Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển du lịch sinh thái mở hướng làm giàu

Ngọc Phó

Thứ sáu, 02/09/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Hoà Vang là vùng căn cứ cách mạng năm xưa, nằm phía Tây TP Đà Nẵng; có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên nhưng đời sống người dân còn chật vật, khó khăn. Để giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Du khách tham quan tại Làng Du lịch sinh thái Thái Lai, Hòa Nhơn, Hòa Vang. Ảnh: N.P

Trước đó, trên địa bàn Hoà Vang đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh du lịch sinh thái tự phát của người dân.

Nhiều nhất là tại xã Hoà Bắc, như mô hình du lịch cộng đồng ở làng Cơ Tu, là mô hình đi đầu của người bản địa với tâm huyết khôi phục bản sắc văn hóa; tạo tiền đề phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số học tập và làm theo.

Đây là ý tưởng của anh Đinh Văn Như đã mạnh dạn vay vốn 700 triệu đồng, dùng 800m2 đất vườn và vật liệu sẵn có như tre nứa, gỗ vườn, khung thép để dựng một căn nhà sàn diện tích 150m2 phục vụ khách du lịch lưu trú. Ngay từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2019, mô hình đã thu hút đông đảo khách du lịch…

Nhiều hoạt động khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu, nghề đan lát thủ công, khôi phục đội múa cồng chiêng; sửa chữa, phục hồi lại nhà Gươl và nhiều dịch vụ khác nhằm thu hút du khách.

Mô hình đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 10 lao động là con em người Cơ Tu. Thu mua các sản phẩm nông nghiệp tại chỗ như rau, quả, heo, gà, vịt, cá, ốc suối của bà con sản xuất, hái lượm và đánh bắt được từ rừng, suối về phục vụ ẩm thực cho du khách. Các hoạt động trải nghiệm của du khách dưới sự hướng dẫn của các thành viên mô hình làng du lịch cộng đồng góp phần giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn nước, quản lý và bảo vệ rừng…

Mô hình du lịch tại làng CoCo, thôn Lộc Mỹ, Hoà Bắc, do ông Nguyễn Đức Vinh đầu tư lắp ghép trên đất nông nghiệp từ năm 2019 trên diện tích 1,4ha. Tại đây, du khách được trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú, ẩm thực từ các sản phẩm nông - ngư nghiệp.

Tiếp đó là mô hình du lịch cộng đồng Làng Yên Retreat, thôn Nam Yên, Hoà Bắc, của ông Bùi Đức Tuấn đầu tư 6 tỷ đồng, trên diện tích 39.000m2 đất, hình thành từ năm 2018. Tại khu vực này, lắp ghép một gian nhà chính bằng gỗ diện tích 100m2 làm nơi phục vụ ăn uống cho khách, 10 lều tạm bằng vải diện tích 10m2/lều để khách dã ngoại, cắm trại, làm nông trại, nấu đường mía truyền thống, tham gia các hoạt động văn hóa địa phương của đồng bào Cơ Tu.

Khu du lịch sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp Làng Mê cũng tại thôn Nam Yên, do ông Ngô Quốc Bình làm chủ, có diện tích hơn 4.400m2 đất. Chủ đầu tư xây dựng một gian nhà vật liệu tre, sườn sắt trên diện tích 170m2 để phục vụ ăn uống cho du khách, 10 căn lều bằng vải bạt, mỗi lều 10m2, diện tích còn lại trồng rau màu ngắn ngày…

Hay như Khu du lịch Hoàng Đô, do ông Hoàng Đô đầu tư trên diện tích 1,5ha; với một ngôi nhà cũ diện tích 40m2 và diện tích ao hồ sẵn có. Du khách được câu cá tại hồ nuôi cá và thưởng thức ẩm thực từ cá, thịt lợn rừng nuôi tại chỗ.

Du khách đến Hoà Bắc được dã ngoại, cắm trại, vui chơi tập thể. Ảnh: N.P

Nông nghiệp sinh thái ở Hòa Bắc gắn với vườn rau, cây trái, ruộng đồng, ao cá, làng quê, cảnh quan núi rừng. Nếu phát triển được du lịch, sản phẩm nông nghiệp sẽ được gắn kết tiêu thụ mạnh thông qua dịch vụ du lịch.

Thấy chủ trương của địa phương theo xu hướng phát triển du lịch sinh thái, không ít người dân cũng chạy theo mô hình này, tự ý dựng các lều sạp tạm, chuyển nhượng đất nông nghiệp… đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý đất đai và đã bị kiểm tra, “tuýt còi”…. Song, không thể phủ nhận mặt tích cực của hoạt động phát triển du lịch từ tận dụng đất nông nghiệp cằn cỗi, bỏ hoang; tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Việc kinh doanh trong lĩnh vực du lịch mang lại nguồn thu không nhỏ, đồng thời tiêu thụ được các loại sản phẩm nông nghiệp khác cho du khách.

Du lịch đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Vậy nhưng, cái khó nhất của phát triển du lịch trên đất nông nghiệp là hành lang pháp lý, vì nếu kinh doanh dịch vụ du lịch trên đất nông nghiệp là vi phạm luật, do sử dụng đất sai mục đích; khiến người nông dân, chủ của những mô hình du lịch này rất băn khoăn, trăn trở…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, trong những năm qua, mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Tà Lang, Hòa Bắc của anh Đinh Văn Như được lãnh đạo TP rất tâm đắc; nó đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số một cách rõ rệt.

Ngày 17/12/2021, HĐND TP Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 82 về việc “thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang” .

Đây là cơ sở pháp lý để huyện nghiên cứu triển khai phát triển dịch vụ du lịch của địa phương một cách thận trọng, đúng quy định pháp luật.

Huyện đã có 2 đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và phát triển du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; được UBND TP phê duyệt. UBND huyện đã mạnh dạn đề xuất TP cho triển khai 15 mô hình phát triển du lịch, được xây dựng các tiêu chí, có đủ điều kiện theo quy định để đầu tư. Làm du lịch nhưng không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và cam kết thực hiện đúng mô hình theo chủ trương của Nghị quyết số 82 của HĐND TP.

Mới đây, UBND huyện đã khai trương Khu du lịch Làng sinh thái Thái Lai (xã Hòa Nhơn), lấy trung tâm là ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường tuổi đời hơn 200 năm. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm đạp xe tham quan làng cổ, thưởng thức ẩm thực truyền thống, hướng dẫn nấu ăn, lưu khách Đỗ Gia Viên, cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện, nhà sàn nghỉ ngơi.

“Mô hình này sẽ được triển khai ở Hòa Vang để cải thiện nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Hòa Vang quyết tâm đi đúng hướng phát triển du lịch đã chọn” - ông Dũng kỳ vọng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm