Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Trị: Mòn mỏi nhiều năm, 15 hộ dân vẫn chưa nhận được bồi thường

Minh Tân

Thứ tư, 20/11/2024 - 09:06

(Thanh tra) - Đã thống kê chi tiết, định giá thiệt hại do quá trình thi công dự án làm nứt nhà dân nhưng 9 năm qua, 15 hộ dân ở phường Đông Thanh, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vẫn mong ngóng được chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ.

Bà Lê Thị An vay mượn để "vá" lại căn nhà bị nứt từ mái xuống chân tường. Ảnh: Minh Tân

Dự án cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2010 và điều chỉnh vào năm 2017 với tổng mức đầu tư là gần 589 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2010 - 2018. Đến năm 2018, dự án gần như cơ bản hoàn thành đoạn từ Quốc lộ 9 đến giao đường Quốc lộ 9 tránh phía Bắc.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công nút giao phía Bắc cầu sông Hiếu đã gây rạn nứt nhà của các hộ dân tại khu phố 7, phường Đông Thanh (nay là khu phố 4, phường Đông Thanh).

Theo đơn kiến nghị của các hộ dân: Trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã làm hư hỏng, nứt nẻ nhà cửa, vật kiến trúc và đã được các đơn vị liên quan tiến hành kiểm đếm, lập thành biên bản của từng hộ gia đình. Tuy nhiên, từ đó đến nay tập thể các gia đình ở 2 bên đầu cầu chưa nhận được thông tin phản hồi nào về hỗ trợ, đền bù nứt nẻ nói trên.

Bên trong căn nhà cấp 4 chằng chịt vết nứt được “vá” tạm bợ, bà Lê Thị An (trú tại khu phố 4, phường Đông Thanh) cho biết: Năm 2015, khi đơn vị thi công, sử dụng máy lu rung khiến căn nhà của bà chỉ cách điểm thi công vài chục mét bị ảnh hưởng.

“Một lần máy lu chạy qua là cả căn nhà rung bần bật rồi xuất hiện nhiều điểm nứt nẻ từ phòng khách đến phòng ngủ… Có điểm nứt chạy dọc từ trên mái nhà xuống chân tường, rộng 3 - 4cm”, bà An kể.

Những hộ dân có nhà bị ảnh hưởng bức xúc phản ánh về việc chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ. Ảnh: Minh Tân

Không chỉ hộ gia đình bà An, mà 14 hộ dân khác sinh sống dọc 2 bên điểm thi công cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những vết nứt xuất hiện từ ít rồi lan rộng ra khắp căn nhà khiến các hộ dân lo lắng, bất an.

Ông Nguyễn Văn Cam (trú tại khu phố 4, phường Đông Thanh) bức xúc: "Lúc đó, họ lu lèn, rồi chở vật liệu… làm cả căn nhà tôi cũng bị ảnh hưởng. Buộc tôi phải đưa người nhà phải đi thuê trọ cả tháng trời vì sợ nguy hiểm đến tính mạng".

“Năm 2015, Sở Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương, đơn vị thi công về kiểm tra, đo đếm. Đến năm 2018, có thông báo về hồ sơ dự toán việc đền bù, hỗ trợ tình trạng nứt nẻ của nhà các hộ dân, trong đó có số tiền cụ thể. Thế nhưng, từ đó đến nay thì bặt vô âm tín, không nhận được bất kỳ khoản tiền đền bù nào dù chúng tôi đã làm đơn kiến nghị nhiều lần”, ông Nguyễn Ngọc Châu (trú tại khu phố 4, phường Đông Thanh) bức xúc.

Những căn nhà rạn nứt, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như an toàn tài sản và tính mạng nhưng số tiền hỗ trợ, đền bù để người dân khắc phục vẫn không nhận được. Trước tình thế trên, nhiều hộ dân đã phải đi vay mượn để khắc phục.

“Như tôi được tính toán hỗ trợ đền bù khoảng 60 triệu đồng nhưng nhiều năm qua, chưa hề nhận được một đồng nào. Nhà thì đến 6 người ở nên mấy mẹ con đành gồng gánh đi vay mượn để sửa những vết nứt lớn, còn những vết nứt khác đành phó mặc vậy đã”, bà An bần thần nói.

Điều đáng nói, tuyến đường kẹp 2 bên mố cầu ở phía Bắc kết nối xuống đường Hoàng Diệu vẫn còn dang dở, xuất hiện nhiều điểm gờ, ổ gà nguy hiểm nhưng vẫn chưa được thi công. Lí do là khi triển khai đã gặp phải sự phản ứng của những hộ dân chưa nhận được được tiền bồi thường, hỗ trợ.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, những hộ dân này đã có nhiều ý kiến đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Dù đã giải phóng mặt bằng nhưng tuyến đường nối từ 2 bên mố cầu phía Bắc sông Hiếu vẫn dang dở, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, giao thông của người dân nơi đây. Ảnh: Minh Tân

Trong khi đó, theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) tỉnh Quảng Trị, công trình cầu sông Hiếu và đường dẫn 2 đầu cầu trước đây do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Sau khi Ban được thành lập, dự án này được chuyển chủ đầu tư sang cho Ban. Các đơn vị cùng chính quyền địa phương, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn và các hộ gia đình bị ảnh hưởng đã tổ chức họp và thống nhất đơn vị tư vấn đánh giá lại toàn bộ các hộ bị ảnh hưởng.

Sau khi tổ chức giám định, đánh giá mức độ ảnh hưởng do quá trình thi công làm nứt nhà, đơn vị tư vấn đã lập hồ sơ dự toán. Qua đó, xác định kinh phí hỗ trợ để khắc phục nhà nứt cho 15 hộ dân với kinh phí khoảng 284 triệu đồng.

Thế nhưng, từ ngày những căn nhà bị rạn nứt đến nay đã hơn 9 năm trôi qua, nguồn chi trả bồi thường, hỗ trợ vẫn chưa thể đến với những hộ dân bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD tỉnh Quảng Trị Võ Phong Luân cho biết, do có nhiều nguyên nhân khác nhau và sau nhiều lần thì các sở, ngành đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận bố trí kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn vốn nên công trình bị kéo dài, vốn bố trí hằng năm không đủ để thi công hoàn thành các gói thầu. Trong đó, có tuyến đường kẹp 2 bên mố cầu phía Bắc cầu sông Hiếu.

Liên quan đến việc dự án trên, Ban QLDA ĐTXD tỉnh Quảng Trị cũng đã có tờ trình nhằm điều chỉnh tổng mức đầu tư nhằm tiếp tục thực hiện một số mặt bằng chưa xong, trong đó có cả việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ những nhà dân bị nứt. Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ bố trí trong năm tiếp theo.

“Với việc bố trí này sẽ thi công hoàn thiện tuyến đường kẹp 2 bên mố cầu ở phía Bắc kết nối xuống đường Hoàng Diệu nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình. Đồng thời, hỗ trợ dứt điểm những vấn đề nhà cửa bị rạn nứt của người dân”, ông Luân thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Những điểm sạt lở sau mưa bão ở Thanh Hóa được khắc phục như thế nào?

Những điểm sạt lở sau mưa bão ở Thanh Hóa được khắc phục như thế nào?

(Thanh tra) - Ông Hoàng Văn Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì Công trình Giao thông và Điều hành hoạt động Vận tải hành khách công cộng Thanh Hóa (gọi tắt là Ban Bảo trì giao thông) cho biết, trong các cơn bão số 2, số 3 và số 4 trên địa bàn Thanh Hóa đã bị thiệt hại nặng nề, nhất là các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Văn Thanh

11:16 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm