Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đã đến lúc kiến thức Lịch sử trở thành tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo

Thứ sáu, 19/07/2019 - 16:24

(Thanh tra) - Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019, điểm thi Lịch sử tiếp tục đứng “đội sổ” với điểm trung bình 4,3. Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo.

SGK khi đổi mới phải có tính hấp dẫn, chữ nghĩa ít thôi... Ảnh: Internet

Còn tâm lý môn chính, môn phụ

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, trong tổng số 569.905 thí sinh dự thi Lịch sử, có tới 399.016 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm 70,01%).

Đáng nói, có tới 395 thí sinh đạt điểm liệt (dưới 1); điểm trung bình ở môn Sử rất thấp 4,3. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất chỉ là 3,75.

Lý giải nguyên nhân, cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho rằng, có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.

“Các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc”.

Chung quan điểm, cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An cho biết, Trường THPT Chu Văn An môn Lịch sử vẫn được coi trọng nhưng học sinh không còn hứng thú với môn học này nữa, các em lựa chọn hướng khác. Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng của gia đình, mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ.

“Nhiều phụ huynh cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2-3 tháng đến gặp chúng tôi để nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử, để mong cháu đủ điểm qua tốt nghiệp” - cô Hương nói.

Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) nhấn mạnh, không thể để tâm lý môn phụ - môn chính tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. Đội ngũ giáo viên các cấp cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh.

SGK Lịch sử mới… “chữ nghĩa ít thôi”!

Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng… nên học sinh rất sợ, khó nhớ.

“Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động” - GS Giang nhìn nhận.

Cho rằng, đổi mới là cần thiết nhưng GS Vũ Minh Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Sử, “nó có độ trễ, sự “đông cứng” trong chính các thầy cô giáo, chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành Sử”, chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Sử”.

Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, SGK khi đổi mới phải có tính hấp dẫn, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi.

Về điều này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới.

Đưa Sử vào nhiều tổ hợp xét tuyển

GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng Chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gợi mở, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, vị trí của môn học sẽ nâng cao hơn.

Đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển, giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, bên cạnh đổi mới chương trình, phương thức đánh giá, có cách nào đổi mới vị thế đặc thù môn Lịch sử được không?

Có nhiều năm phụ trách bộ môn Lịch sử cấp THCS và THPT, ông Xuân Trường, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần có một cuộc “cách mạng” trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để  chỉ đạo sát sao hơn với môn Lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm