Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ năm, 09/03/2023 - 06:35
(Thanh tra)- Ngay từ những tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch ở nước ta tưng bừng, khởi sắc với số lượng khách tăng vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng mừng hơn, nhiều địa phương đón các đoàn khách quốc tế với số lượng lớn. Tuy có những tín hiệu vui, ngành Du lịch vẫn đứng trước nhiều thách thức...
Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: HH
1,8 triệu lượt khách quốc tế, 20 triệu lượt khách nội địa
Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng.
Một số địa phương cũng ghi nhận doanh thu từ dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống tăng trưởng hàng chục lần trong 2 tháng đầu năm, như: Quảng Ninh đón 3,35 triệu lượt khách du lịch, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022 (trong đó, khách quốc tế đạt 157 nghìn lượt), tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Ngành Du lịch Hà Nội đã đón 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 535.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, tổng thu từ du lịch ước đạt 13.200 tỉ đồng. TP Hồ Chí Minh thu hút hơn 676.565 lượt khách du lịch quốc tế và hơn 4,6 triệu khách nội địa, ước đạt 13% so với kế hoạch năm. Khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt 742,5 nghìn lượt, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022…
Đánh giá hoạt động du lịch những tháng đầu năm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng hoạt động du lịch có sự khởi sắc rõ nét.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những tháng đầu năm khá đa dạng. Trong số 2/3 lượt khách quốc tế, các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia và Australia.
Đối với thị trường nội địa, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng hàng loạt chương trình khuyến mãi, cùng chuỗi các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm để quảng bá điểm đến và liên kết để làm mới sản phẩm du lịch. Đơn cử, nhiều hãng lữ hành đã liên kết với các cơ sở lưu trú du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí để xây dựng các gói dịch vụ, chương trình khuyến mãi 10 - 55%.
Có được những kết quả đó, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ, Tết trong những tháng đầu năm, vì vậy, công tác phục vụ khách du lịch tốt, không xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Cùng với đó là sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện có quy mô lớn của địa phương, trung tâm du lịch, đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, thăm quan của du khách trong dịp đầu năm.
“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau 3 năm dịch bệnh. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm của mình”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Tăng thời gian lưu trú cho du khách
Dù lượng khách du lịch tăng cao ngay từ đầu năm 2023, song ngành du lịch cũng đối diện với những khó khăn, thách thức.
Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế - xã hội trong nước dẫn đến sức mua của du khách giảm, khách hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ du lịch trung và cao cấp. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch đầu năm chủ yếu là du lịch tâm linh, đi trong ngày nên lượng khách lưu trú giảm.
“Năm 2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Du lịch do xu hướng, nhu cầu của du khách quốc tế đã thay đổi. Ngoài ra, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chi tiêu của du khách”, ông Khánh đánh giá.
Đặc biệt, sau khi nhận được thông tin của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc thông báo từ ngày 6/2/2023 thí điểm cho khách đoàn đi du lịch nước ngoài tới 20 quốc gia nhưng chưa có Việt Nam, thì ngành Du lịch Việt Nam lại mất đi một lượng khách không nhỏ từ quốc gia này, bởi trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu lượt. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần, từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. Tỷ trọng khách Trung Quốc trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng dần, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019...
Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần chủ động nghiên cứu lại thị trường, xu hướng và nhu cầu của du khách để xây dựng sản phẩm mới phù hợp; tăng cường các biện pháp quảng bá, thu hút du khách.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL có công hàm gửi sang Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đề nghị xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung Việt Nam vào danh sách các nước trên.
“Tới đây, thị trường khách Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh, các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược “đón đầu” hiệu quả”, ông Vũ Thế Bình nói.
Bên cạnh đó, các chính sách thị thực cần thông thoáng hơn, tăng thời gian lưu trú cho du khách.
Bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia, ngày 3/2, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã gặp, làm việc song phương với đoàn công tác Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, đề nghị phía bạn xem xét bổ sung Việt Nam vào danh sách áp dụng thí điểm đón khách du lịch Trung Quốc theo đoàn...
Hiện Tổng cục Du lịch đang tích cực phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (Bộ VHTTDL), Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cùng các địa phương, doanh nghiệp để chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia Hội chợ ITB Berlin 2023, từ ngày 7-9/3 tại Thủ đô Berlin.
“Đây là cơ hội để quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam, tiếp cận thị trường, mở rộng kết nối với các đối tác quốc tế. Gian hàng Việt Nam có diện tích 450m2 với chủ đề, nội dung phù hợp với xu hướng thị trường trong bối cảnh mới, mở ra một giai đoạn phát triển mới, nâng tầm cho du lịch Việt Nam, cùng một số hoạt động xúc tiến, quảng bá bên lề được đầu tư đổi mới về nội dung, hình thức thể hiện” - lãnh đạo Tổng cục Du lịch nói.
Với tín hiệu khởi đầu thuận lợi trong 2 tháng đầu năm như vậy, ngành Du lịch kỳ vọng hoạt động du lịch sẽ rộn ràng hơn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.
Thái Hải
21:03 21/11/2024(Thanh tra) - Ngày 20/11, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” nhằm gia tăng sức cạnh tranh và tăng cường thu hút du khách dịp cuối năm 2024 cũng như tăng sức bật cho ngành Du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.
Trọng Tài
14:03 20/11/2024Trọng Tài
08:49 19/11/2024Trần Lê
23:13 18/11/2024Trần Kiên
08:47 17/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền