Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Biến du lịch trở thành một ngành kinh tế thế mạnh của huyện

Văn Kế

Thứ tư, 10/11/2021 - 23:33

(Thanh tra) - Huyện Việt Yên (Bắc Giang) có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng, cùng đó là các làng nghề truyền thống nổi tiếng. Đây là những lợi thế để huyện đầu tư, khai thác, phát triển du lịch.

Di tích quốc gia đình, chùa Thổ Hà, xã Vân Hà… Ảnh: VK

Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa có đủ tiềm năng cho phát triển du lịch

Từ xa xưa Việt Yên được xem là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và hiếu học của xứ Kinh Bắc xưa, nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc và nhiều làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời. Nơi đây còn có nhiều làng Quan họ nhất vùng văn hóa Kinh Bắc với 18 làng Quan họ đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việt Yên là một huyện trung du của tỉnh Bắc Giang, nằm giữa hai con sông thơ mộng là sông Cầu và sông Thương, cách trung tâm của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh 10 km. Toàn huyện có 18 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 17.135 ha. Việt Yên là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với trên 300 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, 20 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh. Một trong những điểm nhấn nổi bật phải kể đến là Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà - danh lam cổ tự nổi tiếng đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch năm 2019.

Làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà. Ảnh: VK

Ngoài ra nhiều ngôi đình không những mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như: Đình Thổ Hà (xã Vân Hà) xây dựng năm 1686; đình Đông (thị trấn Bích Động), đình Mật Ninh.

Nhiều ngôi chùa của huyện cũng được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn), chùa Vĩnh Hưng (xã Quảng Minh), chùa Sùng Nghiêm và đình làng Vân Cốc (xã Vân Trung) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia...

Việt Yên còn là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: Hàn lâm viện thừa chỉ Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Và một nhân vật lịch sử đặc biệt mà ta phải kể đến đó là Hán quận công Thân Công Tài - một danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc, một nhà chính trị - quân sự, nhà ngoại giao - kinh tế đại tài cuối thế kỷ XVII. Vì vậy, khi đến mảnh địa linh nhân kiệt này, du khách còn có thể ghé thăm hai công trình di tích lịch sử đó là: Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung và Mộ và Đền thờ Hán quận công Thân Công Tài. Cùng đó là các làng nghề truyền thống: Mây tre đan xã Tăng Tiến, nấu rượu làng Vân, sản xuất bánh đa nem, mỳ Thổ Hà, xã Vân Hà.

Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển thế mạnh về du lịch của địa phương

Định hướng đến năm 2030, huyện Việt Yên phấn đấu có 1 khu du lịch được công nhận khu du lịch cấp tỉnh. Đến năm 2030 thu hút được khoảng 1 triệu lượt khách/năm; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 500 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch, từ nay đến năm 2025, huyện Việt Yên định hướng không gian, quy hoạch phát triển các Khu đô thị, trong đó chú trọng hình thành khu đô thị trung tâm (thị trấn Bích Động); khu đô thị dịch vụ thương mại (thị trấn Nếnh); khu đô thị mới văn hóa sinh thái (xã Ninh Sơn, xã Quảng Minh); khu vực phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn di tích và làng nghề (xã Trung Sơn, xã Tiên Sơn, xã Tăng Tiến và xã Vân Hà).

Xây dựng không gian du lịch văn hóa tâm linh Bổ Đà - Vân Hà. Ảnh: VK

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống. Ảnh: VK

Ngoài ra, huyện cũng bố trí quỹ đất, thực hiện quy hoạch ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư các dự án lớn về du lịch, vui chơi, giải trí, thể thao (golf). Tạo điều kiện phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa du lịch - thương mại.

Tập trung phát triển du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn và phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ chất lượng cao; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng.

Tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện có; đồng thời, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển điểm du lịch chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà.

Hình thành hạ tầng các khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm theo hướng phát triển đô thị tổng hợp bao gồm: Phát triển chức năng dân cư đô thị, hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại và du lịch. Đảm bảo đầu tư hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông, cảnh quan môi trường, các công trình thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường để phục vụ phát triển du lịch (khu vực Bích Động, Nếnh, Quảng Minh, Ninh Sơn).

Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, mời gọi đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) đạt tiêu chuẩn 5 sao tại huyện; du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf, thu hút đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, thể thao (golf).

Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống như: Sản xuất rượu ở làng Vân, mây tre đan ở xã Tăng Tiến, bánh đa nem ở làng Thổ Hà...

Xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch và thị trường khách du lịch theo hướng phát triển: Tuyến du lịch tâm linh: Tây Yên Tử - Yên Dũng - TP Bắc Giang - Việt Yên nhằm giới thiệu quảng bá các khu di tích lịch sử văn hóa, tâm linh trên địa bàn và tập trung là khu di tích chùa Bổ Đà, làng cổ làng nghề xã Vân Hà, đền thờ danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung và một số điểm di tích trên địa bàn....

Đồng thời quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch. Xây dựng phương án tổ chức hệ thống công trình phục vụ giao thông, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, khách du lịch. Phát triển, nâng cao dịch vụ các tuyến vận tải khách liên tỉnh, liên huyện hiện có, tận dụng các tuyến vận tải hành khách thông qua, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, kinh doanh vận tải đúng theo tuyến, đón trả khách tại bến, đảm bảo tốt chất lượng phục vụ….

Với sự quan tâm của cấp chính quyền và những giải pháp đồng bộ, tin tưởng du lịch của huyện Việt Yên sẽ có những bước tiến trên hành trình trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm