Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 20/11/2024 - 05:30
(Thanh tra) - Mở đầu đợt 2 của kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Nhà giáo sáng 20/11. Một trong những vấn đề lớn của dự thảo luật này là chính sách tiền lương, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.
Theo dự thảo luật trình Quốc hội, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật, cũng như tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
Giờ làm việc của nhà giáo có ít hơn công chức, viên chức?
Thảo luận tại tổ về dự thảo luật này vào ngày 9/11, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian thực tế lên lớp của nhà giáo ít hơn thời giờ làm việc của công chức, viên chức. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ về tương quan giữa thời gian làm việc và thu nhập để xác định mức cao hay thấp.
Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định chính sách lương cho phù hợp vì đã quy định lương được xếp cao nhất song lại có thêm những ưu đãi thêm nữa.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ, cơ quan soạn thảo - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, quy định số tiết giảng dạy/tuần với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tính toán trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, chương trình giáo dục, các nhiệm vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm gắn với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo bao gồm: Chuẩn bị và tổ chức giảng dạy, giáo dục, đánh giá với người học; hoạt động học tập, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác.
Những hoạt động nghề nghiệp này được thể hiện thành chế độ làm việc của nhà giáo và được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trên năm hoặc trên tuần theo từng cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm quy định tuần làm việc 40 giờ theo Bộ luật Lao động.
“Mỗi ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù hoạt động nghề nghiệp riêng biệt, nhưng không có việc nhà giáo làm việc với thời gian ít hơn thời gian làm việc của công chức, viên chức khác”, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh, thực tế việc xếp lương nhà giáo chưa bảo đảm tương quan với công chức, viên chức các ngành khác.
Đưa ra dẫn chứng, cơ quan soạn thảo so sánh: Giáo viên phổ thông hạng III - II - I áp dụng bảng lương của viên chức loại A1 (2,34) - A2.2 (4,0) - A3.2 (5,75); trong khi công chức ngạch viên - chính - cao áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) - A2.1 (4,4) - A3.1 (6,2). Hoặc chức danh y tế công cộng hạng III - II - I được áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) - A2.1 (4,4) - A3.1 (6,2).
Nhà giáo có thể hưởng thêm phụ cấp lương từ mức 1 đến 1,8
Vẫn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan điểm “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng.
Để thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, cơ quan soạn thảo dự kiến quy định: Nhà giáo được xếp lương theo thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng thêm phụ cấp lương cơ bản tương ứng với chức danh từ mức 1 đến 1,8. Bảng lương của nhà giáo được sắp xếp lại để bảo đảm tương quan với công chức và với viên chức các ngành khác.
Phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (thăng thêm 5%). Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…
Các nội dung này, theo cơ quan soạn thảo, đã được thể hiện tại dự thảo nghị định quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo và đã được đánh giá tác động.
“Cơ quan soạn thảo không để xuất bảng lương riêng đối với nhà giáo mà sử dụng thang bậc lương hành chính sự nghiệp chung như hiện nay, đồng thời, điều chỉnh các phụ cấp, các quy định xếp lương để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và hoàn toàn phù hợp với ý kiến góp ý của đại biểu quốc hội”, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.
Khẳng định quy định về tiền lương và phụ cấp tại Dự thảo Luật Nhà giáo phù hợp, cơ quan soạn thảo cho hay, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, trong đó sẽ lưu ý đến việc bảo đảm tương quan giữa các cấp học, trình độ đào tạo và tương quan đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác.
Giáo viên mầm non có rất nhiều tâm tư từ khi tăng tuổi nghỉ hưu
Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo luật quy định giáo viên mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng giáo viên tiểu học nữ, nhà giáo giảng dạy ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật, nhà giáo trong các trường khối nghệ thuật, nhà giáo làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm cũng được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi nếu có nguyện vọng.
Giải trình, cơ quan soạn thảo nêu, hiện Bộ luật Lao động đã quy định các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.
Nêu lý do dự thảo luật chỉ bổ sung thêm trường hợp nghỉ hưu sớm với giáo viên mầm non, cơ quan soạn thảo cho hay, theo kết quả nghiên cứu về hiện trạng điều kiện lao động của Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, điểm trung bình cộng các yếu tố trong điều kiện lao động của giáo viên mầm non là 3,69 tương đương với điều kiện lao động loại IV - nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.
“Kể từ khi độ tuổi nghỉ hưu được tăng lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ theo Bộ luật Lao động, giáo viên mầm non có rất nhiều tâm tư”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Cơ quan soạn thảo khẳng định việc giảm độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ý kiến tại nghị trường, đồng thời, nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.
Với các đối tượng nhà giáo khác, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu và đề xuất nếu có đủ căn cứ.
Theo chương trình, đợt 2 của kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 30/11 và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng.
Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, bên cạnh thảo luận về Dự thảo Luật Nhà giáo, Quốc hội sẽ thảo luận chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đặc biệt, trong đợt 2 này, Quốc hội sẽ thảo luận các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024.
Nhiều nghị quyết, luật cũng được Quốc hội xem xét thông qua trong đợt 2 này như Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng….
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 19/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và các văn bản mới của Trung ương cho toàn thể lãnh đạo các địa phương, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện.
Lê Hữu Chính
09:12 20/11/2024(Thanh tra) - Mở đầu đợt 2 của kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Nhà giáo sáng 20/11. Một trong những vấn đề lớn của dự thảo luật này là chính sách tiền lương, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.
Hương Giang
05:30 20/11/2024Hoàng Nam
20:17 19/11/2024Hải Hà
14:53 19/11/2024Hương Giang
10:58 19/11/2024Lê Hữu Chính
Minh Tân
Thu Huyền
Phương Hiếu - Ngọc Bích
Bùi Bình
Lâm Ánh
Thành Nam
Cảnh Nhật
Hải Hà
Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
Thu Huyền
Nam Dũng