Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: “Nhún nhảy” trên tiêu chí

Thứ tư, 23/04/2014 - 10:16

(Thanh tra)- Chỉ tiêu tuyển dụng được công khai cho ứng viên (ƯV) biết tại bảng chỉ tiêu ở mục “tình hình” tại “menu tuyển dụng” trên website chính thức của Phòng Tổ chức, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh. Những chỉ tiêu được công bố ở đây có không ít trường hợp thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu thực mà các Phòng GD-ĐT được Sở GD-ĐT phê duyệt, tạo ra cơ hội trục lợi rất cao.

Thi sát hạch giáo viên cũng ngày càng gắt gao. Ảnh minh họa.

>>Bài 1: Ông chẳng bà chuộc 

Chỉ tiêu một đằng, công bố một nẻo…


Tại Phòng GD-ĐT quận 3, ông Nguyễn Văn Diệu, chuyên viên tổ chức, mô tả với phóng viên về quy trình xây dựng và công bố chỉ tiêu tuyển dụng như sau: Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm học 2012 - 2103, các trường được yêu cầu nêu chỉ tiêu về Phòng GD-ĐT. Phòng sẽ cân đối trên cơ sở số lượng phòng ốc, học sinh dự kiến, định biên... sau đó kết hợp với Phòng Nội vụ thuyết minh với Sở GD-ĐT để được phê duyệt chỉ tiêu cho cả năm học 2013 - 2014. Chỉ tiêu sau khi được phê duyệt sẽ được tuyển bằng 2 nguồn: Thuyên chuyển và tuyển mới. Số lượng tuyển mới sẽ sẽ được công bố trên website chính thức của Phòng Tổ chức (gọi tắt là “website”).

Ngay trong bảng công bố chỉ tiêu tuyển dụng, Sở cập nhật hằng ngày về “tình hình đăng ký” với số lượng ƯV cụ thể. Đây là kênh chính thức và ƯV sẽ căn cứ vào chỉ tiêu tuyển dụng của các Phòng GD-ĐT mà Sở công bố để tính tỷ lệ chọi và đưa ra quyết định đăng ký dự tuyển ở quận nào. Mọi việc, trên lý thuyết là rất minh bạch. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như thế vì có nhiều quận, chỉ tiêu được Sở phê duyệt rất cao nhưng số lượng công bố trên website lại rất thấp.

Chẳng hạn, theo thông tin trên website, Phòng GD-ĐT quận 10, cấp THCS: Các môn Văn, Sử, Toán, Hóa, Tiếng Anh, Tin học đều công bố trên website là 0 chỉ tiêu. Thực tế, môn Sử lại tuyển 3 giáo viên (GV), (đợt 1: 1 GV; đợt 2: 2 GV); môn Toán tuyển 2 GV; môn Tiếng Anh tuyển 3 GV; môn Tin học tuyển 3 GV. Đặc biệt, môn Văn tuyển đến 6 GV (đợt 1: 4 GV; đợt 2: 2 GV); môn Hóa cũng tuyển đến 6 GV (đợt 1: 5 GV; đợt 2: 1 GV). 

Hiện tượng chênh lệch giữa chỉ “tiêu được duyệt” với “chỉ tiêu công bố trên wesite” diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các quận nội thành. Công bố trên website là không có chỉ tiêu nào nhưng vẫn có người đăng ký. Những ƯV này biết thông tin tuyển dụng từ đâu để đăng ký? 

Những người “thạo việc” trong khâu tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục TP gọi những ƯV trên là “nguồn đầu vào thân cận”. Nghĩa là những thông tin này chỉ được biết qua con đường quen biết. Câu cửa miệng rất ngọt ngào và đầy “thâm tình” của các chuyên viên phụ trách tổ chức ngành Giáo dục rằng “ngành Giáo dục của mình nói thừa (giáo viên) thì thừa mà thiếu thì thiếu” là lời chỉ dẫn cho nguồn “đầu vào thân cận” này. 

Một nhà quản lý giáo dục đã nghỉ hưu cho biết, việc không công bố đầy đủ chỉ tiêu như thế là hạn chế nguồn “đầu vào công khai”, để dành cửa cho nguồn “đầu vào thân cận”. Và, một khi quen biết thì lối đi không phải là “cửa trước” mà là “cửa sau”. Đơn vị tuyển dụng sẽ thoải mái mở cửa sau, miễn sao số lượng tuyển cuối cùng không vượt chỉ tiêu được duyệt. Khi đó, họ có thể yên tâm về mặt pháp lý.

Vào những mùa tuyển dụng giáo viên, một số người chuyên “giúp đỡ” cho ƯV vẫn tuyên bố là “muốn về quận nào là về, không cần biết có chỉ tiêu hay không”, có lẽ một phần là xuất phát từ sự chênh lệch của 2 thông tin về chỉ tiêu này. Người ta đã khép bớt cửa chính (công bố thấp hơn so với chỉ tiêu thực) để rộng mở “cửa sau”.

Dẫu vậy, vẫn có trường hợp nhiều ƯV quyết tâm ứng tuyển về một quận trung tâm nào đó mặc dù chỉ tiêu “cửa chính” (chỉ tiêu công bố trên website) rất thấp, dẫn đến tỷ lệ chọi cao (số lượng ƯV đăng ký vượt chỉ tiêu được duyệt). Khi đó, nhà tuyển dụng đã không ngần ngại đánh rớt ƯV, bất kể là cử nhân hay thạc sĩ mà không để lại một dấu vết nào có thể làm bằng chứng để kiện cáo.

… Khi nhà tuyển dụng “làm xiếc”

Tại Phòng GD-ĐT quận 3, năm học 2013 - 2014 có một số ƯV là thạc sĩ. Khi được hỏi có ƯV thạc sĩ nào bị rớt không, ông Nguyễn Văn Diệu cho biết “ƯV trình độ đó làm sao rớt được”. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 1 lại tự hào khoe với phóng viên rằng “ở quận 1, đến thạc sĩ còn rớt”. 

Lại có trường hợp ƯV thi đợt 1 bị đánh rớt nhưng đăng ký đợt 2 ngay sau đó cũng chính tại quận vừa bị đánh rớt thì lại đậu. Một ƯV thuộc trường hợp này cho biết, khi đăng ký đợt 2 thì không cần phải rà soát, thi phỏng vấn thực hành gì cả. Vì mọi thứ đều đã được giải quyết bằng... tiền. 

Nhà quản lý giáo dục đã nghỉ hưu nói trên cho biết, đấy là “chiêu thức” làm xiếc của nhà tuyển dụng. Họ cố tình đánh rớt đợt 1 để buộc ƯV phải chạy chọt vào đợt 2. 

Những ƯV rớt đợt 1 mà đậu đợt 2 ngay tại cùng 1 hội đồng tuyển dụng thì chắc chắn có vấn đề. Phóng viên thống kê những trường hợp này bằng cách đối chiếu danh sách ƯV gồm trúng tuyển lẫn không trúng tuyển ở cả 2 đợt tuyển dụng. Tuy nhiên, có Phòng GD-ĐT chỉ lập danh sách ƯV trúng tuyển chứ không thể hiện ƯV không trúng tuyển. Một số Phòng GD-ĐT khác thì cự tuyệt cung cấp danh sách này với lý do đó là hồ sơ... bí mật quốc gia! Riêng Phòng GD-ĐT quận 1 thì từ chối thẳng thừng. Ông Nguyễn Hoàng Minh nói: “Việc các bạn (phóng viên) làm việc với các Phòng thì Sở cũng biết rồi. Sở chỉ đạo chúng tôi chỉ cung cấp thông tin trong giới hạn cho phép về cách làm chứ không cung cấp tài liệu”. 

Những ƯV xứng đáng đậu đợt 1 nhưng vẫn bị đánh rớt, hội đồng tuyển dụng đã dựa vào đúng quy định hiện hành để lách luật. Và, đây không còn là “lỗ hổng” nữa mà đã thành “lỗ đen”. Với lỗ đen này thì có thanh tra nghiêm túc cũng chịu thua.

Quy chế Thi tuyển, xét tuyển viên chức (ban hành theo Thông tư số 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ) quy định: “Không thực hiện việc phúc khảo đối với nội dung phỏng vấn hoặc thực hành”. Điểm của nội dung này trong tuyển dụng của Sở được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 2, chiếm 50% tổng điểm. Quy chế trên cũng không quy định bắt buộc hội đồng tuyển dụng phải ghi âm, ghi hình buổi phỏng vấn. Trường hợp các giám khảo chấm điểm theo chỉ đạo mật của hội đồng, cố tình cho cho ƯV điểm thấp đến dưới 50% điểm thì sẽ không còn dấu vết nào để thanh tra có thể phát hiện ra.

Đối tượng tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh có vẻ rất công bằng. Chỉ cần “người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức…”, nhưng hình như trong số các điều kiện kiện được liệt kê còn thiếu 2 điều kiện tối thượng nữa, là gì ai cũng ngẫm ra!

Võ Anh Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm