Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đào tạo giáo viên: Phải tăng "chất”, giảm 'lượng"

Thứ ba, 24/05/2016 - 13:42

(Thanh tra)- Hiện nay, các trường đào tạo giáo viên mới chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để tuyển đủ chỉ tiêu "đầu vào" mà quên mất "đầu ra". Từ đó dẫn tới tình trạng hàng nghìn cử nhân sư phạm không được làm đúng ngành nghề đã chọn. Giải bài toán này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các trường cần phải tăng "chất", giảm "lượng".

Dư thừa 70.000 giáo viên vào năm 2020

Tại Hội thảo “Đào tạo giáo viên tại các trường đại học (ĐH) đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục", được tổ chức mới đây, PGS.TS Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô đưa ra con số đáng lo ngại: Đến 2020 sẽ có hơn 70.000 cử nhân sư phạm không được tuyển dụng hết.

"Cho dù tăng số học sinh/giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì tại thời điểm năm 2020, hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 đối với tiểu học, 12.200 đối với THCS và 16.900 đối với THPT" - ông Quân đưa ra con số thống kê.

Hiện trên cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm 9 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục, 31 khoa, ngành Sư phạm trong các trường ĐH đa ngành, 35 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, 19 khoa, ngành Sư phạm trong các trường CĐ đa ngành, 3 trường trung cấp sư phạm và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Số lượng các trường đào tạo giáo viên nhiều, tuy nhiên ông Quân cho rằng, hệ thống đào tạo giáo viên đã bộc lộ những hạn chế: Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên ĐH, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH các ngành Sư phạm và ngoài sư phạm; chưa có sự phân tầng trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên…

Quan tâm "đầu ra"

Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm để đối phó với tình trạng thừa giáo viên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài, các chuyên gia giáo dục cho rằng phải quan tâm tới “đầu ra” cho sinh viên sư phạm.

“Đốt đuốc” tìm giáo viên giỏi

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có hơn 100 ngàn giáo viên. Hàng năm Sở được cấp 18 tỷ đồng để đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tuy nhiên, khi tìm giáo viên mũi nhọn để làm chương trình biên soạn, bồi dưỡng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, ông Đại đề xuất phải xem lại chính sách để thu hút người tài vào học tại các cơ sở đào tạo giáo viên.

GS Đinh Quang Báo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Đầu vào” không tốt thì không thể có giáo viên giỏi. Để hút nhân tài vào ngành Sư phạm ứng với mỗi giai đoạn nên có những chính sách ưu đãi phù hợp. Trong những năm 1996 đến 5 năm sau chúng ta đã có một “thế hệ vàng” tập trung vào các trường sư phạm nhờ chính sách miễn học phí, nhưng đến nay cái đó không còn giá trị nữa, giai đoạn này việc làm mới là yếu tố quyết định. Đào tạo giáo viên phải làm giống như ngành công an, quân đội, ra trường phải gắn sao luôn. Ngày nay nhiều sinh viên sư phạm ra trường trả lời không biết làm gì.

Khẳng định hiệu quả đào tạo tại các trường sư phạm chưa cao, ông Quân cho rằng phải tăng cường thực hành cho sinh viên, quan tâm tới sinh viên sau khi ra trường xem khả năng thích ứng của họ ra sao để điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp.

Dưới góc độ 1 trường ĐH địa phương đào tạo giáo viên, PGS Nguyễn Mạnh An, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cho biết: Thực tế, “đầu vào” của thí sinh trúng tuyển vào học tập tại các trường ĐH địa phương tương đối thấp về mặt chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng “đầu ra”, trong đó có đội ngũ giáo viên.

Từ thực tế đó, ông An khẳng định: Các trường ĐH địa phương nên có các lớp chất lượng cao về một số ngành mũi nhọn. Đây sẽ là các lớp thu hút được các thí sinh “đầu vào” có chất lượng; đồng thời tạo cơ chế, điều kiện tốt cho các em sinh viên học tập; dạy bằng chương trình tiếng Anh; đào tạo gắn với sử dụng.

Bên cạnh đó, ông An cũng cho rằng, các trường ĐH địa phương phải phối hợp, hợp tác với nhau và với các trường ĐH có uy tín. Thông qua đó phát triển chương trình đào tạo, tăng cường chuyên gia trong đào tạo và hợp tác trong khoa học và công nghệ.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm