Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Hiếu
Thứ sáu, 03/03/2023 - 16:48
(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Tuyển sinh 2023 diễn ra sáng ngày 3/3 tại Trường Đại học VinUni.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP
Nhiều tồn tại trong công tác tuyển sinh năm 2022
Chia sẻ về kết quả công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, triển khai công tác tuyển sinh năm 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) Nguyễn Thu Thủy, cho biết, năm 2022, đã có một mùa tuyển sinh hiệu quả. Những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực cho mùa tuyển sinh năm 2022.
Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.
Các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.
Bộ GDĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.
Bà Thủy cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế còn tồn tại trong công tác tuyển sinh 2022 như một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học.
Hoặc sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển có thể gây nhiễu thông tin, nhiều phương thức ít thí sinh đăng ký, chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Do đó, mỗi cơ sở đào tạo cần đánh giá hiệu quả của các phương thức xét tuyển.
Còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên hệ thống theo quy định. Hay việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…
Để giải quyết những vấn đề này, bà Thủy cho rằng, các trường cần tăng cường hướng dẫn cho thí sinh, thầy cô cần nắm vững quy trình, quy chế của bộ, quy chế của trường, và quy chế tuyển sinh riêng. Cơ quan quản lý cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.
Không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, quy chế tuyển sinh năm nay không thay đổi, chỉ có một nội dung có điều chỉnh, đưa vào từ năm 2022 và năm nay áp dụng, đó là cách tính điểm ưu tiên.
Đối với những quy định khác liên quan đến xác định chỉ tiêu tuyển sinh, có những điểm bất cập các trường đã phản ánh, đề xuất, Vụ GDĐH tiếp thu để chỉnh sửa tối đa, để đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, số lượng ngành thí điểm rất lớn, qua một thời gian, các trường thí điểm tuyển sinh, nhưng thực sự nhiều ngành có thể nói là chương trình mới hay là chuyên ngành mới chứ không phải là ngành mới. Thực ra việc hình thành một ngành mới không hề đơn giản, không thể quá nhiều ngành mới hình thành trong thời gian ngắn như vậy. Ngành mới được phát triển dựa trên cơ sở một hoặc một số ngành đã có, và có một thời gian để xác định từ việc căn cứ thực tiễn, đối sánh thực tế, nhu cầu, về xây dựng chương trình đào tạo…
Về nội dung này, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm 2022, đã có thông tư quy định về danh mục ngành đào tạo, trong đó có xây dựng ngành thí điểm. Bộ GDĐT sẽ thúc đẩy để hội đồng, các ban chuyên môn sớm có văn bản ban hành năm nay.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị, các trường sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình. Đối với các trường tổ chức kỳ thi độc lập, đề nghị lưu ý hoàn thiện quy chế thi của mỗi trường. Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện văn bản hướng dẫn tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH, Bộ GDĐT đã hoàn thành, nghiệm thu và đã tổ chức tập huấn các trường đại học để sử dụng. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH.
Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh từ xác định chỉ tiêu cho đến việc đăng ký nhập học sau này sẽ liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS.
Các trường đại học tổ chức thi riêng, cũng như tổ chức thi năng khiếu cũng có thể làm việc với Bộ GDĐT để mở Cổng cập nhật dữ liệu. Việc cập nhật dữ liệu này sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh. Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT... để có thể tổ chức xét tuyển chung.
“Các trường tổ chức xét tuyển sớm, không được phép công bố các em hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Bộ GDĐT dự kiến cho thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 5/7, xác nhận nhập học trước 30/8
Theo dự thảo, mốc thời gian gần nhất là ngày 31/3, sở GDĐT hoàn thiện việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên.
Từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 25/7, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trong thời gian quy định.
Trước 17 giờ 00 ngày 14/8, các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Trước 17 giờ 00 ngày 30/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ 4/7.
Từ ngày 5/7 đến 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GDĐT. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 26/7, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 30/8.
Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GDĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 20/7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn hai tuần, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn một tháng so với mốc 17/9 và 30/9 của năm 2022.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền