Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ động nhận diện, không để xảy ra sai sót trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Phương Anh

Thứ ba, 10/06/2025 - 16:26

(Thanh tra) - Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng, công tác thanh tra, kiểm tra cần được đặc biệt coi trọng. Phải chủ động nhận diện, phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn, không để xảy ra sai sót, nhất là trong bối cảnh số lượng thí sinh, cán bộ tham gia kỳ thi rất lớn; chỉ một vi phạm nhỏ từ giám thị hay thí sinh cũng có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTTT

Ngày 10/6, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi và làm việc với Ban Chỉ đạo thi TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi TP Hồ Chí Minh, năm nay, thành phố có 99.578 thí sinh đăng ký dự thi (tăng gần 9.000 thí sinh so với năm trước), trong đó 97.940 thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 1.638 thí sinh chương trình 2006.

Thành phố có 171 điểm thi với 4.242 phòng thi, trong đó có 3 điểm thi riêng cho thí sinh chương trình 2006. Mỗi điểm thi có 3 phòng dự phòng. Lực lượng phục vụ kỳ thi gồm 16.880 người.

Về công tác chỉ đạo, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi các cấp.

Về công tác dạy học, ôn tập, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã chủ động chỉ đạo các trường rà soát, phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp từng đối tượng. Đặc biệt, Sở ban hành Kế hoạch tập huấn cho giáo viên và học sinh, giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, rèn kỹ năng làm bài, tạo sự thống nhất trong chất lượng dạy học.

Công tác đăng ký dự thi được tổ chức chặt chẽ. 100% học sinh lớp 12 đăng ký trực tuyến đúng quy trình. Các thắc mắc, kiến nghị của thí sinh được hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT phối hợp với Công an thành phố xây dựng phương án an ninh toàn diện tất cả các khâu. Công tác bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng cũng được đặc biệt chú trọng.

Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm thi đã hoàn tất: Phòng thi đúng tiêu chuẩn, hệ thống lưu trữ, bảo mật đề và bài thi đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Các phương án hỗ trợ thí sinh cũng được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức thi được Giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt phương án chi tiết, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý với TP Hồ Chí Minh tại các điểm kiểm tra. Ảnh: TTTT

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đứng thứ 2 cả nước với địa bàn rộng, đòi hỏi tăng quy mô điểm thi, nhân lực và công tác an ninh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Ban Chỉ đạo TP Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, quán triệt tinh thần 8 từ khóa: “An toàn, thông suốt, nghiêm túc, khách quan, chu đáo, gọn nhẹ, tin cậy, hiệu quả”.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, kịp thời, sâu sát và toàn diện. Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, từ sớm, về trang thiết bị, con người, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, rõ người rõ việc; Công tác chuyên môn, nghiệp vụ phải nhuần nhuyễn, đúng quy trình, đúng quy chế, chính xác; Công tác phối hợp phải nhịp nhàng, thông suốt.  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh công tác truyền thông phải chủ động, kịp thời, xác định rõ nội dung và phương thức truyền thông, tạo ra sự đồng thuận, hướng tới một kỳ thi nghiêm túc nhưng thân thiện.

Trước những yêu cầu và thách thức mới của Kỳ thi năm nay, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng tiếp tục quán triệt tinh thần “4 đúng - 3 không”. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường. Cùng với đó là 2 đề cao: Đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ tham gia tổ chức thi; đề cao tinh thần tự giác của thí sinh trong thực hiện quy chế.

“Công tác thanh tra, kiểm tra cần được đặc biệt coi trọng. Phải chủ động nhận diện, phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn, không để xảy ra sai sót, nhất là trong bối cảnh số lượng thí sinh, cán bộ tham gia kỳ thi rất lớn; chỉ một vi phạm nhỏ từ giám thị hay thí sinh cũng có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý, khâu in sao đề thi cần được chuẩn bị cẩn trọng hơn nữa trong năm nay khi tổ chức đồng thời kỳ thi của hai chương trình giáo dục phổ thông 2006 và giáo dục phổ thông 2018. 

Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Ban Chỉ đạo thi TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, bảo đảm tất cả học sinh đều có cơ hội tham gia kỳ thi một cách công bằng, an toàn và thuận lợi nhất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trang bị kỹ năng, nghiệp vụ công tác pháp chế cho đội ngũ viên chức, người lao động

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trang bị kỹ năng, nghiệp vụ công tác pháp chế cho đội ngũ viên chức, người lao động

(Thanh tra) - Vừa qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) tổ chức tập huấn với chủ đề “Kỹ năng nghiệp vụ trong công tác pháp chế”. Sự kiện cung cấp những kiến thức thực tiễn bổ ích và mở ra nhiều định hướng giúp HaUI ngày càng hoàn thiện mô hình quản trị chuyên nghiệp, minh bạch và đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.

Chính Bình

15:45 23/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm