Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện

Thứ năm, 05/01/2017 - 11:11

(Thanh tra)- Vượt qua những tác động và ảnh hưởng không thuận lợi, đặc biệt là ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển ở miền Trung, ngành Du lịch đã nỗ lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, đánh dấu những cột mốc mới trên chặng đường phát triển bằng những con số ấn tượng. Năm 2016 đón 10 triệu khách quốc tế, tăng 25% so với năm 2015, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng…

Khách du lịch nước ngoài làm thủ tục tại Bến cảng Tuần Châu, Quảng Ninh. Ảnh: Thế Lữ

Nhờ những kết quả vượt bậc trong năm, ngày 16/12/2016, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về Đề án “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tháng 12.

Năm 2016, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ hai Quốc hội khóa XIV. Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho phép bổ sung, hoàn thiện Dự thảo và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XIV.

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập ngành Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại TP Hội An vào tháng 8/2016. Chỉ đạo của Thủ tướng về các vấn đề then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn là tiền đề để tạo sự chuyển biến cơ bản cho phát triển du lịch trong thời gian tới. Đây là cơ hội, điều kiện để ngành Du lịch có “tốc độ mới” trong thời gian tới.

Năm qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú được thực hiện tương đối tốt. Trong năm đã tổ chức 16 hội nghị với sự tham gia của 47 tỉnh, thành phố bàn giải pháp nâng cao chất lượng quản lý lữ hành, lưu trú… Đồng thời, thành lập nhiều đoàn kiểm tra giám sát hoạt động của các địa phương theo nội dung trên.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao được cải thiện và phát triển tốt do ngành Du lịch đã thu hút có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng. Nhờ vậy, khách du lịch lưu trú dài ngày, chi tiêu lớn. Những nhà đầu tư tiềm lực như: Sun Group, Vin Group, Mường Thanh, FLC… đã tạo ra những “sản phẩm du lịch” đạt đẳng cấp quốc tế, có phần nâng giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam.

Trong năm, ngành Du lịch đã tập trung nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến ở nước ngoài, tham gia 10 hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 16 thành phố của Trung Quốc và nhiều quốc gia Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Úc, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan.  Chính phủ Việt Nam tiếp tục chính sách miễn visa cho công nhân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha).

Trong nước, tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế năm 2016 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, Festival Huế. Năm nay, lần đầu tiên ngành Du lịch phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai chương trình quảng bá du lịch (VTVtrip) nhằm giới thiệu hình ảnh các điểm đến trên kênh truyền hình quốc gia, đồng thời công bố đưa vào hoạt động trang web với địa chỉ vietnamtourism.vn có giao diện và nội dung mới phục vụ quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Công tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới được nhìn nhận đúng mực. Nhiều tỉnh, thành phố đã có những chính sách, giải pháp cụ thể hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch thông qua việc rà soát, loại bỏ một số loại phí, thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, mặt bằng sạch; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hạ tầng du lịch ở những vùng trọng điểm như Quảng Ninh, Kiên Giang, Bình Đinh, Vĩnh Long…

Ngoài những con số ấn tượng như 10 triệu khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 400.000 tỷ đồng, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục từ trước đến nay: Tổng số khách nhiều nhất trong 1 năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong 1 năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015) là những chữ số thật sự có ý nghĩa bởi sự cố môi trường biển ở Hà Tĩnh đã gây ảnh hưởng cho nhiều tỉnh miền Trung từ đầu quý II cho đến nay. Nếu không có sự cố đó xảy ra, chắc chắn năm 2016 là năm mỹ mãn về kết quả của ngành “công nghiệp không khói”.

Một góc quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà Hills do Tập đoàn Sun Group đầu tư tại Đà Nẵng. Ảnh: DH

Để hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục hoạt động du lịch sau sự cố môi trường, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, ban, ngành thực hiện 2 hội nghị kích cầu du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch các tỉnh miền Trung tại Udothani và Bangkok (Thái Lan), đồng thời tổ chức 2 đoàn khảo sát dành cho doanh nghiệp và báo chí đến các tỉnh miền Trung chứng kiến môi trường đã được phục hồi, an toàn cho du khách nhằm thu hút khách du lịch trở lại các địa danh này.

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục, trong đó phải kể đến chất lượng dịch vụ tại một số nơi chưa đảm bảo, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế; quản lý hoạt động du lịch ở một số thị trường và hướng dẫn viên người nước ngoài còn nhiều bất cập; tai nạn đối với du khách vẫn xảy ra ở nhiều địa phương; thiếu chế tài quản lý một số loại hình du lịch đặc biệt…

Năm 2017, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 460.000 tỷ đồng, hướng phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những thành quả trên là hội tụ của 10 sự kiện tiêu biểu trong năm của ngành Du lịch Việt Nam đã được bình chọn.

Những con số biết nói

Theo số liệu công bố ngày 30/12/2016 của Tổng cục Du lịch, ước tính tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 10.012.735 lượt khách, tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2015. So với cùng kỳ năm trước, hầu hết các thị trường đều tăng, trong đó: Hồng Kông tăng 67,5%; Trung Quốc tăng 51,4%; tiếp đến là Hàn Quốc tăng 38,7; New Zealand tăng 33,3%, Tây Ban Nha tăng 29,0%; Nga tăng 28,1%; Italy tăng 27,2%; Thái Lan tăng 24,4%; Hà Lan tăng 22,2%; Lào tăng 20,2%…

Ước tính tổng số lượt khách du lịch nội địa trong năm 2016 đạt 62 triệu lượt khách, trong đó khách có lưu trú đạt 29,2 triệu lượt. Các điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch nội địa chủ yếu vẫn là các điểm truyền thống như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Quảng Ninh, Cần Thơ, Lào Cai. Năm 2016 cũng đánh dấu sự tăng trưởng của những điểm du lịch mới nổi như Hà Giang, Phú Quốc, Phú Yên, Côn Đảo, Lý Sơn, Sầm Sơn.

Tổng thu từ khách du lịch (bao gồm tổng giá trị xuất khẩu và tiêu dùng trong nước) ước đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm