Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ tư, 20/11/2024 - 08:19
(Thanh tra) - Có một lớp học “đặc biệt” giữa lòng Thủ đô Hà Nội, nơi đó mỗi em học sinh là một hoàn cảnh "đặc biệt", các em không cùng độ tuổi, không chung trình độ, nhưng cùng nhau học chung dưới một lớp học mang tên... "tình thương".
Lớp học “đặc biệt” của cô Huyền trong buổi học cắm hoa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: HH
Chúng tôi đang nhắc tới là lớp học của cô Phạm Thị Huyền (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Suốt hơn 26 năm qua, cô Huyền mở lớp học này để "gieo con chữ” cho các em học sinh có hoàn cảnh "đặc biệt".
Lớp học của... "tình thương"
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, cô Huyền ngâm nga bốn câu thơ trong bài "Có một nghề như thế" để nói về tình yêu của mình với nghề cô theo đuổi trong suốt cuộc đời:
"Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất
Có một nghề không trồng hoa trên đất
Mà cho đời những đóa hoa thơm"
Cô chia sẻ, những câu thơ giản dị, tôn vinh nghề giáo của Nhà giáo Ưu tú Đinh Văn Nhã đã tiếp thêm cho cô sức mạnh để tiếp tục gắn bó với “nghề cao quý nhất” này.
“Trước kia, tôi là giáo viên của một ngôi trường ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1997, vì điều kiện gia đình, tôi xuống Hà Nội. Khi ấy, tôi ngạc nhiên lắm, bởi ngay giữa Thủ đô, xung quanh nơi nhà tôi ở lại có nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường”, cô nhớ lại.
Qua tìm hiểu, tôi biết đó là những trẻ em nghèo đến từ những tỉnh, thành xa theo bố mẹ về Hà Nội kiếm sống và còn có cả những đứa trẻ mô côi, hàng ngày phải lang thang bán báo dạo, bán vé số, tăm bông... không được đến lớp. Các em đều mù chữ.
"Nghĩ đến hoàn cảnh của các em, tôi thương lắm. Sẵn "ngọn lửa" yêu nghề, năm 1998, tôi mở lớp học ngay tại ngôi nhà vẻn vẹn hơn 30m2 của gia đình ở phường Hạ Đình. Ban đầu lớp chỉ có 6 học sinh, nhưng sau học sinh xin vào lớp tăng dần và duy trì ở mức 10 - 15 em”.
Những ngày đầu, cô Huyền tự bỏ tiền mua sách vở cho các em học. Thương học sinh đi học bụng đói, cô mua đồ nấu ăn cho các em. Thời gian đầu đi học, nhiều bạn chưa quen, ngủ quên không đến lớp, cô lại đi gõ cửa từng nhà trong xóm trọ gọi các em đi học.
"Thủa ban đầu tôi rất khó khăn, không có tiền cũng không có sẵn phòng học. Tôi đã phải bán cả chiếc ghế sofa của gia đình để lấy tiền mở lớp học cho các em”, cô Huyền nhớ lại.
26 năm mở lớp thì có 14 năm cô Huyền dạy ngay tại ngôi nhà chật chội của mình. Chỉ khi nhà cô nằm trong diện giải tỏa, lớp học mới chuyển sang học tại nhà hội họp G5, phường Thanh Xuân Nam.
Cô chia sẻ: "Động lực để tôi có thể vượt qua những ngày tháng đó chính là tình yêu với nghề giáo và tình thương với các em học sinh nghèo, những người có hoàn cảnh không may mắn".
Kể từ ngày mở lớp học tới nay, học sinh của cô Huyền được học hoàn toàn miễn phí. Đến lớp, các em không chỉ được dạy kiến thức mà còn được dạy cách làm người, rèn luyện tính kiên trì và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống...
Những câu chuyện, những đề văn về đạo hiếu, nghĩa cử cao đẹp thường là những nội dung được cô ưu tiên trong quá trình giảng dạy.
Trong câu chuyện với chúng tôi, cô không kể nhiều về mình mà dành phần lớn thời gian tâm sự về những em học sinh “đặc biệt”.
Học sinh của cô mỗi người một cảnh, đó là bác xe ôm muốn biết chữ để đọc được tên đường phố của Hà Nội; đó là những em học sinh chậm phát triển trí tuệ, bị trầm cảm, tự kỷ, hay suy dinh dưỡng; và ở đó cũng có cả những em sức khẻo bình thường, nhưng hoàn cảnh gia đình lại éo le...
Năm học này, lớp của cô có 13 học sinh. Em nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất 35 tuổi. Cùng một lớp học nhưng các em lại có trình độ khác nhau. Có em mới chỉ là "tờ giấy trắng" chưa biết đọc, biết viết; có em đã biết đọc, nhưng chưa biết viết; có em biết viết nhưng không biết làm toán...
Học sinh nhiều độ tuổi, trình độ cũng khác nhau, nên cô Huyền luôn phải soạn nhiều giáo án và thay đổi cách dạy linh hoạt, làm sao đảm bảo mỗi buổi học dạy được hết học sinh trong lớp, để không em nào bị “bỏ rơi”.
8h lớp học bắt đầu, nhưng 7h cô đã đến lớp để củng cố kiến thức cho các bạn đến sớm. Khi vào giờ học chính thức, cô giảng bài và giao nhiệm vụ theo từng nhóm.
Ví dụ hôm nay, cô dạy cho nhóm có trình độ lớp 5 trước, rồi lại tranh thủ thời gian các em làm bài để chuyển sang giảng cho nhóm trình độ lớp 4, rồi cứ thế đến lớp 3, 2, 1…
Những khuôn mặt ngây thơ, những bàn tay vụng về xòe ra làm phép tính toán đơn giản hay cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn, nhưng ai cũng miệt mài, chăm chỉ với mong muốn học được “cái chữ”.
"Người mẹ hiền thứ hai"
Cứ như vậy, lớp học “đặc biệt” của cô giáo Huyền duy trì đến nay đã 26 năm. Không dừng ở dạy chữ, cô Huyền còn dành thời gian nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư của các em để động viên, khuyên bảo và hướng dẫn các em cách ứng xử, bảo vệ bản thân, dạy các nấu ăn…
Bất cứ việc gì giúp được học trò cô đều không quản ngại. Biết em hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa lớp học, cô xin tiền mua xe đạp cho học sinh đi học; rồi cô lại đề nghị UBND phường trợ cấp cho gia đình học sinh khó khăn, tìm việc làm cho học sinh lớn tuổi; có lần cô về tận Thanh Hóa làm giấy khai sinh cho 2 học trò trong lớp; thấy học sinh bị bệnh cô mua thuốc, hướng dẫn các em bôi thuốc hàng ngày...
Không phụ lòng cô, tất cả học sinh đến với lớp học của cô Huyền đều ngoan ngoãn, yêu thương nhau, lễ phép và coi cô như "người mẹ hiền thứ hai" của mình.
Từ lớp học ở Hạ Đình hơn 20 năm trước và nay là lớp học G5 phường Thanh Xuân Nam, nhiều em đã hoàn thành học phổ thông, đi học đại học, đi học nghề, có việc làm, có gia đình riêng, là người có ích cho xã hội.
Những “trái ngọt” đó là niềm vui, động lực, là hạnh phúc lớn nhất của cô giáo Huyền, tiếp thêm cho cô sức mạnh trên hành trình thực hiện công tác "xóa mù chữ" ngay giữa lòng Thủ đô.
Cô tâm sự: “Có những người bảo tôi tuổi này sao không nghỉ ngơi, còn đi dạy học làm gì cho vất vả? Tôi luôn vui vẻ trả lời “yêu nghề bao nhiêu, yêu người bấy nhiêu", bản thân tôi luôn hạnh phúc khi được mang kiến thức truyền lại cho học sinh”.
Năm nay đã ở cái tuổi 70, lại mắc bệnh viêm dây thanh quản, nên cô Huyền đã “chọn mặt gửi vàng” cô Lã Thị Bảy - giáo viên dạy Văn đã về hưu của Trường THCS Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh để đồng hành cùng mình.
Hơn 26 năm "chở đò" thầm lặng giữa lòng Thủ Đô, đến nay trong chiếc tủ kính đặt trang trọng ở phòng khách của gia đình cô Huyền có đủ các giấy khen, huy chương của các cấp, ngành, đơn vị ghi nhận những đóng góp của cô cho sự nghiệp giáo dục.
Thế nhưng cô tâm sự “điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả là được ngắm nhìn nụ cười hồn nhiên, hạnh phúc của những học sinh trong lớp học “đặc biệt” của mình”.
Hi vọng, lớp học “đặc biệt” của cô giáo Huyền sẽ luôn được gìn giữ và phát triển để những em học sinh nghèo không có điều kiện được đến trường có một môi trường để học tập…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều năm qua, các thầy, cô giáo đang tác công tác giảng dạy tại điểm trường Phú Hải (thuộc Trường Tiểu học Phú Mỡ, thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) hằng ngày vẫn miệt mài gieo từng con chữ và tình yêu thương cho các em học sinh nơi đây.
N. Phê - L. Bình
11:15 20/11/2024(Thanh tra) - Có một lớp học “đặc biệt” giữa lòng Thủ đô Hà Nội, nơi đó mỗi em học sinh là một hoàn cảnh "đặc biệt", các em không cùng độ tuổi, không chung trình độ, nhưng cùng nhau học chung dưới một lớp học mang tên... "tình thương".
Hải Hà
08:19 20/11/2024Hương Giang
05:30 20/11/2024Hoàng Hiệp – Mạnh Tiến
20:38 19/11/2024Trọng Tài
18:56 19/11/2024Phương Hiếu
18:48 19/11/2024Hải Hà
Văn Thanh
N. Phê - L. Bình
Lâm Ánh
Lâm Ánh
Lê Văn Tường, nguyên Chánh Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa
Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Thu Huyền
Phương Hiếu - Ngọc Bích