Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhận diện một kiểu “cống nộp”

Thứ ba, 04/03/2014 - 11:30

(Thanh tra) - Vừa qua, ngành Giáo dục Hà Tĩnh xôn xao về việc hiệu trưởng hai trường công lập ở huyện Vũ Quang bị tố thu tiền của giáo viên để cảm ơn xã vì trường được hưởng chính sách 135. Từ sự việc trên dư luận quan tâm đến tệ nạn “lại quả” từ nguồn cấp ngân sách. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có sự thỏa thuận “của đồng chia ba, của nhà chia đôi”. Vậy đâu là sự thật?

Trường Tiểu học Đức Bồng huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tư liệu

Ngày 4/4/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn.

Ngày 10/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2405/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014, 2015.

Theo đó, có 2.333 xã của 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc diện đầu tư của chương trình này. Nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách trung ương và địa phương. Xã Đức Lĩnh và xã Đức Bồng huyện Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. 

Trong nhiều nội dung đầu tư cho xã, có hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường lớp địa phương và giáo viên được hưởng các chế độ ưu đãi, thu hút, trợ cấp ban đầu, thâm niên... Cụ thể: Giáo viên giảng dạy cấp Tiểu học và THCS ở xã thuộc Chương trình 135 được hưởng thêm 70% lương (chế độ ưu đãi) và 70% lương (chế độ thu hút), hưởng trợ cấp ban đầu trên 4 triệu đồng, ngoài ra còn được hưởng thâm niên theo các năm phục vụ và các chế độ cấp phát khác.

Như vậy, tổng thu nhập của một giáo viên ở xã thuộc Chương trình 135 cao hơn 2 lần so với một đồng nghiệp có cùng mức lương đang giảng dạy ở trường không thuộc diện này.

Thực tế các năm qua cho thấy, một số địa phương chưa đủ các điều kiện để được xếp vào diện Chương trình 135, cho nên mới có hiện tượng lãnh đạo xã phải “chạy” để đủ các tiêu chí. Khi xã thuộc diện chính sách, thì trường mới được ăn theo. Đó là nguồn gốc sâu xa để nhà trường phải hiểu và phải tỏ thái độ biết ơn đối với những người “có công” của UBND xã.

Trường THCS Bồng Lĩnh (xã Đức Lĩnh) và Trường Tiểu học Đức Bồng (xã Đức Bồng được hưởng diện chính sách 135. Để cảm ơn lãnh đạo địa phương, hiệu trưởng hai trường đã gợi ý mỗi giáo viên góp một khoản tiền mua quà tặng cho xã. Một số giáo viên không đồng ý nhưng phần đa các giáo viên đã phải nộp. Hiệu trưởng nói góp tiền mua quà tặng nhưng thực chất lại đưa tiền mặt đến cho UBND xã. Cụ thể: Trường Tiểu học Đức Bồng có 22 giáo viên góp được 17 triệu đồng; Trường THCS Bồng Lĩnh có 65 giáo viên, mỗi người trích một phần tháng lương đầu tiên nhưng Hiệu trưởng không cho biết tổng số tiền là bao nhiêu.

Khi vụ việc vỡ lở, lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang thừa nhận: Việc đóng tiền mua quà cho xã là do chính quyền xã và hiệu trưởng hai trường đề ra. Huyện đã yêu cầu trường thu lại tiền và trả lại cho giáo viên, giao Phòng Giáo dục huyện kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những người có liên quan. 

Sự việc đáng buồn cho ngành Giáo dục Hà Tĩnh đang được dư luận đặt ra một số câu hỏi: Trường cảm ơn xã với mục đích gì? Nếu như xã đủ các điều kiện để liệt vào diện chính sách 135 thì nghiễm nhiên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhà trường cũng nghiễm nhiên được hưởng các chế độ ưu tiên đó. Cũng có những ý kiến cho rằng, hiện tượng tiêu cực nêu ra ở trên là hệ lụy của cơ chế “xin, cho” mới có cách hành xử ngược đời như vậy.

Qua tìm hiểu các giáo viên giảng dạy ở hai mái trường trên được biết, giáo viên ở vùng khác lên đây dạy, đường xá xa xôi, trong khi chỗ ở tập thể của trường chưa đầy đủ và nhiều thiếu thốn khác họ chưa thể khắc phục được. Việc họ được hưởng thêm một khoản tiền ngoài lương cũng là chính đáng, giúp họ khắc phục khó khăn để hoàn thành công tác giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa.

 Lộc Nga

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm