Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Một năm nhìn lại: Ngành Du lịch Việt Nam tạo đà và bứt phá

Thái Hải

Thứ năm, 02/01/2025 - 08:00

(Thanh tra) - Khép lại năm 2024, những con số ấn tượng của ngành Du lịch cho thấy, đây là năm khởi sắc, khẳng định sự phục hồi và bứt phá mạnh mẽ, hứa hẹn bùng nổ trong năm 2025.

Khách quốc tế đến Việt Nam gần đặt mục tiêu đề ra (18 triệu lượt khách). Ảnh: IT

Những con số ấn tượng

Theo thống kê mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 19/12/2024, ngành Du lịch đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam trong năm qua và gần đạt mục tiêu đề ra (18 triệu khách quốc tế).

Trong năm 2024, du lịch nội địa cũng "lên ngôi" trong xu hướng tìm kiếm về điểm đến. Chủ đề "du lịch" cho thấy nhu cầu đi du lịch của người Việt vẫn tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng chung của nền kinh tế.

Nếu như năm ngoái, chỉ có 9 địa phương có doanh thu về du lịch trên 10.000 tỷ đồng thì năm nay con số chưa chính thức cho thấy đã có khoảng 15 địa phương đạt mức này. Đáng chú ý nhiều địa phương đã vượt ngưỡng doanh thu tỷ USD như Bình Định, Thanh Hóa, hay như TP Hồ Chí Minh doanh thu hơn 190.000 tỷ đồng; Hà Nội, doanh thu đạt 99.949 tỷ đồng.

Nhiều sản phẩm mới phù hợp, thu hút du khách

Lý giải sự hồi phục mạnh mẽ này, trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia cho biết, đó là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh.

Cùng với đó là việc cải thiện hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp xu hướng, cùng những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng.

Những chuyển biến này giúp Việt Nam nâng cao sức hút và khả năng cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, tạo tiền đề tăng trưởng khách quốc tế trong năm qua”, ông Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự tham gia đồng hành của các bộ, ngành liên quan, nhờ đó toàn ngành đã dần khởi sắc trở lại. Những điểm nghẽn, vướng mắc đang dần được tháo gỡ, giúp cho du lịch Việt đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển.

Ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, du khách chi tiêu cao. Ảnh: IT

Hình ảnh du lịch Việt Nam tiếp tục được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để giành 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ sáu Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.

Nhất là, trong năm qua, du lịch Việt Nam đã hướng vào thực chất khi khai thác hiệu quả các lợi thế về tài nguyên văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Tạo sản phẩm cao cấp, nắm bắt xu thế để bứt phá

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới và tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP. Chỉ tiêu này cao gấp 1,5 lần mục tiêu năm 2024, song các chuyên gia tin rằng, Việt Nam có thể đạt được, với điều kiện phải nỗ lực gấp đôi và đòi hỏi ngành Du lịch phải tăng tốc bứt phá, đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển bền vững.

Du lịch xanh, du lịch Net Zero đích thực cũng được hướng đến trong mục tiêu phát triển du lịch. Ảnh: IT

Cho rằng, phân khúc khách quốc tế cao cấp có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch, theo ông Thủy, ngành Du lịch Việt Nam xác định ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, du khách chi tiêu cao. Vì vậy, thời gian tới ngành Du lịch cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, chú trọng yếu tố độc đáo, nguyên bản, cá biệt, cá nhân hóa, tinh tế gắn với văn hóa, hài hòa với thiên nhiên, môi trường, mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho khách du lịch cao cấp...

Ông Thủy dẫn chứng, nửa cuối năm 2024, ngành Du lịch và các địa phương đã có nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề nhằm tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm cách gia tăng giá trị thặng dư cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; hướng tới du lịch cao cấp với phân khúc khách hàng chi tiêu cao, phát triển du lịch Việt Nam bền vững.

Ngoài ra, định vị thương hiệu du lịch Việt gần đây cũng dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Các tín hiệu tích cực là một số tỷ phú và nhiều du khách quốc tế có mức chi tiêu cao đã lựa chọn Việt Nam để tổ chức các sự kiện quan trọng.

Đơn cử, năm qua, đã có hơn 10 đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ tổ chức ở hệ thống Vinpearl; sự kiện một tỷ phú ngành dược của Ấn Độ lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi tổ chức kỳ nghỉ cho 4.500 nhân viên hồi cuối tháng 8...

Tín hiệu cho thấy thị trường du lịch MICE (du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo) quốc tế đã có những khởi sắc trở lại, khi đoàn 1.000 khách của Công ty Dược phẩm JB Pharma (Ấn Độ) đã đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 12...

Dù còn nhiều thách thức đang đặt ra cho du lịch Việt Nam, nhưng kết quả đạt được năm 2024 chính là bước tạo đà để ngành Du lịch bứt tốc trong năm tới. Định hướng phát triển du lịch Việt Nam đã được xác định rõ là: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm