Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lãng phí sách giáo khoa: Bộ GD&ĐT cần làm rõ!

Thứ năm, 20/09/2018 - 11:21

Việc sách giáo khoa có thêm phần làm bài tập khiến sách khó dùng lại, gây lãng phí nên có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thanh tra làm rõ.

Sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn tại phiên họp.

Tại sao ghi bài tập luôn trong SGK?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, có những lĩnh vực luôn nóng qua các đời bộ trưởng như vấn đề y tế, giáo dục...; có những vấn đề tồn tại cả chục năm, không thể giải quyết trong một, hai ngày, “chúng tôi rất chia sẻ”. Tuy nhiên, “qua phiên họp Thường vụ vừa rồi và báo chí cũng nói rất nhiều, chúng tôi băn khoăn về sách giáo khoa (SGK) và sự lãng phí trong in SGK” - bà Nga nói thêm.

“Chúng tôi nghe thông tin từ dư luận, cử tri, đề nghị Bộ GD&ĐT và Chính phủ làm rõ: Có câu hỏi, nghi ngại xung quanh việc độc quyền trong hoạt động của NXB Giáo dục. Tại sao bây giờ khác các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được hai, ba thế hệ?” - bà Nga đặt câu hỏi.

Cầm trong tay cuốn sách toán lớp 1, bà Nga nói: “Trước đây bài tập riêng, SGK riêng. Bây giờ toán lớp 1 luyện tập chung với SGK, các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế đương nhiên là khóa sau không dùng được. Chúng tôi phản ảnh lại ý kiến của cử tri chuyển đến bộ trưởng GD&ĐT là lý do tại sao? Mỗi một năm khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỉ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Tại sao chúng ta lại ghi bài tập luôn trong SGK?” - bà Nga nói. Đồng thời cũng phản ánh lại những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục và đề nghị bộ trưởng GD&ĐT làm rõ.

Việc sách giáo khoa có thêm phần làm bài tập khiến sách khó dùng lại, gây lãng phí khiến phụ huynh rất bức xúc.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Có biểu hiện lợi ích nhóm không?

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quan tâm tới tình trạng phát hành SGK sử dụng một lần.

“Tôi trực tiếp nói với bộ trưởng khóa trước, nhiều đại biểu, cử tri cũng nói nhưng các anh cứ nói đấy không phải SGK mà chỉ là sách bài tập, tham khảo. Rất nhiều SGK có nhiều ô trống, ô vuông, đường nối, kéo...” - bà Hải dẫn chứng.

Theo bà Hải, dù mỗi quyển sách chỉ 10.000-12.000 đồng nhưng với 15,6 triệu học sinh hiện nay thì việc này ảnh hưởng đến muôn nhà. “Đề nghị bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này. Có biểu hiện gì ở đây, thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không?” - bà Hải nói và cho biết rất nhiều trường cho học sinh viết bằng bút chì vào sách để tẩy đi, sang năm dùng tiếp.

Ngoài ra, trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu nghi vấn: “Có hay không việc ép học sinh mua sách tham khảo? Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm, cuối năm không dùng gì cả, còn mới tinh” - bà đề nghị bộ trưởng GD&ĐT cho tổng kết, đánh giá việc này.

Đã giám sát về xuất bản SGK

Theo luật định, chúng ta đang có một chương trình giao về cho Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục phát hành. Đây là hiện tượng hình như vi phạm pháp luật về độc quyền. Trong năm 2018, ủy ban đã giám sát về vấn đề xuất bản, phát hành SGK và sẽ công bố kết quả giám sát vào cuối năm.

Lĩnh vực giáo dục đang chiếm tới 20% ngân sách, vậy cần phải xem con số này đang được vận hành thế nào? Hiệu quả thế nào? Ai đánh giá việc thực hiện này?

Ông PHAN THANH BÌNH,Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH

NXB Giáo dục thu hơn 1.000 tỉ đồng/năm

Tổng doanh thu của NXB Giáo dục năm 2015 là 1.041 tỉ đồng; năm 2016 là 1.147 tỉ đồng; năm 2017 là 1.203 tỉ đồng. Đặc biệt, theo thống kê, năm 2016 riêng số lượng SGK phát hành của NXB Giáo dục chiếm 56,4% toàn ngành xuất bản; năm 2017, con số này là 50,4%…, chưa kể sách tham khảo.

Tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỉ đồng để mua SGK.

NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ? Sách chỉ dùng một lần rồi bỏ Hầu hết SGK ở các cấp học đều có in một phần bài tập nhỏ để yêu cầu học sinh làm thẳng luôn trong sách. Như môn tiếng Việt đến môn toán, sau phần bài học đều yêu cầu các em luyện tập. Điều đáng nói, dù học sinh đã làm bài trực tiếp vào SGK nhưng các em vẫn phải mua thêm vở bài tập đi kèm để nâng cao kiến thức. Thế nhưng thực tế hiếm học sinh nào lại dùng hết quyển này. Vì thế, mỗi cuốn SGK in xong chỉ được dùng một lần rồi làm phế liệu. Bà Phạm Thụy Mộng Thu,giáo viênTrường THCS Lữ Gia, quận 11 Đi ngược lại với xu thế phát triển các nước tiên tiến Khi người ta cho phép học sinh viết thẳng vào SGK theo hướng cá thể hóa là đánh tráo khái niệm. Và thực tế, không có nền giáo dục nào dạy học sinh theo hướng cá thể như thế. Tại những nước tiên tiến, phụ huynh sẽ không phải mua SGK hằng năm vì sách của nước họ có thể dùng cho nhiều thế hệ. Tại đây, giá SGK rất đắt bởi họ đánh giá cao chất xám. Một phần để khuyến khích người dân sử dụng lại sách cũ chứ không mua sách mới. Mặt khác, hiện thông tin có ở khắp mọi nơi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép mọi người tìm kiếm thông tin dễ dàng. Nếu đứa trẻ phụ thuộc vào SGK thì sẽ ngăn cản khả năng tìm kiếm tri thức của nó. Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft Sách giáo khoa lớp 9 phần bài tập đều có chừa khoảng trống để học sinh làm trực tiếp vào sách. Ảnh: T.TRANG Sách cần phải in khoa học để sử dụng nhiều thế hệ Trước đây, ở thế hệ của tôi, một cuốn SGK sử dụng được rất nhiều năm. Thế nhưng bây giờ SGK chỉ dùng một lần rồi vứt vì học sinh đã viết thẳng vào sách do có bài tập bắt buộc các em phải làm. Vấn đề này không chỉ mới xảy ra, đã tồn tại từ rất lâu rồi khiến phụ huynh rất bức xúc. Việc làm này không khoa học, gây lãng phí tiền của nhân dân. Vì thế, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần phải chấn chỉnh vấn đề trên. Và phải làm sao khi in SGK cần cân nhắc về mặt nội dung để có thể sử dụng 5-10 năm. Ông Huỳnh Thanh Phú,Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 Dù đắt tiền nhưng vẫn phải mua cho con Không chỉ SGK, ngay cả bộ sách tiếng Anh dù đắt tiền nhưng vẫn yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp vào sách. Bộ sách tiếng Anh lớp 1 có giá 175.000 đồng, bao gồm hai cuốn, một cuốn bài tập trắng đen và một cuốn bài học. Trong đó, trong cuốn bài học vẫn có một số phần bài tập nhỏ để học sinh làm trực tiếp. Và như vậy, học sinh khóa sau khó có thể sử dụng lại bộ sách này. Cho nên dù đắt tiền nhưng phụ huynh vẫn phải mua cho con. Bà T. Quyên,giáo viên Trường Tiểu học Phú Lâm, quận 6 Sử dụng bút chì để tận dụng sách cũ Do thấy được sự lãng phí trong việc sử dụng SGK cho nên tại Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp từ nhiều năm qua nhà trường đã khuyến khích học sinh viết bút chì vào sách thay vì bút mực như trước. Vì như vậy, khi người khác có nhu cầu sử dụng lại vẫn có thể tẩy xóa được. Và những bộ SGK trên vào cuối năm sẽ được thu lại và trao tặng cho những khu vực đặc biệt khó khăn. Bà Nguyễn Nam,phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp

Theo Đức Minh - Nguyễn Quyên/PLO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm