Theo dõi Báo Thanh tra trên
Vũ Linh
Thứ tư, 20/11/2024 - 19:00
(Thanh tra) - Mô hình bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Trường THCS Tân Thượng là một cách làm rất hay và có ý nghĩa thiết thực. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho các em học sinh về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Sau 3 năm triển khai mô hình, đến nay hầu như tất cả các em học sinh là người DTTS của trường đều đã tự giác mặc trang phục truyền thống khi đến trường. Ảnh: Vũ Linh
Những "quả ngọt” đầu tiên
Tuy gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn trong quá trình thực hiện, nhưng với sự tận tụy, nhiệt huyết của mình, đội ngũ những thầy cô của Trường THCS Tân Thượng đã nỗ lực từng ngày để dần biến những việc làm đầy nhân văn của mình trở nên thiết thực và hiệu quả hơn trong công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Để khắc phục những khó khăn trong việc hiện thực hóa các mô hình, nhà trường đã thường xuyên thực hiện các công tác động viên, khuyến khích đồng thời khơi gợi cho các em thấy được ý nghĩa tốt đẹp của việc mặc trang phục truyền thống khi đến trường.
Sau 3 năm triển khai mô hình, đến nay hầu như tất cả các em học sinh là người DTTS của trường đều đã tự giác mặc trang phục truyền thống khi đến trường với sự thích thú và niềm tự hào về trang phục của dân tộc mình.
Em Tạ Tấn Tài, là học sinh dân tộc Tày hồ hởi: “Em cảm thấy rất tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khi đến trường. Ngoài ra, em còn có thể cho các bạn biết được bộ đồ truyền thống của dân tộc mình đẹp và mang ý nghĩa như thế nào”.
Trong khi đó, em Ka Nguyễn Thị Bích Hữu, học sinh lớp 7A3 chia sẻ: “Bình thường ở nhà em không được mặc đồ dân tộc nên em rất mong đến ngày thứ 2 hàng tuần để được mặc bộ đồ truyền thống của dân tộc mình đến trường”.
Ngoài ra, đối với những gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, không thể mua được trang phục cho con em mình, nhà trường cũng bằng nhiều cách khác nhau như quyên góp, kêu gọi sự ủng hộ từ các mạnh thường quân để hỗ trợ trang phục cho các em.
Bên cạnh đó, mô hình truyền dạy cồng chiêng cũng đã thu hút được 2 lớp với số lượng khoảng 80 em tham gia. Một nửa trong số đó đã có thể đánh được những bài chiêng cơ bản. Một số em đánh tốt ở các năm trước, sau khi ra trường đã quay lại khi có thời gian rảnh để chỉ lại cho các em mới tập. Được biết vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ hoàn thành lớp học cho các em.
Đối với các lớp học chữ K’Ho, qua 2 năm triển khai, cũng dần thu hút đông hơn các em đến học. Rất nhiều em đã có thể tự biết đọc biết viết đối với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Hiện, trường đã triển khai dạy cho tất cả các em khối 7 của trường. Nếu các em này chưa đọc, viết được thì năm sau nhà trường tiếp tục bồi dưỡng, bổ túc thêm cho các em.
Cần thiết nhân rộng mô hình
Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn thông qua các thế hệ trẻ, thầy và trò Trường THCS Tân Thượng đã và đang tiếp tục duy trì, tạo sự lan tỏa hơn nữa các mô hình bảo tồn trong thời gian tới.
“Thời gian qua, vấn đề về thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được đưa vào các nghị quyết mà nhà trường đã đề ra trong đại hội nhiệm kỳ. Trong đó, việc thực hiện mặc trang phục truyền thống là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua đối với từng em học sinh, từng lớp”, thầy Dũng cho biết.
Trong khi đó, nghệ nhân Da Cha Vũ Bảo, người đã không ngại vất vả lặn lội hàng chục cây số, đều đặn hàng tuần đến trường trực tiếp cầm tay chỉ việc cho các em đánh những điệu cồng chiêng truyền thống bày tỏ mong muốn thông qua sự đam mê và những kiến thức của mình để cho em hiểu biết thêm và đánh lên được những bài cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình.
“Quá trình truyền dạy cho các em, tôi rất mừng khi thấy nhiều em học rất nhanh, có em chỉ sau 2 ngày học đã có thể ráp vào đội để đánh được hoàn chỉnh một bài chiêng”, nghệ nhân vui mừng cho biết.
Là giáo viên bộ môn Ngữ văn của trường, cô giáo trẻ Ka Dúys còn kiêm phụ trách đứng lớp dạy chữ viết K’Ho cho các học sinh. Cô chia sẻ: “Bản thân tôi là một người DTTS nên biết được tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa dân tộc trong đó có chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình. Chính vì thế, khi nhà trường ngỏ ý thì tôi đã lập tức nhận lời đứng lớp dạy cho các em để sau này các em có thể biết được chữ viết của dân tộc mình để truyền đạt lại cho các thế hệ kế tiếp”.
Đại diện phòng Văn hóa và Thể thao huyện Di Linh đánh giá: “Mô hình bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Trường THCS Tân Thượng là một cách làm rất hay và có ý nghĩa thiết thực. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho các em học sinh về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, mô hình còn tạo sự lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Chính vì thế, thời gian qua ngành chức năng huyện luôn quan tâm động viên về mặt tinh thần cũng như hỗ trợ một phần vật chất đối với các hoạt động bảo tồn tại đây. Đây cũng có thể xem là mô hình điểm cần được nhân rộng tại các trường học, cơ sở giáo dục khác trên địa bàn”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mô hình bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Trường THCS Tân Thượng là một cách làm rất hay và có ý nghĩa thiết thực. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho các em học sinh về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Vũ Linh
19:00 20/11/2024(Thanh tra) - Bên cạnh việc thực hiện công tác sư phạm, cùng với tình yêu mãnh liệt dành cho văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Dũng đã có những cách làm hay và độc đáo trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tại địa phương.
Vũ Linh
16:22 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Hoàng Hiệp
15:02 20/11/2024Hương Giang
14:00 20/11/2024Hương Giang
13:25 20/11/2024Hoàng Nam
Trần Kiên
T.Thanh
Hương Giang
Hoàng Nam
Thu Huyền
Trần Lê
Vũ Linh
Minh Anh
Thành Nam
Cảnh Nhật
TN