Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khơi dậy tiềm năng du lịch đất Phượng Hoàng

Văn Kế

Thứ năm, 11/11/2021 - 17:58

(Thanh tra) - Để từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế của địa phương, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) xác định phát triển 3 sản phẩm du lịch chính của huyện: Du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch vui chơi - giải trí - thể thao và các sản phẩm du lịch khác mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của huyện.

Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Ảnh: Văn Kế

Có vị trí địa lý tiếp giáp với thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sửa lâu đời. Từng là trang ấp của Thái sư Trần Thủ Độ lại có dải Nham Biền huyền thoại với 99 ngọn núi thiêng, nơi lưu giữ di tích quốc gia đặc biệt, di sản ký ức châu Á - Thái Bình Dương… tất cả đã tạo nên tài nguyên quí cho địa phương trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là khai thác phát triển du lịch.

Tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng

So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Yên Dũng có những lợi thế lớn để phát triển du lịch và thực tế huyện đã có những định hướng chiến lược để khai thác lợi thế ấy. Tuy nhiên, để du lịch thực sự là một thế mạnh của vùng đất Phượng Hoàng, vẫn cần có những bước đột phá.

Lục Đầu Giang

Là vùng đất cổ Yên Dũng được bao bọc bởi ba con sông (sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam) và chứa đựng rất nhiều các trầm tích văn hóa, các di tích lịch sử mang nhiều nét văn hóa đặc thù và có tầm ảnh hưởng mang tính liên vùng. Theo thống kê, Yên Dũng có hơn 270 di tích, trong đó có hơn 70 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Kem, xã Nham Sơn và chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với hơn 3.000 bản ván khắc được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều ngôi chùa khác ở Yên Dũng như: Chùa Nham Nguyệt (xã Tân Liễu); chùa Lao, chùa Tiên La (xã Đức Giang); đặc biệt là chùa Kem (xã Nham Sơn) được xây dựng từ thế kỷ thứ XV tọa lạc dưới chân núi Nham Biền huyền thoại, từng là nơi đồn trú, đóng binh của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám từng là những danh lam cổ tự của dòng Thiền Trúc Lâm.

Tập trung xây dựng, phát triển 3 sản phẩm du lịch chính

Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ - du lịch theo hướng hiện đại.

Cụ thể, thu hút khoảng 500.000 lượt khách; doanh thu du lịch đạt 115 tỷ đồng; có từ 3 - 5 khách sạn kết hợp với nhà hàng ăn uống đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao; 100% điểm du lịch có trung tâm thông tin phục vụ công tác đón tiếp khách, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và được lắp đặt thiết bị phát wifi miễn phí; tạo việc làm cho từ 800 - 1.000 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; 100% lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến công tác quản lý, tuyên truyền, quảng bá, hoạt động xúc tiến du lịch; hoàn thành việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

Đặc sản cua da Yên Dũng

Phát triển 3 sản phẩm du lịch chính của huyện: Du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch vui chơi - giải trí - thể thao; nghiên cứu, từng bước xây dựng hình thành sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng.

Quan tâm định hướng phát triển du lịch.

Huyện Yên Dũng có nhiều lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí - thể thao.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, thời gian tới huyện thực hiện hoàn thành quy hoạch phân khu: Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf) gắn với dãy núi Nham Biền, huyện Yên Dũng; quy hoạch phân khu: Các điểm du lịch tâm linh gắn với “Con đường Hoằng Dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; quy hoạch khu du lịch cấp quốc gia Tây Yên Tử (từ Tây Yên Tử đến Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ và chùa Vĩnh Nghiêm).

Với chủ trương khai thác tiềm năng cho phát triển Du lịch, từ nhiệm kỳ trước lãnh đạo huyện Yên Dũng đã rất quan tâm đến việc quy hoạch các điểm đầu tư du lịch. Cụ thể huyện đã huy động nhiều nguồn đầu tư cho việc trùng tu tôn tạo các di tích trên địa bàn, đặc biệt là Khu Di tích chùa Vĩnh Nghiêm. Quy hoạch xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, quy hoạch và xây dựng sân golf và dịch vụ Yên Dũng.

Đặc biệt mới đây, Khu vực khe Hang Dầu thuộc xã Nham Sơn đã được quy hoạch và được UBND tỉnh Bắc Giang trao quyết định đầu tư cho dự án. Đây là một dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 497 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD).

Huyện cũng tập trung mở rộng không gian, tôn tạo cảnh quan, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị chùa Vĩnh Nghiêm, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đưa du lịch chùa Vĩnh Nghiêm cùng với Tây Yên Tử thành sản phẩm tiêu biểu cho du lịch văn hóa - tâm linh của tỉnh. Đẩy mạnh công tác liên kết vùng du lịch đối với các địa phương lân cận, ưu tiên kết nối các điểm du lịch như: Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ; Khu Du lịch văn hóa tâm linh đền Kiếp Bạc; Khu Du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái Côn Sơn.

Đồng thời xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn OCOP chất lượng cao tại điểm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm và thị trấn Nham Biền. Khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương như: Gạo thơm Yên Dũng, Gốm làng Ngòi (xã Tư Mại), Tương Trí Yên, mộc mỹ nghệ (xã Lãng Sơn). Xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của huyện phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng, hoàn thiện, phát triển các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch của huyện với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Chùa Vĩnh Nghiêm

Bên cạnh đó, huyện tập trung các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng, tu bổ, phát triển một số điểm du lịch trọng điểm của huyện; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Kết nối các di tích lịch sử văn hóa khu vực dãy núi Nham Biền. Từng bước xây dựng hình thành sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng.

Xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của huyện, các điểm du lịch trọng điểm có sản phẩm lưu niệm riêng. Khuyến khích, hỗ trợ duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.

Quy hoạch, bố trí, ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực vào đầu tư các dự án lớn về du lịch, xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort từ 3 sao trở lên; tạo điều kiện phát triển hệ thống nhà hàng, siêu thị, trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa du lịch - thương mại.

Cùng đó, đa dạng các hình thức tuyên truyền, quảng bá về du lịch của huyện trên các phương tiện thông tin. Xây dựng chiến lược quảng bá du lịch Yên Dũng, xác định những sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện để thu hút đầu tư. Quan tâm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch, các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của huyện.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho các chủ nhà hàng, khách sạn tại các điểm du lịch; khuyến khích chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý du lịch.

Có thể khẳng định với những lợi thế sẵn có cùng với hướng phát triển phù hợp, du lịch Yên Dũng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương. Đồng thời từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế của địa phương và sớm trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ - du lịch theo hướng hiện đại.

Với sự nỗ lực vào cuộc và tư duy tích cực trong việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng cho phát triển du lịch, hy vọng trong tương lai gần, Yên Dũng hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ gắn với phát triển không gian văn hóa của tỉnh Bắc Giang.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm