Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhà Sử học lỗi lạc, tiến sĩ đầu tiên ở xứ Thanh

Văn Thanh

Thứ năm, 03/02/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Lê Văn Hưu, sinh năm 1230 (Canh Dần), là người làng Phủ Lý (Kẻ Rị), nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo gia phả họ Lê Lương, khi sinh ra, Lê Văn Hưu đã mồ côi bố, nhưng được mẹ tận tâm nuôi dạy lớn khôn và cho theo học thầy đồ họ Nguyễn ở làng Phúc Triền (Kẻ Bôn). Năm 16 tuổi, Lê Văn Hưu được thầy gả con gái lớn cho làm vợ.

Đền thờ Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đang được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: VT

Vị tiến sĩ đầu tiên ở xứ Thanh

Quá trình dùi mài kinh sử, năm Đinh Mùi 1247, Lê Văn Hưu thi đỗ bảng nhãn. Đây là khoa thi đặc biệt, khi danh hiệu tam khôi thuộc về 3 học trò trẻ tuổi Nguyễn Hiền (12 tuổi đỗ Trạng nguyên), Lê Văn Hưu (17 tuổi đỗ Bảng nhãn), Đặng Ma La (14 tuổi đỗ Thám Hoa).

Năm 24 tuổi, Lê Văn Hưu được làm quan Hàn lâm viện Thị độc.

Năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long 15 (1272) đời vua Trần Thánh Tông, được làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, hoàn thành bộ Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ đế (năm 208 đến 137 trước Công nguyên) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), gồm 30 quyển, dâng lên vua và được khen ngợi có tài viết sử.

Năm 45 tuổi, Lê Văn Hưu được thăng chức Thượng thư bộ Binh.

Từ bộ quốc sử đầu tiên, quan sử các triều đại sau này đã biên soạn lại và bổ sung những giai đoạn lịch sử nối tiếp.

Lê Văn Hưu được xem là vị tiến sĩ đầu tiên của xứ Thanh, mở đầu con đường khoa cử cho vùng đất này. Hiện, trong đền thờ Lê Văn Hưu còn ghi câu đối: Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam Bắc Đông Tây Sơn Đẩu vọng/Vĩnh Thanh Hoa địa, y quan chương phú lý dư hương. Nghĩa là: Đặt nền Thiệu Hóa, khắp Nam Bắc Đông Tây trông về Thái Sơn Sao Đẩu/Vững đất Thanh Hoa, văn chương áo mũ thơm làng xóm quê hương.

Sau khi thi đỗ làm quan, vua cho Lê Văn Hưu dạy Hoàng tử Trần Quang Khải, người sau này trở thành Thượng tướng quân đầy uy dũng trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Về sau này, Lê Văn Hưu cáo quan trí sĩ tại quê nhà và mất ngày 23/3 năm Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi.

Ngày nay, phần mộ Lê Văn Hưu được chôn cất ở xứ Mả Giòm có tấm bia dựng năm 1867 đề “Bảng nhãn Lê tiên sinh bi ký”.

Năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia.

Đền thờ được xếp hạng di tích cấp quốc gia

Di tích Lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu tọa lạc trên đất xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Từ xa xưa, nhân dân địa phương vẫn quen gọi đền thờ Lê Văn Hưu. Tổng thể ngôi đền xưa có quy mô rộng lớn, có tiền đường, hậu cung, gác chuông, hồ nước, giếng rồng, bia đá, cột đá và nhiều đồ thờ có giá trị khác. Để thuận tiện cho việc hành lễ tại đền, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng thêm một ngôi nhà nhỏ bằng vật liệu gạch, ngói, gỗ, tre, luồng... tại vị trí đất liền kề với chùa Hương Nghiêm để làm nơi thờ tự Nhà Sử học Lê Văn Hưu.

Năm 2018, đền thờ Lê Văn Hưu được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Theo đó, ngày 26/12/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 5293/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu. Mục tiêu đầu tư hoàn thiện công tác tu bổ và tôn tạo khu di tích nhằm tri ân những đóng góp của nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử phát triển của dân tộc, đồng thời xây dựng di tích trở thành địa điểm tưởng niệm, giáo dục truyền thống lịch sử gắn với mục tiêu phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.

Quy mô đầu tư gồm tôn tạo đền thờ chính gồm tiền bái, hậu cung, nhà từ đền, nhà bia, bình phong, am hóa vàng, tứ trụ, cổng sang chùa, nhà vệ sinh, giếng, sân, đường nội bộ và hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2018-2020, trong đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để hoàn thành đầu tư các hạng mục đền thờ chính là tiền bái, hậu cung, vốn ngân sách huyện, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác gần 20 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục còn lại.

Căn cứ vào kế hoạch cũng như tiến độ thời gian đầu tư xây dựng, công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu thời gian thực hiện và hoàn thành dự kiến từ năm 2018 đến 2025.

Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2018 - 2020, với tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục đầu tư giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho 6 hộ gia đình để dành phần đất thực hiện dự án; xây dựng, tôn tạo đền thờ chính có kiến trúc chữ Đinh (tiền bái 5 gian 1 tầng mái đao và hậu cung 3 gian kiểu tường hồi bít đốc) bằng gỗ lim, phỏng theo kiến trúc đình đền truyền thống Việt Nam; đầu tư hệ thống nội thất đồ thờ và đồ tế tự cho đền thờ chính.

Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2020 - 2025, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 15 tỷ đồng, gồm các hạng mục đầu tư giải phóng mặt bằng (phần diện tích đất mở rộng còn lại của dự án; xây mới cổng tứ trụ theo hình thức truyền thống; xây dựng nhà từ đền 5 gian bằng gỗ lim, hình thức kiến trúc kiểu tường thu hồi bít đốc; hệ tường bao xây gạch chỉ trát vữa xi măng, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài dưới có ngói lót, xây cổng phụ ngăn cách giữa khuôn viên đền Lê Văn Hưu và chùa Hương Nghiêm, xây nhà bia, xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, am hóa vàng, bình phong, giếng ngọc, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sân đền, đường giao thông, khuôn viên cảnh quan cây xanh, tạo nên một tổng thể ngôi đền hài hòa và trang nghiêm.

Có thể nói, đến nay, Lê Văn Hưu vẫn là một tấm gương sáng để xứ Thanh tự hào, đồng thời giáo dục cho các thế hệ con cháu noi theo. Hiện, có nhiều tuyến đường ở TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn lấy tên Lê Văn Hưu và một trường THPT mang tên Lê Văn Hưu ở huyện Thiệu Hóa nhằm tưởng nhớ đến vị tiến sĩ, Nhà Sử học đầu tiên của xứ Thanh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm