Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần giải pháp “có tình, có lý” cho giáo viên hợp đồng

Thứ hai, 11/11/2019 - 19:32

(Thanh tra)- Phát biểu tại lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô năm 2019, diễn ra sáng 11/11, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Kim Hoãn mong muốn, lãnh đạo TP tìm giải pháp “có tình, có lý" cho hàng trăm giáo viên hợp đồng…

Tại buổi lễ, nhiều tập thể, cá nhân đã được tôn vinh. Ảnh: HH

Năm học 2019-2020, Hà Nội có 2.746 trường (gồm 2.744 trường mầm non, phổ thông và 2 trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở) với 60.391 nhóm lớp và hơn 2 triệu học sinh.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, trong năm học vừa qua, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế; 155 giải quốc gia; đặc biệt trong các kỳ thi Olympic năm 2019, đã có 1 học sinh Hà Nội là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học...

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn TP là 96,18%...

Đây cũng là năm học thứ 3 ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức xét và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. 25 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học đã được đề nghị xét duyệt và trao giải.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một vấn đề được người đứng đầu ngành Giáo dục Thủ đô nhắc tới đầu tiên đó là, quy mô mạng lưới trường lớp ở một số địa bàn, ngành học, cấp học còn chưa hợp lý. Chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng miền chưa đồng đều; tình trạng bạo lực học đường chưa được khắc phục triệt để.

Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, giáo viên trong đó có cả cán bộ quản lý năng lực còn hạn chế, chưa tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ, thiếu chuẩn mực...

Đáng nói, vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định, có hiện tượng giáo viên ép buộc học sinh học thêm; vi phạm trong quản lý tài chính, thu chi đầu năm học vẫn còn, tạo dư luận xấu trong xã hội…

Vinh dự thay mặt cho các thế hệ nhà giáo phát biểu trước buổi lễ, NGND Nguyễn Kim Hoãn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, người có hơn 50 năm gắn bó với ngành GD&ĐT Thủ đô bầy tỏ vui mừng trước những thành tựu mà các thế hệ thầy và trò trên địa bàn Thủ đô đã đạt được.

Tuy nhiên, ông cũng trăn trở, băn khoăn trước việc hàng trăm giáo viên hợp đồng đang đứng trước nguy cơ mất việc sau nhiều năm cống hiến cho ngành Giáo dục.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đang đứng trước nguy cơ mất việc. Ảnh: HH

“Trong niềm vui lớn trước thành tích của ngành GD&ĐT Thủ đô trong 65 năm qua, nhưng ở năm học này, tôi vẫn băn khoăn về việc TP vẫn còn vài trăm giáo viên đã kiên trì phấn đấu, chấp nhận hợp đồng nhiều năm với mức lương chưa tương xứng, với hi vọng có một chỗ đứng trong ngành GD&ĐT, nhưng đến nay vẫn chưa được tuyển chọn. Tôi mong các đồng chí lãnh đạo TP tìm ra  giải pháp “có lý, có tình” đối với các giáo viên hợp đồng” - NGND Nguyễn Kim Hoãn trăn trở.

Bên cạnh đó, NGND Nguyễn Kim Hoãn cũng bày bỏ, người Thầy là người trực tiếp truyền đạt kiến thức, dạy học sinh thành người. Vì vậy, người Thầy cần được tôn trọng. Đây đó, có thể có một vài trường hợp chưa giữ gìn được tư cách nhà giáo, hoặc có ứng xử chưa đúng chuẩn mực, nhưng không vì thế mà hình ảnh người Thầy trở nên thấp kém trong mắt học sinh… Hiện nay, đã xuất hiện tâm lý an phận trong giáo viên, có người không dám nghiêm khắc với học sinh để tránh tai tiếng. Nếu xu hướng này phát triển thật nguy hại cho ngành Giáo dục…

Tại buổi lễ, ngành Giáo dục Thủ đô đã tặng Cờ Thi đua Chính phủ cho 9 tập thể; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 9 tập thể và 11 cá nhân; 5 đơn vị được tặng Cờ Thi đua của Bộ GD&ĐT; 40 nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc nhất ở các cấp học cũng được tôn vinh…

Điểm tên các trường là điểm sáng của giáo dục Thủ đô

Tại buổi lễ, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng điểm tên các trường là điểm sáng của giáo dục Thủ đô trong năm học qua.

Điển hình ở cấp học mầm non, ở vị trí đầu tàu, là Trường Mầm non 20/10, quận Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, còn có các trường Mẫu giáo Việt Triều; Mầm non Liên Bạt - huyện Ứng Hòa; Mầm non Kiến Hưng (Hà Đông), Mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy), Mầm non Hoa Sữa, Thạch Bàn (Long Biên)...

Ở cấp tiểu học (TH), trường có thành tích xuất sắc trong năm qua là TH Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy; TH Đan Phượng, huyện Đan phượng; các trường TH Khương Mai, Phương Liệt (Thanh Xuân), TH Kim Đồng (Ba Đình), TH Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm)…

Bậc THCS, các trường tốp đầu là THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm; Trần Phú, huyện Phú Xuyên; THCS Giảng Võ (Ba Đình), Nghĩa Tân (Cầu Giấy)...

Cấp học THPT, trường dẫn đầu trong mọi phong trào của ngành Giáo dục Thủ đô trong nhiều năm qua là THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Trường THPT Olympia - ngôi trường còn non trẻ nhưng là mô hình trường ngoài công lập thành công của TP…


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm