Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện về những người “lái đò” tâm huyết với bảo tồn văn hóa truyền thống

Kỳ 1: Ý tưởng “độc lạ”

Vũ Linh

Thứ tư, 20/11/2024 - 16:22

(Thanh tra) - Bên cạnh việc thực hiện công tác sư phạm, cùng với tình yêu mãnh liệt dành cho văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Dũng đã có những cách làm hay và độc đáo trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tại địa phương.

Học sinh tới trường với trang phục thổ cẩm. Ảnh: Vũ Linh

Đưa trang phục truyền thống vào trường học!

Vô tình được nghe câu chuyện về một ngôi trường cho các em học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình làm đồng phục đến lớp. Chúng tôi đã lân la hỏi thăm về ngôi trường này và được biết đó là một ngôi trường trung học nằm trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi được giới thiệu, một ngày giữa tháng 11, trong cái se lạnh của khí trời đang dần chuyển sang đông, chúng tôi tìm được đến Trường THCS Tân Thượng, xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt khi có mặt tại đây là hình ảnh các em học sinh mặc trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu thổ cẩm đang hăng say tập luyện các bài chiêng trong sân trường.

Tiếp đón phóng viên tại ngôi nhà với kiến trúc được phục dựng theo kiểu dáng nhà truyền thống của người dân tộc bản địa, thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường kể lại câu chuyện đã diễn ra cách đây 3 năm về trước.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Vũ Linh

“Tôi vốn xuất thân là một người có nhiều năm công tác tại Trường Dân tộc nội trú huyện Di Linh. Tại đây tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS). Chính từ đó dần dà tình yêu đối với văn hóa dân tộc từ các bộ trang phục thổ cẩm, đến những tiếng cồng tiếng chiêng cho đến những điệu múa xoang… cứ thế, tình yêu ấy theo năm tháng đã thấm sâu vào trong người”.

Nhấp nhẹ ngụm nước trà còn đang ấm nóng, thầy kể tiếp: “Cho đến năm 2021, tôi được cử về công tác tại Trường THCS Tân Thượng. Tại đây, tôi khá ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều học sinh là người DTTS như K'Ho, Tày, Nùng, Thái, Chăm… Ngay lúc ấy, trong đầu tôi liền nảy ra suy nghĩ tại sao không cho các em mặc trang phục truyền thống của dân tộc của mình để đến lớp. Điều đó vừa có thể bảo tồn được văn hóa truyền thống của các dân tộc cho các em, vừa tạo nên nét đẹp độc đáo cho ngôi trường”.

Nghĩ là làm, ngay sau đó, thầy Dũng đã bàn với Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng Sư phạm nhà trường cũng như xin phép ngành chức năng địa phương về việc tổ chức cho các học sinh của trường mặc trang phục truyền thống và nhận được sự nhất trí cao.

Trong lúc trò chuyện với thầy, văng vẳng chúng tôi thoáng nghe ở một lớp học gần đó tiếng các cô trò trao đổi với nhau bằng tiếng của người bản địa mà chúng tôi không hiểu được. Như thấy được sự thắc mắc của chúng tôi, thầy Dũng cười tươi cho biết: “Có một lớp đang học tiếng K’Ho”. Tò mò chúng tôi xin phép được dự lớp học đó nếu không phiền đến việc học của các em và đã được thầy đồng ý.

Bên trong lớp học có khoảng 40 em học sinh, tất cả đều mặc trang phục truyền thống trông vô cùng bắt mắt đang bi bô đọc theo cô giáo những tiếng của dân tộc K’Ho. Khi được cô giáo cho biết sẽ có các cô chú phóng viên đến để quay phim, chụp hình, các em có chút ngại ngùng nhưng trong những ánh mắt trong veo ấy vẫn ánh lên những sự say mê đối với tiết học. Càng về sau tiết học càng trở nên rộn ràng hơn bởi kỹ năng dẫn dắt tiết học một cách khéo léo của cô giáo đứng lớp.

Những khó khăn gặp phải

Quay trở lại với câu chuyện, thầy Dũng cho biết, ban đầu nhà trường chỉ thực hiện ở mức độ khuyến khích các học sinh của trường mặc trang phục truyền thống trên tinh thần tự giác vào ngày thứ 2 đầu tuần và các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng trong năm.

Tuy nhiên, khi đi bắt tay đi vào thực hiện công việc mới thấy có nhiều khó khăn hơn tưởng tượng.

“Đầu tiên, do học sinh đã quen với việc mặc đồng phục phổ thông, có tính tiện lợi và dễ dàng cho việc lựa chọn trang phục hàng ngày. Việc thay đổi sang trang phục truyền thống có thể khiến học sinh cảm thấy bất tiện, đặc biệt đối với những em chưa quen với kiểu trang phục này, nhiều em cảm giác e thẹn, ngại ngùng khi mặc đồ dân tộc đến trường”, thầy Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó, một số học sinh và phụ huynh có thể chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc mặc trang phục truyền thống, và có thể xem đây là một yêu cầu không cần thiết, gây áp lực cho con em trong việc tuân thủ.

Một tiết học cồng chiêng của thầy trò Trường THCS Tân Thượng. Ảnh: Vũ Linh

Ngoài ra, chi phí trang phục truyền thống cho các học sinh cũng là một vấn đề gây cản trở cho quá trình thực hiện, đặc biệt là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ tiền để mua sắm trang phục truyền thống khi có những bộ giá thành lên đến 700 nghìn. Chính vì thế, mặc dù đây là một sáng kiến tốt để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, nhưng đối với những gia đình không đủ điều kiện tài chính, việc này có thể tạo ra gánh nặng.

Đối với mô hình truyền dạy cồng chiêng, hiện nay do trường chưa trang bị được bộ chiêng cho các em thực hành trong quá trình học nên nhà trường phải đi mượn bên ngoài, rồi lại phải trả liền ngay ngày hôm sau nên cũng rất bất tiện. Rồi còn phải đi mời nghệ nhân truyền dạy ở một xã khác. Chi trả chi phí truyền dạy cũng không có nguồn mà phải do trường tự túc hoặc xin hỗ trợ từ các mạnh thường quân.

Kỳ 2: Tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ trong việc bảo tồn văn hóa

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 1: Ý tưởng “độc lạ”

Kỳ 1: Ý tưởng “độc lạ”

(Thanh tra) - Bên cạnh việc thực hiện công tác sư phạm, cùng với tình yêu mãnh liệt dành cho văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Dũng đã có những cách làm hay và độc đáo trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tại địa phương.

Vũ Linh

16:22 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm