vẫn là con đường hoang vắng bậc nhất. Để vượt gần 50km trên con đường ấy, lên với các thầy trò ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) người ta phải mất gần 1 ngày trời mải miết đi xe máy.

Ấy thế mà hôm chúng tôi lên, gặp ông Đinh Cu - Chủ tịch xã ở cái vùng xa ngất này, ông bảo, chả ai bằng các thầy cô giáo cả. Họ đã tìm lên, đã “đánh bạn” với con em người Ma Coong, dạy chữ cho chúng nó từ lâu lắm rồi!

Trước, như thường lệ, Trường Dân tộc Nội trú của huyện Bố Trạch được đặt ở dưới trung tâm huyện. Mỗi tuần, huyện cắt cử một chuyến xe tải dã chiến lên để đón các em ở hai xã vùng sâu, xa nhất của huyện là Tân Trạch và Thượng Trạch về học. Tạo điều kiện là thế, nhưng do đi lại trên con đường có một không hai này học sinh đã sợ và bỏ rất nhiều. Trường vắng, lớp vắng, có thời Trường Dân tộc Nội trú này của huyện gần như bị xóa sổ.

Nhờ thầy giáo mà nhiều trẻ em Đồng Văn đã được đến trường. Ảnh: ĐT

Sau rất nhiều tính toán, vì học sinh và sự khai sáng cho các lớp trẻ nơi sát biên giới Việt - Lào này, huyện đã quyết định đưa trường lên đây. Đưa trường lên, thuận cho học sinh nhưng lại sợ không có thầy. Nhưng lạ thay, khi đưa ra ý kiến thăm dò thì đã không ít thầy cô giơ tay quả quyết lên đất khó này với học trò. Thế là trường có thầy, có cô, có trò, tiếng trống vang lên giữa đại ngàn và tíu tít những bước chân trẻ.

Có lẽ không ở đâu sự vất vả của thầy cô giáo lại có thể cô đọng như những người làm nghề dạy học ở đây. Phần lớn 18 thôn bản của Thượng Trạch này dân đều lạc hậu. Dân lạc hậu lên dẫn đến trình độ và sự thích nghi của trò cũng không cao. Các em dè dặt, sợ sệt và sống hết sức bản năng. Vậy nên để các em học được cái chữ thì giáo viên ở đây phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai thao tác: Vừa dậy - vừa dỗ trò. Nếu không kết hợp được hai yếu tố này thì học sinh sẽ bỏ trường, bỏ lớp về bản ngay.

Dậy và dỗ vất vả là vậy nhưng những cái cho cuộc sống của mình thầy cô giáo nơi đây cũng trăm lần cơ cực. Muốn mua gì, bán gì thì tuần chỉ một lần ngóng cổ lên con dốc nơi đầu xã để ngóng những chuyến xe tải ì ạch nhả khói bò vào. Muối mắm, thức ăn, lương thực, xà phòng… đều chỉ có chuyến xe ấy.

Nhưng kì lạ thay, vượt lên tất cả những gian khó ấy, vì học sinh, vì tương lai một vùng đất, trường vẫn được dựng lên và thu hút học sinh tới học. Bằng sự hy sinh đúng chất và đúng nghĩa nhất của những người thầy, người cô, từ cuộc sống gần như tự cung tự cấp và phụ thuộc vào tự nhiên thì nay Thượng Trạch đã có những học sinh vượt núi ra phố thị học ở những trường cao đẳng, trung học và chuyên nghiệp dậy nghề. Và trong mắt các em học sinh nơi đây, tôi tin, hình ảnh người thầy, người cô vẫn là những gì thiêng liêng và thanh khiết nhất.

Tình thầy ở miền đất đỏ

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 cây số, Ea Rớt là xã vùng xâu, vùng xa của huyện Krông Bông. Trước đây Ea Rớt chưa thành thôn. Thôn này bắt đầu “có tên” và được thành lập từ đầu những năm 1990 do các hộ dân tộc Mông, Tày, Dao, Hà Nhì ở khu vực phía Bắc di cư vào. Đến năm 2011 thôn chính thức được thành lập.

Một lớp học “cắm bản” ở Đồng Văn. Ảnh: ĐT

“Bám theo” các hộ dân di cư này là các bé em đang độ tuổi đến trường. Vì tương lai của các em các lớp học đã phải dựng lên ở đây. Cô giáo được phân về và Phân hiệu Trường Tiểu học có tên Cư Pui cũng bắt đầu hình thành từ đó với hình ảnh các giáo viên và tiếng ê a ngân lên trong mỗi độ sáng chiều.

Dạy lớp 1 ở đây là rất quan trọng, cần người có khả năng đặc biệt vì học sinh ở đây phần lớn đều không biết tiếng phổ thông. Vậy nên, muốn dạy chữ cho các em trước tiên là cô giáo phải dạy tiếng đã. Tiếng xong rồi mới đến chữ và nghĩa.

Một bài giảng theo quy định, có thể chỉ dạy trong 1 tiết nhưng ở đây các thầy, các cô phải “đánh vật” với học sinh đến cả 2 - 3 ngày trời vì cái việc vừa dạy tiếng vừa dạy chữ cho trò. Dạy lớp 1 ở đây phải đáp ứng được yêu cầu vừa dạy, vừa dỗ thì mới tạo được sự phấn khích cho các em đến trường, níu kéo các em ở lại lớp.

Các thầy, cô giáo ở đây, người có gia đình, người thì chưa có người yêu, chung lưng đấu cật, chia sẻ cùng nhau những vui buồn và lấy nghề dạy học làm nguồn vui, niềm an ủi động viên duy nhất cho mình. Khó khăn là vậy nhưng vì trẻ, vì nghiệp họ vẫn bám trụ theo nghề.

Bình dị mà cao quý, yêu nghề và trọng nghề, những thầy cô tôi đã gặp ở non cao này đã ngày đêm góp sức để làm cho cái nghề “cao quý trong tất cả các nghề cao quý” ngày càng cao quý hơn!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm