Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ tư, 14/05/2025 - 19:05
(Thanh tra) - Từ năm học 2026-2027, Hà Nội dự kiến áp dụng phương thức tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc gần nhà, thay vì phân tuyến theo tuyến như hiện nay. Đây được xem là lời giải cho “bài toán” tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội?
Hà Nội dự kiến tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc gần nhà từ năm học 2026-2027. Ảnh: HH
Phù hợp với thực tế
Nhiều năm qua, Hà Nội giữ ổn định phương thức tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) theo tuyến. Trước mỗi mùa tuyển sinh, các nhà trường phối hợp UBND phường, xã, thị trấn tổ chức điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn để phục vụ công tác phân tuyến tuyển sinh. Căn cứ số liệu cụ thể đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận, huyện sẽ tham mưu chính quyền sở tại phân tuyến tuyển sinh cho các nhà trường.
Việc phân tuyến tuyển sinh và công tác giao chỉ tiêu phải phù hợp điều kiện thực tế, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, tại Hà Nội, tốc độ phát triển trường lớp chưa theo kịp tốc độ tăng dân số. Do vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay mà công tác tuyển sinh đầu cấp phải hướng đến, đó là tăng thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Để giải “bài toán” đó, từ mùa tuyển sinh năm 2026 - 2027, thay vì tuyển sinh đầu cấp theo tuyến, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến chuyển đổi số và triển khai hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - bản đồ số GIS) trong tuyển sinh đầu cấp, áp dụng phương thức phân tuyến tuyển sinh theo hệ thống định vị của bản đồ số; học sinh sẽ được học trường gần nhà thay vì trường phân tuyến như hiện nay.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, phương án tuyển sinh gần nhà sẽ giúp cho học sinh không phải đi học xa, tránh tình trạng trái tuyến, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh, nơi học sinh dù gần trường ở phường khác nhưng vẫn không được học vì không đúng tuyến.
Nhận thông tin trên, dư luận bày tỏ đồng tình và cho rằng, đây sẽ là bước tiến mới giúp tăng thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Chị Trần Thu Vân (Hà Đông, Hà Nội), có 2 con đang theo học tại 1 trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông chia sẻ, mùa tuyển sinh năm 2024 vừa qua đã xảy ra một sự việc ồn ào liên quan đến công tác tuyển sinh khi hàng trăm phụ phụ huynh kéo đến “quây” Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (quận Bắc Từ Liêm) do bức xúc vì con không được học trường gần nhà.
Do vậy, khi hay tin, thành phố sẽ tiến tới tuyển sinh đầu cấp theo phương án học gần nhà, tôi rất ủng hộ. Việc học gần nhà giúp học sinh tiết kiệm thời gian di chuyển, giảm căng thẳng và mệt mỏi do phải đi học xa. Phụ huynh cũng không phải lo lắng về việc đưa đón con cái mỗi ngày, đặc biệt là trong điều kiện giao thông đông đúc của Hà Nội.
Đặc biệt, theo chị Vân, một trong những lợi ích lớn của phương thức tuyển sinh học gần nhà thấy rõ nhất là giúp giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm. "Khi học sinh học gần nhà, số lượng phương tiện cá nhân đưa đón trẻ em sẽ giảm, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc tại các khu vực trường học".
Chia sẻ về phương án này, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, việc tuyển sinh theo địa lý sẽ tạo thuận lợi lớn cho học sinh và phụ huynh. Trên thực tế, nhiều tổ dân phố tuy thuộc quận này nhưng giáp ranh trường thuộc quận khác. Nếu tính đúng tuyến mà lại phải đi xa, trong khi gần nhà có trường tốt thì rất bất tiện cho học sinh, vất vả với phụ huynh.
“Tuyển sinh theo địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều phía; giảm ùn tắc giao thông và tình trạng học trái tuyến. Khi học gần nhà, học sinh có thể tự đi học, tự về nhà, vừa rèn luyện kỹ năng sống, vừa giảm tải giao thông trước cổng trường vào mỗi buổi sáng, chiều”, bà Hằng nhấn mạnh.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Tuyển sinh gần nhà mặc dù nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng như chuyên gia giáo dục cho rằng, thành phố Hà Nội cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường.
Là người ủng hộ phương án tuyển sinh gần nhà, nhưng chị Vân cũng bày tỏ lo lắng bởi hiện Hà Nội vẫn còn có chênh lệch quá lớn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giữa các trường. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của phương thức tuyển sinh học gần nhà.
Chưa kể, một số khu vực có mật độ dân cư cao có thể gặp tình trạng quá tải khi nhiều học sinh cùng đăng ký vào một trường gần nhà. Để giải “bài toán” này, theo chị Vân, Hà Nội cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ giáo viên, để đảm bảo chất lượng của các trường.
Thực tế, phương pháp này hiện đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai. Qua triển khai cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải vấn đề, đó là việc phụ huynh “lách luật”, thuê nhà gần trường tốt để được tuyển sinh; sau khi việc học ổn định lại chuyển về nhà cũ; điều này làm mục tiêu “học gần nhà” không thực hiện được.
Chia sẻ ý kiến về nội dung này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, Hà Nội phải điều hòa được chất lượng giữa các trường, tránh tình trạng nơi này quá đông về số lượng, nhưng nơi khác lại không đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
Do vậy, muốn hiện thực hóa mục tiêu học gần nhà, Hà Nội phải đồng đều chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học giữa các nhà trường. Như vậy mới giảm được việc phụ huynh làm mọi cách để “xin trường tốt” cho con.
“Khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục theo mặt bằng chung, chắc chắn tình trạng học trái tuyến, xin trường sẽ giảm mạnh”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Để chuyển đổi hình thức tuyển sinh đầu cấp từ theo tuyến, sang gần nhà, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị, các đơn vị phải tính toán phân tuyến linh hoạt, thống nhất với chính quyền sở tại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học.
Rõ ràng, việc Hà Nội dự kiến áp dụng phương thức tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc gần nhà từ năm học 2026-2027 là một bước tiến quan trọng trong công tác giáo dục. Phương thức này mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra những thách thức mà Hà Nội cần giải quyết. Để đảm bảo thành công, Hà Nội cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía chính quyền, nhà trường và phụ huynh. Nếu được triển khai đúng cách, đây sẽ là một bước tiến lớn giúp cải thiện chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh và gia đình.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh về hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Phương Anh
(Thanh tra) - Ngày 17/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện đã đến kiểm tra các điểm thi, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và huyện Trà Cú.
Thu Huyền
Chính Bình
Cao Huân
Phương Anh
Nam Dũng
An Khang
Trọng Tài
T. Minh
Hương Giang
Hương Giang
Thái Hải
Phương Anh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trung Hà
Chính Bình