Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đừng để chỉ là tiềm năng

Chủ nhật, 13/10/2013 - 09:58

(Thanh tra) - Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương.

Làng nghề luôn là điểm đến hấp dẫn... nhưng vẫn chỉ là tiềm năng!.

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình. Những làng nghề này như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Đó cũng là một cách giới thiệu sinh động về đất, nước và con người của mỗi vùng, miền, địa phương. Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch.

Ở Việt Nam, làng nghề truyền thống chứa đựng tiềm năng dồi dào của loại hình du lịch chuyên khảo hấp dẫn. Ngành Du lịch và các địa phương đang nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng đầu tư khôi phục, bảo tồn, phát triển các vùng làng nghề, xây dựng tuyến du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm nhằm thu hút du khách, qua đó vừa giới thiệu bức tranh muôn vẻ của làng quê đất nước, vừa đẩy mạnh hoạt động kinh tế thông qua “xuất khẩu tại chỗ” các mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều chuyện cần bàn. Và sản phẩm du lịch làng nghề vẫn chưa tự mình làm nên thương hiệu.

Việt Nam có khoảng 3.000 làng nghề; trong đó có 400 làng nghề truyền thống gồm 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Tiềm năng là vậy, nhưng khách đến làng nghề vẫn rất ít dù đã có khá nhiều chương trình tour giới thiệu.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, các làng nghề này chưa có điều kiện trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan. Sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng. Bên cạnh đó, một số làng nghề hướng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông và môi trường còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, một thực trạng cũng cần được đánh giá là các làng nghề ở nước ta, nhiều về số lượng, phong phú về loại hình sản xuất, nhưng hàng nghìn “mỏ tài nguyên du lịch” ấy không cho ra nổi một sản phẩm đồ lưu niệm đặc trưng của du lịch Việt Nam. Các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại không được lưu tâm tới.
 

Đối với phát triển du lịch làng nghề, thì đây thực sự là một thiếu sót lớn, bởi các làng nghề quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn. Đó là chưa kể đến việc các sản phẩm còn quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường.

Tiềm năng phát triển du lịch làng nghề là rất lớn, nhưng thế mạnh này lâu nay vẫn chưa được khai thác tốt vì nhiều lý do. Thực tiễn cũng cho thấy, với nhiều làng nghề, nhiều người thợ thủ công, những biện pháp, giải pháp mà cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương nêu ra là rất nhiều, có điều, để triển khai thực hiện, áp dụng vào thực tế thì họ lại không biết bắt đầu từ đâu.

Theo ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mặc dù phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch, nhưng chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa và xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn. Những làng nghề đã thu hút nhiều du khách chỉ mang tính tự phát, mà nguyên nhân chính là các ban, ngành liên quan thiếu sự phối hợp cần thiết trong xây dựng, quy hoạch du lịch làng nghề.

Dù các đơn vị chức năng đã nhìn ra thực trạng này, nhưng cho đến nay, qua nhiều năm, việc phát triển du lịch làng nghề vẫn rất “manh mún” và gần như dậm chân tại chỗ. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các ngành có liên quan như ngành Công thương, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải phối hợp chặt chẽ nhằm phát triển tốt hơn. Để đạt được mục tiêu như vậy thì còn rất nhiều việc phải làm.

Nhiều địa phương cũng nhận thấy lợi ích khi phát triển làng nghề kết hợp du lịch, nhưng việc khai thác hiện nay quá hạn chế. Các địa phương vẫn loay hoay tìm cách phát triển du lịch làng nghề, dân làng nghề làm du lịch theo kiểu tự phát, còn khách du lịch vẫn tự tìm đến làng nghề là chính chứ ít đi theo tour. Vậy, đâu là hướng đi đúng cho phát triển du lịch làng nghề?


Thiên Long – Cinet

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm