Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam vươn lên trong top 6 nước bao phủ vaccine COVID -19 cao nhất thế giới

Hương Giang

Thứ tư, 05/01/2022 - 10:52

(Thanh tra) - Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID -19 cao nhất thế giới. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết như vậy tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 5/1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Ảnh: N.Bắc

Theo Phó Thủ tướng, cuối tháng 4/2021, đợt dịch thứ tư bùng phát, cả nước mới tiêm được 320.000 liều vaccine. Sau 5 tháng, vào đầu tháng 10/2021, ở thời điểm chuyển sang thích ứng an toàn, cả nước đã tiêm được 47 triệu liều.

Đến nay, Việt Nam đã bao phủ vaccine mũi 1 cho 99,6% dân số từ 18 tuổi trở lên; bao phủ 90% mũi hai. Tỷ lệ dân số 12-17 tuổi được tiêm mũi 1 là 85,6%; mũi hai là 57%. Các cơ quan cũng đang đặt mua vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Các biện pháp phòng chống dịch được kế thừa và liên tục điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn.

“Khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, chúng ta phải áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt, nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng nói.

Toàn cảnh hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: N.Bắc

Hơn 700 trạm y tế lưu động được thiết lập ở các phường, xã. Hơn 300.000 lượt cán bộ y tế, quân đội, công an được điều động hỗ trợ địa phương giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Việt Nam đã xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập quỹ vaccine; tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất; phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước đến nay.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ ban hành quy định về thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID -19 đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong quý IV/2021 và năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhìn nhận công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lùng túng, thiếu nhất quán, nhất là giai đoạn đầu dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam.

Một số quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thiếu thống nhất. Năng lực y tế, nhất là cấp cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải và tử vong cao ở một số nơi.

Dịch có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới

Sang năm 2022, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá là rất nặng nề.

"Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đề ra 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành; trên cơ sở đó xác định 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 180 nhiệm vụ cụ thể.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: N.Bắc

Trong đó, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn và quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình Tổng thể phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%.

Triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước; ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Cùng với đó, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển xuất, nhập khẩu bền vững. Huy động hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp nữa là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Hoàn thành thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm