Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Mỏ vàng” chưa được khai thác xứng tiềm năng

Hải Hà

Thứ năm, 02/03/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Du lịch nông thôn được xem là "mỏ vàng" để phát triển du lịch của Hà Nội với các trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm... Hiện nay, mô hình này chưa được đầu tư phát triển xứng với tiềm năng.

Các em nhỏ trải nghiệm thu hái dược liệu tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Nguyễn Mai

Vẫn “mạnh ai nấy làm”

Thông tin của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, với 806 làng nghề, du lịch nông thôn được xem là “mỏ vàng” của du lịch Thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm. Trong đó, 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê như: Công viên Nông nghiệp Long Việt (Sóc Sơn), trang trại đồng quê (Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (Phúc Thọ)…

Theo GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học Phát triển nông thôn, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội), mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Mặt khác, ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.

Thực tế, hầu hết khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Đặc biệt, du lịch nông thôn phát triển manh mún, tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, chủ thể phát triển du lịch nông thôn là các hộ dân địa phương nên tiềm lực đầu tư hạn chế và vẫn “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến hiện tượng chưa tạo ra bức tranh du lịch tổng thể. Người dân nông thôn rất cần được hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng, cải tạo môi trường…

Phát triển theo hướng "tăng trưởng xanh"

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển loại hình du lịch nông thôn đòi hỏi cơ quan quản lý cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh đến phát triển du lịch xanh, cần phải lưu ý đến yếu tố sử dụng nguồn tài nguyên, năng lượng xanh - sạch, hạn chế “rác thải nhà kính”.

Để phát triển du lịch nông thôn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, ông Đào Đức Huấn cho rằng, cần có sự tham gia của cộng đồng người dân bản địa và các tiêu chí về hạ tầng.

“Muốn phát triển du lịch nông thôn thì giao thông phải thuận tiện; môi trường bảo đảm; các cơ sở dịch vụ hạ tầng, quản lý rác thải tốt; nguồn nhân lực bảo đảm có đủ năng lực phục vụ khách…”, ông Đào Đức Huấn nêu rõ.

Cho ý kiến về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Như, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chia sẻ, cần lưu ý đến tính thời vụ của sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để từ đó có chính sách đầu tư phù hợp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phải tăng cường giám sát các điểm du lịch để bảo đảm hoat động du lịch diễn ra suôn sẻ, chất lượng. Các địa phương khi phát triển loại hình này cần xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, môi trường bảo đảm cho du khách…

Chung quan điểm, ông Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa Giáo dục, Văn phòng Quốc hội, cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp.

Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.

Do đó, để phát triển loại hình du lịch này, cần nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng để có những giải pháp, phương thức khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

"Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh”, gắn với đặc thù, khả năng của từng địa phương. Vấn đề là cần có cơ chế, chính sách cụ thể từ phía chính quyền để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững", ông Cương nêu.

Thông tin đáng chú ý được Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang chia sẻ, đó là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.

Trong đó, định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước. Sau khi xây dựng bộ tiêu chí, Sở Du lịch sẽ trình UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận và triển khai một số mô hình điểm, tiến tới nhân rộng…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm