Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Hiệp – Mạnh Tiến
Thứ ba, 19/11/2024 - 20:38
(Thanh tra) - 22 tuổi, Hoàng Thị Phương, từ một bệnh nhân khuyết tật trở thành “người mẹ” bất đắc dĩ của nhiều trẻ em tại Trung tâm Tham vấn học đường và can thiệp sớm (Đại học Thủ đô Hà Nội).
Những lớp học từ vựng của Phương sẽ giúp các em phần nào cải thiện được khả năng ngôn ngữ. Ảnh: Mạnh Tiến
Ở đây, mỗi em đều gặp những khiếm khuyết thể chất hoặc tinh thần khác nhau, nhưng điểm chung là đều nhận được sự chăm sóc tận tình của “mẹ Phương”, để rồi một mai các em sẽ lại có thể phát triển như các bạn đồng trang lứa.
Vượt lên nghịch cảnh để trở thành người thắp sáng
Sinh ra với cơ thể "đặc biệt", Hoàng Thị Phương mang khuôn mặt trưởng thành nhưng lại có vóc dáng nhỏ bé, chỉ tương đương với một học sinh tiểu học. Thế nhưng, cô gái này lại có cách vượt lên nghịch cảnh “không giống ai” khi quyết định theo học ngành Giáo dục đặc biệt tại Đại học Thủ đô Hà Nội, nơi sẽ đưa cô trở thành giáo viên của những đứa trẻ rối loạn phổ tự kỷ (bao gồm các hành vi lặp lại và hạn chế khả năng giao tiếp, ngôn ngữ...).
Buổi sáng của cô Phương với H. một học sinh tăng động giảm chú ý, bắt đầu bằng các bài tập vận động vật lý cơ bản. Những bài tập như ném bóng, bật nhảy, di chuyển qua chướng ngại vật... tưởng chừng đơn giản với bất kỳ học sinh 6 tuổi nào, nhưng để giúp H. thực hiện được trọn vẹn một lần tốn không ít sức lực. Mỗi động tác đều được cô Phương hướng dẫn cẩn thận, kèm theo những lời động viên khích lệ khi hoàn thiện bài.
Sau khoảng 30 phút vận động, H. bước vào giờ học phát triển ngôn ngữ. Tại đây, cô Phương sử dụng các công cụ hỗ trợ như tranh ảnh, thẻ từ vựng và các trò chơi tương tác để giúp H. nhận biết và gọi tên đồ vật, con vật quen thuộc. Dù đôi khi H. chỉ phát âm được vài từ ngắn, ánh mắt sáng lên của em khi hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ khiến cô Phương cảm nhận rõ từng bước tiến bộ.
Vượt sóng gió để vững tay chèo
Phương nhớ lại những khó khăn ngày đầu bằng một nụ cười thật tươi: “Khó khăn thì có rất nhiều. Bản thân mình đã ‘đặc biệt’, lại còn dạy học cho những đứa trẻ ‘đặc biệt’ khác nên gia đình mình lúc đầu cũng phản đối gay gắt lắm. Người bình thường theo đuổi ngành Giáo dục đặc biệt đã khó, với người khuyết tật như mình càng khó khăn, bấp bênh hơn. Gia đình phụ huynh cũng phản đối không kém, họ nghĩ rằng "cô như thế liệu có dạy con được không?’”
Những nghi ngờ này là có cơ sở khi chính Phương cũng tự thấy rằng trong một số bài tập đòi hỏi khả năng vận động mạnh, đến bản thân chị cũng khó có thể thực hiện được như các em. Vừa là giáo viên trẻ mới ra trường, lại vừa là người khuyết tật, khó khăn bủa vây khiến chị nhiều lần muốn từ bỏ.
Chị kể: “Nhiều lần muốn bỏ nghề rồi chứ. Cũng bất lực lắm khi nói mãi các em không nghe. Mình còn vừa là sinh viên ra trường, trải nghiệm lẫn kinh nghiệm đều chưa có nhiều nên gặp em nào "khó bảo" sẽ nản ngay. Mình từng gặp phải nhiều em hoàn toàn không nghe lời, thậm chí còn có những hành vi bạo lực, làm tổn thương cả mình lẫn bản thân. Mỗi lần sắp buông xuôi mình lại tự an ủi bản thân, rằng chỉ cần có tình yêu thì chắc chắn sẽ chạm đến những trái tim nhỏ bé của các em.”
Phương cũng không tránh khỏi những ngày cảm thấy áp lực đè nặng. Đôi khi, cô phải đối mặt với sự căng thẳng từ phía gia đình học sinh khi họ không hiểu rõ phương pháp can thiệp. “Có phụ huynh từng nghi ngờ khả năng của mình, nói những lời khó nghe. Nhưng thay vì tranh cãi, mình cố gắng dùng hành động để chứng minh. Khi phụ huynh thấy con họ tiến bộ từng chút một, mình biết mọi công sức đã được đền đáp.”
Nữ giáo viên chia sẻ thêm, thực tế, có những gia đình khi thấy con có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, họ cho con đi châm cứu, uống thuốc nhưng không có hiệu quả, mà càng làm gián đoạn thời gian can thiệp của trẻ.
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, lại quyết tâm cao độ theo đuổi lĩnh vực này, nên ngay từ khi còn học đại học, Phương đã đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc và tiếp tục lựa chọn công tác tại trường sau khi tốt nghiệp. Đánh giá về nữ học trò xuất sắc này, cô Vũ Thanh Nga (ThS, Giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tham vấn học đường và can thiệp sớm Đại học Thủ đô Hà Nội) cho biết: “Bạn bè và thầy cô đều thấy Phương là một người rất giàu năng lượng, ham học hỏi, đặc biệt là rất lạc quan. Ngay từ những ngày đầu đi học, Phương đã tích cực đạt được nhiều học bổng, tham gia vào các CLB thiện nguyện vì người khuyết tật tại trường và trên Thủ đô Hà Nội.”
Với đồng nghiệp và phụ huynh, Phương luôn duy trì thái độ chân thành, niềm nở, kiên nhẫn đồng hành để trao đổi về tình hình các em. “Chỉ cần cha mẹ thay đổi thái độ một chút, các con sẽ được tiếp thêm nhiều cơ hội để tiến xa hơn,” chị cho biết. Cô Phương tin rằng, khi bản thân dành tâm huyết vào từng chi tiết nhỏ, phụ huynh và các học sinh sẽ cảm nhận được tình yêu thương thật sự từ cô giáo.
“Tôi không nghĩ mình là một người đặc biệt. Tôi chỉ là một người bình thường, cố gắng không ngừng vì những điều mình tin là đúng,” Phương nói với ánh mắt sáng lấp lánh.
Cô giáo nhỏ bé ấy vẫn ngày ngày chăm chỉ, thắp lên những ngọn nến hy vọng trong trái tim của những đứa trẻ đặc biệt, để chúng từng bước tìm được ánh sáng cho chính mình.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - 22 tuổi, Hoàng Thị Phương, từ một bệnh nhân khuyết tật trở thành “người mẹ” bất đắc dĩ của nhiều trẻ em tại Trung tâm Tham vấn học đường và can thiệp sớm (Đại học Thủ đô Hà Nội).
Hoàng Hiệp – Mạnh Tiến
20:38 19/11/2024(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích mong muốn, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục tỉnh nhà phát huy hơn nữa thành tích đạt được, ngày càng yêu nghề để có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Trọng Tài
18:56 19/11/2024Phương Hiếu
18:48 19/11/2024Hoàng Tuấn - Chu Tuấn
10:19 19/11/2024Thu Huyền
21:27 18/11/2024Trọng Tài
21:10 18/11/2024Phương Anh
Kim Thành
Lâm Ánh
Hoàng Hiệp – Mạnh Tiến
Nhật Minh
Trần Quý
Trần Kiên
Hoàng Nam
PV
Trọng Tài
Trọng Tài
Hương Trà