Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Còn nhiều mối lo

Thứ sáu, 19/07/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Mùa tuyển sinh năm nay đang vào đợt "cao điểm". Để hút thí sinh, một số trường đại học (ĐH) đã dùng "chiêu" khai man giảng viên, công bố kết quả trúng tuyển trước khi học sinh được xét tốt nghiệp, yêu cầu xác định nhập học trước ngày xét tuyển chung… Bức tranh này đã tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các trường ĐH.

Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội. Ảnh: HH

Vẫn còn thiếu sót, sai phạm trong tuyển sinh

Bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, 3 năm trở lại đây, tỷ lệ đăng ký xét tuyển ĐH tương đối ổn định. Năm 2017, đăng ký xét tuyển là 73,9%; năm 2018: 74,3%; năm 2019: 73,6%.

Năm nay, có 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH với tổng số 2.575.305 nguyện vọng (tỷ lệ 3,9/1 thí sinh). Cá biệt, có 1 thí sinh đăng kí 50 nguyện vọng.

Nói về công tác tuyển sinh của các trường trong thời gian qua, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay, qua theo dõi chúng tôi thấy rằng bên cạnh một số trường còn gặp khó khăn (chẳng hạn khối trường kỹ thuật), thì công tác tuyển sinh ĐH ngày càng lành mạnh hơn, tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường.

Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho biết, thực tế cho thấy, nhiều ĐH vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm. Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án.

“Bộ đưa ra quy định là tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT quốc gia nhưng đến khi không đủ điều kiện thì có trường lại xét đến 80% học bạ. Hiện tượng như vậy là có” - ông Bằng nói.

Ngoài ra có nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường ĐH do lo ngại  tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao mà không đúng năng lực thực tế. Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng...

Mùa tuyển sinh năm nay, Chánh Thanh tra Bộ đề nghị, các trường quán triệt công văn hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh mà Bộ vừa ban hành ngày 15/7 để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra. “Xin nói rõ là thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường. Lãnh đạo Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, trong quá trình làm sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc tới đó”.

Nói về mức độ xử phạt, ông Bằng cho biết: Hiện nay, tùy thuộc vào mức độ sai phạm nên mức độ chịu trách nhiệm cũng khác nhau. Trước kia, những trường vi phạm thì bị chế tài phạt 3 năm không được mở ngành, không được liên kết đào tạo. Luật Giáo dục ĐH 2019 đã nâng lên thành 5 năm, tức là tính nghiêm túc cao hơn nhiều.

Lo cạnh tranh bất bình đẳng

Theo con số thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH là 489.637; chỉ tiêu xét tuyển thẳng bằng kết quả thi THPT là 341.840. Đáng lưu ý, tuyển sinh theo phương thức học bạ, đánh giá năng lực, kết hợp… tăng mạnh lên 147.797 chỉ tiêu (tăng 36 ngàn so với năm 2018).

Cả nước, có khoảng 150 trường tuyển sinh theo hình thức học bạ. Tại Hà Nội, nhiều trường ĐH công lập có tiếng cũng thông báo xét tuyển học bạ như: ĐH Ngoại thương (600 chỉ tiêu), Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, ĐH Luật Hà Nội (15% chỉ tiêu), Học viện Báo chí và tuyên truyền (30% chỉ tiêu), ĐH Mỏ Địa chất (540 chỉ tiêu), ĐH Văn hóa (xét học bạ chiếm 20% chỉ tiêu của từng ngành)…

Việc để các trường đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh, trong đó có xét tuyển bằng học bạ theo Bộ GD&ĐT là một cách thực hiện quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại có những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh từ việc xét tuyển học bạ.

PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, không phải chỉ năm nay, mà những năm gần đây, nhiều trường đã đa dạng hóa các hình thức xét tuyển. Việc trao quyền tự chủ trong tuyển sinh là điều bắt buộc phải làm.

Giai đoạn này có nhiều trường khó khăn trong công tác tuyển sinh, nên đôi khi phải có "kỹ thuật" để dành lợi thế cho mình. Thế nhưng, điều chúng tôi lo ngại nhất là việc các trường yêu cầu các em xác nhận trúng tuyển trước khi bước vào giai đoạn xét tuyển chung một ngày (vào đầu tháng 8).

“Tôi biết rất nhiều trường đã yêu cầu các em trúng tuyển thẳng và trúng tuyển theo học bạ phải xác nhận nhập học sớm. Như vậy là hạn chế cơ hội của thí sinh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng” - PGS Sơn nói đồng thời nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT với vai trò quản lý Nhà nước phải làm vai trò điều tiết để bảo đảm công bằng giữa các trường ĐH với nhau.

Cần chính sách hỗ trợ ngành đặc thù

Liên quan đến công tác tuyển sinh một số ngành đặc thù, ông Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về tuyển sinh.

Ông Cường nói: Tại các xã biên giới, hải đảo, người bám sát dân đó là dân phòng, y tế, cán bộ khuyến nông. Vì vậy khối ngành Nông lâm ngư xã hội rất cần, đất nước rất cần, nhưng thí sinh lại không mặn mà. Để giải quyết, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo các ngành này.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xác định một số ngành đặc thù. Nhưng đối với những ngành thuộc về liên ngành mong Bộ GD&ĐT hỗ trợ...


Tập trung thanh tra 3 nội dung

Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh ĐH, cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019.

Theo đó, nội dung thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2016, Quy chế thi THPT Quốc gia và quy chế tuyển sinh.

Trong đó, tập trung vào 3 nội dung: Thanh tra, kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh; việc tổ chức thi tuyển sinh và tổ chức xét tuyển…


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm