Theo dõi Báo Thanh tra trên
Theo Nguyên Minh/QĐND
Thứ bảy, 10/04/2021 - 08:21
Từng là một cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo; một cán bộ địa phương sâu sát thực tiễn ở Thái Bình đến cương vị Bí thư Tỉnh ủy của đổi mới và kiến tạo, trên cương vị bộ trưởng một bộ đa ngành đa lĩnh vực kinh tế, hy vọng tân Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ tiếp tục có những đột phá góp phần vào sự phát triển của ngành kinh tế đầu tàu đất nước.
Từ cán bộ Đoàn đến cán bộ cơ sở nhiều trải nghiệm
Tân Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sinh ngày 16-3-1965; quê quán: Xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông từng tốt nghiệp cử nhân lịch sử, cử nhân kinh tế, Tiến sĩ quản lý hành chính công. Theo tiểu sử được đăng trên Báo Thái Bình, ông từng được đào tạo cao cấp thanh vận tại Trường Đoàn cao cấp Trung ương sau đó tốt nghiệp cử nhân lịch sử, giáo dục học tại Trường Đại học Thanh niên Liên Xô trước thời điểm hệ thống Xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.
Về nước, trong quá trình công tác, ông tiếp tục theo học Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội và sau này học thạc sĩ quản lý hành chính công tại Học viện Hành chính Quốc gia rồi làm luận án tiến sĩ quản lý hành chính công tại Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Ông cũng đã trải qua lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng tại Học viện Quốc phòng.
Nguyễn Hồng Diên là một cán bộ có năng lực tổ chức, năng lực công tác Đoàn từ rất sớm. Năm 1986-1991, khi là sinh viên Đại học Thanh niên Liên Xô, ông đã giữ chức vụ Bí thư Đoàn trường, Phó bí thư, Quyền Bí thư Thành đoàn Lưu học sinh Việt Nam tại Matxcova, Liên Xô.
Trở về nước, ông là cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sau đó là cán bộ tổng hợp tỉnh Đoàn Thanh niên Thái Bình sau đó phát triển lên Bí thư Tỉnh đoàn. Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông đã trải qua các chức vụ: Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Theo nhiều cán bộ lãnh đạo ở địa phương từng công tác với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ông là một cán bộ nhiệt huyết và năng nổ, thường xuyên sâu sát với cơ sở. Từ những ngày còn là cán bộ Đoàn cũng như sau này cán bộ huyện, cán bộ tỉnh, ông thường xuyên có mặt ở những nơi là điểm nóng cần giải quyết về sản xuất như trên cánh đồng mùa hạn hay tới các xưởng may đang khó khăn về đầu ra, các dự án bị chậm tiến độ; gặp gỡ giúp đỡ người nghèo dịp Tết…
Ông cũng là người rất quan tâm công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực được phân công. Ông từng tâm huyết và ấp ủ rất sớm việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình, tìm hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ, tạo ra những động lực mới để Thái Bình thật sự cất cánh. Năm 2017, khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh, trước thông tin báo chí phản ánh chưa đúng thực tế về một dự án công nghiệp ven biển, có lần từ 6 giờ sáng, ông đã gọi điện, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân để tìm hiểu tình hình và đề nghị phản ánh thông tin chính xác, định hướng dư luận kịp thời.
Một Bí thư tỉnh ủy "dày công chuẩn bị cho tương lai"
Thời kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên đã có nhiều chỉ đạo, định hướng chiến lược để phát triển đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, triển khai các dự án lớn, mang tính động lực liên vùng, có tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt là việc xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế. Năm 2019, Khu Kinh tế Thái Bình là khu kinh tế mới được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung, với quy mô 30.583ha, trong đó có 8.020ha đất khu công nghiệp - là quy mô lớn để xây dựng Thái Bình thành một trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại.
Ông đã có nhiều công sức rất lớn cho việc xây dựng 8 khu công nghiệp đã và đang hoạt động ở Thái Bình, cùng với phát triển Khu công nghiệp Liên Hà Thái, giúp tỉnh Thái Bình có cơ hội tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và sớm trở thành tỉnh giàu của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đến nay, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp và gần 50 cụm công nghiệp, hơn 200 dự án trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Khu Kinh tế Thái Bình là 1 trong 17 khu kinh tế quốc gia; có quy mô 30.583ha, nằm trên địa bàn 30 xã và 1 thị trấn ven biển thuộc hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; có lợi thế rất lớn bởi nằm sát tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã và đang được đầu tư xây dựng, giúp kết nối thuận lợi và rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến cảng biển nước sâu Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi - Hải Phòng và sân bay quốc tế Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh. Ngoài ra, Khu Kinh tế Thái Bình còn có tiềm năng, lợi thế về nguồn năng lượng khí mỏ tự nhiên, điện, than với trữ lượng lớn, có thể khai thác, sử dụng lâu dài cùng quỹ đất sạch và các cồn cát, rừng ngập mặn ven biển, rất thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng đô thị hướng biển, liên kết với các địa bàn trọng điểm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Việc thành lập khu kinh tế ven biển là mong ước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình từ nhiều nhiệm kỳ qua, khi làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hồng Diên cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt mới trở thành hiện thực.
Cuối năm 2020, khi về dự lễ động thổ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã đánh giá Thái Bình là “tỉnh đã dày công chuẩn bị cho tương lai”.
Giai đoạn là Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên còn có dấu ấn quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn, cải cách thể chế và hành chính để Thái Bình phát triển. Đến cuối năm 2019, Thái Bình đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. Điều đặc biệt, cùng với việc đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới, rút kinh nghiệm sâu sắc từ các sự việc bất ổn ở nông thôn năm 1997, Thái Bình coi trọng và kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công nhằm bảo đảm phát triển bền vững và tránh hệ lụy phát sinh gây mất ổn định an ninh chính trị trên địa bàn nên dù hoàn thành xây dựng nông thôn mới, không để tồn đọng nợ công.
Thử thách và niềm tin, hi vọng
Trên cơ sở đến nay Thái Bình đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về đích trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, ngày 21-12-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 18-3-2019 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu. Từ các nghị quyết nêu trên, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 15% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 5% số xã trở lên đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông cũng rất coi trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, chi phí vật chất, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Được Đảng, Nhà nước tin cậy giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Công Thương, một bộ đa ngành, đa lĩnh vực bao trùm tới hơn 80% GDP quốc gia, là xương sống của nền kinh tế đất nước, trên cương vị mới, tin tưởng rằng ông Nguyễn Hồng Diên sẽ có nhiều đổi mới đột phá hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Tuy nhiên, cũng sẽ còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi ông phải hóa giải trên cương vị mới như: Tiếp tục tái cơ cấu ngành Công Thương trước đòi hỏi đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và dựa trên đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, xốc lại công tác quản lý thị trường, đổi mới công tác cán bộ, triển khai các hiệp định thương mại tự do, duy trì ổn định về xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, nâng cao vai trò hàng hóa Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương